EVFTA giúp Việt Nam cân bằng các trục giao thương quốc tế

Thứ sáu, 04/09/2015 11:12

(Cadn.com.vn) - So với các Hiệp định thương mại (HĐTM) tự do mà Việt Nam đã ký kết, HĐTM tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là HĐTM có chất lượng cao và toàn diện nhất của Việt Nam. GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh - Phó viện trưởng Viện Kinh tế & Thương mại Quốc tế, ĐH Ngoại Thương có cuộc trao đổi với báo chí về nội dung này.

GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh

P.V: So với các HĐTM khác mà Việt Nam đã ký kết, EVFTA có điểm khác biệt nào, thưa bà?

GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Điểm khác biệt đầu tiên là về thị trường và khu vực. Từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ ký kết các HĐTM xung quanh khu vực ASEAN và Châu Á. Đây là HĐTM tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán được với một nước phát triển, cụ thể là Châu Âu, một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Cho nên, đây là một đột phá của Việt Nam. Ngược lại, lần đầu tiên EU ký một hiệp định rộng lớn như vậy với một nước đang phát triển như Việt Nam. Điều này cho thấy EU coi trọng thị trường Việt Nam như thế nào.

Điểm khác biệt thứ hai, đó là phạm vi bao trùm của Hiệp định này rộng lớn hơn nhiều các HĐTM tự do khác, nó không chỉ bao gồm vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ… mà còn bao gồm các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài chính…

P.V: Những lợi ích cơ bản nhất mà Việt Nam có được thông qua Hiệp định này là gì?

GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: HĐTM tập trung chủ yếu bàn tới thương mại và nội dung chính của EVFTA là giảm thuế quan và giảm bớt những rào cản về thuế quan cho hàng hóa của hai bên. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu (XK) được hưởng ưu đãi thuế quan của Liên minh Châu  (EU), thì kỳ vọng sau khi Việt Nam ký EVFTA con số này sẽ tăng lên đáng kể, khoảng 70%-80%. Đây là cơ hội vô cùng lớn cho hàng hóa của Việt Nam XK vào thị trường EU.

Mặt khác, với EVFTA, luồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Châu Âu có khả năng sẽ tăng mạnh tại Việt Nam trong tương lai. Trong đó, Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào phát triển khoa học công nghệ. Nếu EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ có khả năng thu hút được nhiều đối tác mạnh về khoa học công nghệ của EU, từ đó có thể nâng cấp được nền khoa học công nghệ trong sản xuất của Việt Nam.

* Ngày 4-8-2015, Lễ công bố kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam. EVFTA kết thúc sau 3 năm đàm phán với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn... là một trong những Hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp hai bên.

P.V: Vậy khó khăn, thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi Hiệp định có hiệu lực?

GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh: Tôi nghĩ là cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức. Việt Nam phải thấy rằng việc ký HĐTM cũng giống như là việc Việt Nam nâng cấp phương tiện đi ra nước ngoài của mình. Nếu như là trước kia đi bằng xe đạp thì chỉ đi được quanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hàng hóa Việt Nam mang theo được cũng ít. Bây giờ Việt Nam mang hàng hóa đi bằng tàu biển và máy bay thì sẽ đi được xa hơn, nhưng đồng thời vấn đề nhập cảnh bằng những phương tiện đó cùng những trở ngại rủi ro quy định sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Trong EVFTA, EU cho thấy họ sẽ cố gắng phát triển kim ngạch thương mại hai chiều, nhưng không đồng thời với việc họ chấp nhận việc tàn phá môi trường hay không bảo đảm quyền lợi cho người lao động… tức là họ yêu cầu đảm bảo trách nhiệm xã hội của DN. EU sẽ can thiệp vào toàn bộ quá trình sản xuất của DN Việt Nam và nếu họ thấy rằng DN của Việt Nam không đạt được những tiêu chuẩn theo quy định thì họ sẽ không cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam vào EU.

P.V: EVFTA cam kết một lộ trình cắt giảm thuế quan trong vòng 10 năm cho hàng hóa XK của Việt Nam vào EU. Bà đánh giá như thế nào về lộ trình này?

GS.TS Nguyễn Hoàng Ánh:  Nhà nước phải có sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những lợi ích lâu dài của việc thỏa mãn những tiêu chí khó khăn, khắt khe của thị trường các nước phát triển để DN sẽ có được sự phát triển bền vững. Rất nhiều DN đã chia sẻ rằng, nếu họ chỉ XK loanh quanh khu vực ASEAN hoặc Châu Á, thì các quy định về xuất xứ hàng hóa là tương đối dễ dàng. Các DN XK chỉ cần chứng minh 40% giá trị hàng hóa của họ có xuất xứ khu vực chứ không cần hoàn toàn là của Việt Nam thì đã được hưởng những ưu đãi thuế quan theo các cam kết. Tuy nhiên, nếu để chứng minh xuất xứ hàng hóa với thị trường EU thì sẽ khó hơn rất nhiều.

EVFTA được ký kết sẽ làm gia tăng vị trí của Việt Nam trong nhóm các quốc gia thành viên TPP, đồng thời tránh cho nền kinh tế Việt Nam không bị quá lệ thuộc vào một trục.

P.V (lược trích)