EU nhất trí cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga

Thứ tư, 01/06/2022 14:37
Tạihội nghị thượng đỉnh đột xuất của EU về Ukraine ở Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu đã đồng ý về lệnh cấm vận nhập khẩu 2/3 lượng dầu của Nga vào khối này như một phần của các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: Bloomberg
Công nhân vận hành đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: Bloomberg

Theo ông Michel, lãnh đạo EU ngày 30-5 đã đạt được đồng thuận về việc cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga. "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga", ông Michel chia sẻ trên Twitter hôm 30-5.

Gói trừng phạt mới cũng bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại với nhiều cá nhân, loại ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). 3 đài truyền hình nhà nước lớn của Nga cũng sẽ bị cấm hoạt động tại EU. Ông Charles Michel cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt mới, cần sự ủng hộ của tất cả 27 quốc gia thành viên, sẽ được thông qua về mặt pháp lý vào ngày 1-6.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã hoan nghênh quyết định về lệnh cấm vận dầu mỏ, theo đó sẽ giảm nhập khẩu dầu vào EU từ Nga vào cuối năm nay khoảng 90%. Bà cũng nói rằng, các thành viên của liên minh "đã đồng ý chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than đá của Nga càng sớm càng tốt". "EC giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", người đứng đầu EC nói.

Tác động ra sao đến kinh tế Nga?

Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm mới của EU sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga nhưng có thể không gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế nước này.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nhà xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu lớn nhất của EU, cung cấp 2,2 triệu thùng dầu/ngày và các sản phẩm từ dầu là 1,2 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu mang lại cho Moscow doanh thu 1 tỷ USD mỗi ngày. Ước tính, sản lượng của Nga sẽ giảm thêm một triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 10%, khi các hạn chế có hiệu lực. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga vẫn có khả năng trụ vững trước các lệnh trừng phạt khi những quốc gia khác chớp lấy cơ hội mua dầu thô với mức giá chiết khấu khoảng 30 USD/thùng dầu thô Brent.

Thậm chí, lệnh cấm mới của EU có thể gây ra "hiệu ứng ngược". Một số nước châu Âu sẽ rất dễ bị tổn thương khi mất khả năng tiếp cận nguồn cung dầu của Nga. Slovakia nhập khẩu 105.000 thùng/ngày từ Nga, Hungary nhập khẩu 70.000 thùng/ngày và Cộng hòa Czech nhập khẩu 68.000 thùng/ngày. Các nước EU khác ít phụ thuộc hơn vào dầu của Nga, nhưng giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở châu Âu.

Nếu Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho châu Âu trong tương lai gần, về lý thuyết khu vực này có thể tìm được nguồn cung thay thế. Nhưng điều đó vẫn phụ thuộc nhiều vào quyết định của OPEC có sẵn sàng gia tăng sản lượng khai thác hay không, cũng như chi phí vận chuyển và tải trọng của các tàu chở dầu sẵn có. Quá trình tìm kiếm sản phẩm thay thế có thể mất từ vài tháng đến vài năm.

Nga nêu biện pháp đối phó

Bình luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna (Áo) tuyên bố Moscow sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác để đối phó với gói trừng phạt thứ 6 của EU, bao gồm lệnh cấm vận một phần dầu mỏ Nga.

"Đúng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói vào ngày hôm qua, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác. Đáng chú ý là hiện tại bà ấy đang mâu thuẫn với tuyên bố ngày hôm qua của chính mình. Sự thay đổi nhanh chóng trong suy nghĩ cho thấy rằng EU đang ở trong tình trạng không tốt", ông Ulyanov cho biết trên Twitter hôm 31-5, đáp lại tuyên bố của bà von der Leyen về lệnh cấm vận một phần dầu mỏ Nga.

AN BÌNH

Sau Hà Lan, Đan Mạch bị Nga ngừng cung cấp khí đốt

Sau khi Hà Lan bị ngừng cấp khí đốt, công ty điện lực Orsted của Đan Mạch cũng bị Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt giảm khí đốt tự nhiên vì công ty này cũng từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Theo tờ Bussiness Insider, công ty Orsted cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 30-5: "Chúng tôi không có nghĩa vụ pháp lý nào theo hợp đồng để làm như vậy và chúng tôi đã nhiều lần thông báo với Gazprom Export rằng chúng tôi sẽ không làm như vậy". Khi Orsted dự định tiếp tục thanh toán khí đốt bằng đồng euro cho khoản thanh toán đến hạn vào ngày 31-5, có nguy cơ Gazprom Export sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Orsted. Orsted cho biết họ hy vọng có thể mua khí đốt trên thị trường khí đốt châu Âu.

Trước đó, Gazprom đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vì các nước đều từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Mới đây nhất, ngày 30-5, công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan thông báo Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này sau khi Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble.