Đường cống cao hơn nền nhà, dân vùng Khe Cạn còn khổ

Thứ bảy, 23/12/2023 07:30
Cuối năm 2022, người dân sống hai bên tuyến cống thoát nước Khe Cạn qua địa bàn P. Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hân hoan vui mừng vì dự án cống thoát nước Khe Cạn hoàn thành đã biến kênh hở thành cống hộp, vừa ngăn mùi hôi vừa tạo thành con đường khang trang, rộng rãi.
Mặt đường cao gần tới ngực, có mưa lớn, nước tràn cống là chảy vào nhà dân.
Mặt cống thoát nước Khe Cạn cao tới gần cửa sổ nhà dân (ảnh chụp thời điểm đang thi công dự án).

Bộ mặt khu dân cư cũng trở nên thoáng đãng, việc đi lại dễ dàng hơn, nhà cửa sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, trong khi nhiều hộ dân như được "đổi đời" thì một bộ phận khác lại gặp phải khó khăn mới, đó là tình trạng nhà thấp hơn đường, vừa bất tiện trong sinh hoạt vừa trở thành ao nước khi có mưa lớn.

Mặt đường cao gần cửa sổ

Nhà ông Trần Xuân Tấn (tổ 27, P. Thanh Khê Tây) nằm sát mặt đường nhưng mỗi lần đi về đều rất khó khăn với con dốc đứng. Độ chênh giữa nền nhà và mặt tuyến cống khoảng gần 1m nhưng ông không thể nâng lên, một phần vì không có tiền, nhưng quan trọng hơn là đang ở trên đất chưa có sổ đỏ, không thể làm giấy phép xây dựng. "Trước thì khổ vì kênh hở ô nhiễm chảy qua, mưa là ngập. Giờ thì bớt hôi thối, nhưng vẫn ngập và ngập lâu hơn vì đường như đê ngăn nước. Nếu đường kiệt ngập 20 phân thì nhà tôi ngập cả mét", ông Tấn cho hay.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Mẫn mỗi khi ra khỏi nhà bằng xe máy là phải đi theo hướng qua khu dân cư phía sau chứ ít khi đi đường chính vì lên xuống dốc nguy hiểm. Những năm trước, sau khi ngớt mưa thì nước rút dần nhưng năm nay do đường cống cao hơn nền nhà nên nước rút rất chậm, điện đóm trong nhà rất nguy hiểm. "Một là có phương án hỗ trợ dân di dời, giải tỏa, hai là linh động có cơ chế để bà con được nâng cấp, sửa chữa nhà chứ ở mãi thế này cả chục năm rồi", anh Mẫn nói.

Ông Đinh Quang Tưởng- Phó Chủ tịch UBND P. Thanh Khê Tây cho biết, rất nhiều hộ dân tại các tổ 26, 27 nằm trong vùng dự án cống thoát nước Khe Cạn. Bất cập phát sinh kể từ khi hoàn thành tuyến cống là có thật, cụ thể là khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị nhưng lại gây ngập úng cục bộ. Trước đây vẫn ngập nhưng nước thoát theo kênh Khe Cạn. Nay có cống với khẩu độ lớn, việc tiêu thoát tốt nhưng khi nước tràn cống là nước trong khu dân cư hết chỗ thoát, thậm chí chảy vào nhà dân. Quận đã cho lắp đặt 4 van lật dọc theo tuyến cống để giúp thoát nước trong khu dân cư ra theo hướng một chiều, tự động đóng khi nước trong cống dâng cao. Tuy nhiên giải pháp này chưa mang lại hiệu quả cao, quận đang phải lên phương án lắp đặt thêm 4 hố bơm cưỡng bức để xử lý trong điều kiện ngập sâu kéo dài. Những khó khăn ở trong vùng quy hoạch dự án cống thoát nước Khe Cạn tồn tại đã hàng chục năm nay nhưng chưa có phương án giải quyết căn cơ. Cụ thể, để tái thiết, chỉnh trang khu dân cư của cả khu vực thì phải di dời, giải tỏa dân. Nhưng cái khó là hầu hết không đủ điều kiện để hỗ trợ, đền bù, bố trí tái định cư. "Địa phương cũng biết nỗi khổ của dân. Nhà ngập úng, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì vướng pháp lý. Mong các cấp có phương án để hài hòa quyền lợi chứ khó khăn này kéo dài quá rồi", ông Tưởng kiến nghị.

Mặt đường cao gần tới ngực, có mưa lớn, nước tràn cống là chảy vào nhà dân.

Chưa có giải pháp lâu dài

Trước khó khăn của người dân, vừa qua Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát, tham mưu phương án và giải pháp chống ngập tạm thời tại khu vực Tuyến cống thoát nước Khe Cạn. Trước mắt, UBND Q. Thanh Khê đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm tạm bằng phương pháp lún bi giếng tại 4 vị trí thấp trũng, ngập nặng dọc 2 bên tuyến cống để bơm cưỡng bức trực tiếp ra sông Phú Lộc và trực tiếp vào hố ga của chính tuyến cống này. Sau khi có chủ trương của UBND quận, Cty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng sẽ lập hồ sơ thiết kế - dự toán đầu tư xây dựng trạm bơm tạm để phê duyệt và bố trí nguồn kinh phí đầu tư.

UBND Q. Thanh Khê cũng giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận phối hợp đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND quận báo cáo và đề xuất UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư Công trình Khớp nối giao thông, xử lý thoát nước tại khu vực cống thoát nước Khe Cạn. Đi kèm là phương án chỉnh trang cải tạo hạ tầng khu vực khớp nối với 21 vị trí hố ga nhằm giải quyết thoát nước và xử lý ngập úng tại khu vực này về lâu dài. Theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị Q. Thanh Khê, đây là phương án khả thi, dễ tổ chức thực hiện với giải pháp trước mắt là chống ngập úng tạm thời tại cho toàn bộ khu vực, đảm bảo điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn cho nhân dân trong 2 mùa mưa năm 2023 và 2024. Giải pháp này trước mắt giải quyết các kiến nghị bức xúc của cử tri trên địa bàn, không ảnh hưởng và trùng lắp dự án xử lý thoát nước và chỉnh trang cải tạo hạ tầng tại khu vực Khe Cạn do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đang triển khai thực hiện.

Dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết 1:500 tại Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 14-9-2016 với tổng diện tích quy hoạch 64.834m2. Theo phương án bố trí tái định cư, chỉ có các hộ giải tỏa đất ở và đất khuôn viên mới được bố trí tái định cư, còn các hộ giải tỏa đất nông nghiệp thì không đủ điều kiện. Vì vào thời kỳ trước, người dân mua đất chủ yếu bằng giấy viết tay, trên giấy phép tạm cấp cho người dân xây nhà có nội dung "cam kết không mua bán chuyển nhượng và tự động tháo dỡ không yêu cầu đền bù khi quy hoạch". Chính quyền Q. Thanh Khê cũng có nhiều văn bản tham mưu thành phố vận dụng các quy định để hỗ trợ cho người dân ở mức tốt nhất nhưng không thể đủ nguồn lực, đặc biệt là không thể làm trái các quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện cơ quan chức năng quận đang tiếp tục tham mưu các phương án khả dĩ để trình UBND TP Đà Nẵng xem xét, giải quyết, từng bước tháo gỡ vướng mắc cho dự án này.

Công Khanh