FTZ - Động lực mới của Đà Nẵng

Thứ hai, 25/11/2024 06:40

Triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) Đà Nẵng để trình Chính phủ ra quyết định thành lập và thực hiện thí điểm từ năm 2025 theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, ngày 23-11-2024, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án này bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thành lập FTZ Đà Nẵng.

Thi công Cảng biển Liên Chiểu- Dự án có vai trò quan trọng đến thành công của FTZ Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Mô hình phức hợp đa chức năng

Báo cáo tóm tắt Dự thảo Đề án thành lập FTZ Đà Nẵng tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng) - Tổ trưởng Tổ tư vấn xây dựng Dự thảo cho biết, đối với chuẩn 6 FTZ thành công trên thế giới như Batam (Indonesia), Bayan Lepas (Malaysia), Hải Nam, Thượng Hải (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Jebel Ali (UAE) và dựa trên điều kiện thực tế của Đà Nẵng, FTZ Đà Nẵng sẽ được xây dựng với mô hình FTZ phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu” và đề xuất 10 vị trí xây dựng các phân khu chức năng có quy mô diện tích đến năm 2035 đạt khoảng 2.400ha, sau năm 2035 đạt khoảng 3.000ha. FTZ Đà Nẵng định hướng các ngành ưu tiên như logistics trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu của Đông Nam Á; sản xuất (trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao); dịch vụ và thương mại (trung tâm du lịch và dịch vụ hiện đại của thế giới); đổi mới sáng tạo (trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực). FTZ Đà Nẵng ước đóng góp 3% vào năm 2030, 12,4% vào năm 2040 và 21,2% vào năm 2050 trong tổng GRDP của TP.

Lộ trình phát triển của FTZ Đà Nẵng như sau: giai đoạn từ nay đến 2030: phê duyệt Đề án, xây dựng bộ máy quản lý, giải tỏa, tái định cư, quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ miễn thuế, fintech, AI, logistics xuyên biên giới, vi mạch, bán dẫn, R&D, đào tạo; giai đoạn 2030-2040: hoàn thiện hạ tầng, mở rộng các khu chức năng, phát triển các dịch vụ y tế, phần mềm đám mây, tái xuất quốc tế, công nghệ sinh học, cơ khí, đổi mới sáng tạo; giai đoạn sau 2040: phát triển các dịch vụ du lịch tích hợp, kinh tế số, công nghệ cao… Tổng vốn đầu tư phát triển bên trong FTZ Đà Nẵng ước tính khoảng 32.741 tỷ đồng trong giai đoạn 1 (2026-2030), giai đoạn 2 (2031-2040) sẽ cần khoảng 5.033 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên vốn cho công tác đền bù giải tỏa và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Sẽ xây dựng hạ tầng Cảng biển Liên Chiểu theo tiêu chuẩn quốc tế (có khả năng tiếp nhận tàu 100.000DWT), đóng vai trò đặc biệt quan trọng với FTZ Đà Nẵng trong mục tiêu hướng đến trở thành “Cửa ngõ xuất nhập khẩu của Đông Nam Á”; đầu tư hệ thống các huyết mạch giao thông kết nối Cảng biển Liên Chiểu với FTZ Đà Nẵng, kết nối các phân khu chức năng trong FTZ Đà Nẵng, kết nối với mạng lưới các quốc lộ, cao tốc, Hành lang Đông - Tây…

Bản đồ 10 vị trí đề xuất xây dựng các phân khu chức năng thuộc FTZ Đà Nẵng.

Nhiều đóng góp tâm huyết, sâu sắc

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá và kỳ vọng FTZ sẽ là động lực mới, “cú hích” thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế Đà Nẵng. Để xây dựng và phát triển thành công FTZ Đà Nẵng, ông Vũ Mạc Hưng, chuyên gia của Tập đoàn Tư vấn BCG (Hoa Kỳ) khuyến nghị Đà Nẵng tích cực tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư lớn cho các ngành trọng điểm như AI, bán dẫn, bán lẻ miễn thuế, hạ tầng... Thạc sĩ Lê Anh Đức (Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH và ĐT) cho rằng, Đà Nẵng phải đi thực tế và học hỏi các FTZ thành công trên thế giới. Tiến sĩ Trần Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cần có cơ chế kinh doanh tự do nhất và ưu đãi vượt trội cho FTZ, ít nhất cũng phải bằng các khu FTZ trên thế giới. Cần phải làm càng sớm càng tốt việc xây dựng hạ tầng cứng về đường bộ, cảng biển, đường sắt, cấp điện, cấp nước, viễn thông, môi trường... để thu hút nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là đầu tư xây dựng Cảng biển Liên Chiểu. Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đề nghị Trung ương nên phân quyền, giao thêm quyền, ủy quyền cho TP Đà Nẵng trong việc xây dựng và phát triển FTZ, nhất là khâu chọn nhà đầu tư chiến lược theo yêu cầu. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan cần phải cực kỳ đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý tất cả các công việc và hiện đại hóa, thông minh toàn bộ…

Thi công Cảng biển Liên Chiểu- Dự án có vai trò quan trọng đến thành công của FTZ Đà Nẵng.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết TP đang tập trung phối hợp các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai ngay nội dung cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương và Quốc hội đã giao thực hiện, trong đó, có việc Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình FTZ, là động lực để Đà Nẵng vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế của khu vực. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao các chia sẻ, ý kiến, đề xuất, hiến kế của các đại biểu tại hội thảo đầy tâm huyết, sâu sắc và thể hiện tình cảm đối với lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Tổ tư vấn xây dựng Dự thảo Đề án thành lập FTZ Đà Nẵng ghi nhận, tổng hợp các ý kiến đóng góp này để nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo, đồng thời tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để trình lãnh đạo TP xem xét, thông qua trong tháng 12-2024 và gửi Bộ KH- ĐT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt thành lập FTZ Đà Nẵng theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

PHÚ NAM