EU đưa vào diện kiểm soát 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam
Liên quan đến thông báo này Việt Nam có 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm thuộc diện kiểm soát của EU khi xuất khẩu vào thị trường này. Với mặt hàng thuộc phụ lục 1 là những mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: sản phẩm ớt chuông bị tần suất kiểm tra là 50%; mỳ ăn liền có gói gia vị, bột nêm hoặc nước sốt bị tần suất kiểm tra là 20%. Với tần suất trên thì 2 mặt hàng này vẫn giữ nguyên so với năm 2023. Nhưng trong phụ lục 1 có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Đối với phụ lục 2 là những mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc phải chịu tần suất kiểm tra biên giới còn phải bổ sung thêm giấy chứng nhận kèm theo kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu. Việt Nam có hai mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng đã nằm trong thông báo của EU sáu tháng cuối năm 2023. "So với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam có bốn mặt hàng là đậu bắp, mì ăn liền, ớt chuông và thanh long vẫn giữ nguyên tần suất như giai đoạn trước.
Riêng mặt hàng sầu riêng là bổ sung với tần suất kiểm tra 10%. Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng bị vi phạm quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa vào diện kiểm soát mặt hàng này. Theo ông Ngô Xuân Nam, việc sầu riêng phải chịu tần suất kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Bởi trong thương mại nông sản, việc bị kiểm soát ở biên giới đối với các mặt hàng nông sản là chuyện bình thường. Các mặt hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng chịu sự kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu kiểm soát không tốt, 6 tháng sau, khi EU rà soát lại, sản phẩm có thể từ phụ lục 1 bị chuyển sang phụ lục 2. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam.
TTXVN