Gần 100 hộ thấp thỏm lo mất nhà vì bờ biển bị xâm thực mạnh

Thứ bảy, 04/03/2023 17:23
Những năm qua, gần 100 hộ dân sống ven biển tại xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) và phường Cẩm An (TP Hội An, Quảng Nam) luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu trước tình trạng xâm thực bờ biển đang diễn ra mạnh. Nếu chính quyền địa phương không sớm có biện pháp xử lý thì vài năm nữa, những căn nhà của họ sẽ bị sóng biển “nuốt chửng”.
Sóng biển làm xói lở, đổ sập căn nhà chị Hường.
Xâm thực bờ biển tại Cửa Lở đang diễn ra mạnh, mỗi năm xói lở gần 30m đất.

Thấp thỏm lo sập nhà

Đầu tháng 3 này, đi dọc bờ biển Cửa Lở tại thôn Bình Trung (xã Tam Hải) dài gần 1km, chúng tôi nhận thấy tình trạng xâm thực bờ đang diễn ra rất mạnh. Chỉ trong mấy ngày do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kèm mưa lớn, sóng biển đã “ăn” vào bờ từ 3 – 5 mét (m), cả trăm cây dương liễu giữ đất bị cuốn phăng ra biển. Dọc bờ biển, nhiều căn nhà tạm của người dân dựng nuôi tôm bị sóng biển phá nát, hàng chục ao nuôi tôm của người dân đành phải bỏ hoang. Nghiêm trọng hơn, khu vực chôn chất mồ mả tập trung chỉ còn cách bờ biển sạt lở 7-10 m.

Trại nuôi tôm của anh Trần Văn Kiều (33 tuổi, trú thôn Bình Trung) cách bờ biển khoảng 50m. Anh Kiều bày tỏ lo lắng: “Cách đây 10 năm, vị trí bờ biển cách xa gần 200 m so với hiện tại. Do ảnh hưởng của thời tiết, tốc độ xâm thực bờ biển Cửa Lở diễn ra rất nhanh. Mùa mưa bão năm nào, sóng biển cũng làm xói lở gần 30 m đất, có năm bão liên tục xâm thực gần 50m. Xâm thực diễn ra nhanh, nhiều người phải bỏ ao nuôi tôm gần vị trí sạt lở, di chuyển vào bên trong. Hiện tại, khu vực chúng tôi nuôi tôm đã gần khu dân cư. Với tốc độ xâm thực nhanh như vậy thì khoảng 3 - 4 năm nữa chúng tôi sẽ không còn đất để nuôi tôm”.

Căn nhà ông Nguyễn Hữu Việt (51 tuổi, trú tổ 8, thôn Bình Trung) cách bờ biển Cửa Lở khoảng 70m. Dẫn chúng tôi ra sở thị bờ biển đang sạt lở, ông Việt rầu rĩ cho biết: “Mấy năm gần đây, tốc độ xâm thực bờ biển diễn ra quá nhanh. Hiện tại bờ biển chỉ cách khu dân cư 70-100 m và khu vực chôn cất mồ mả khoảng 7m. Chúng tôi dự định sẽ di dời những ngôi mộ vào bên trong trước mùa mưa năm nay. Hiện có gần 80 hộ dân sống gần bờ biển lo lắng nếu không kè bờ biển, vài năm nữa những căn nhà của người dân sẽ bị xói lở, đổ sập”.

Vị trí sạt lở chỉ còn cách căn nhà ông Biết vài bước chân.

Dọc bờ biển tại TP Hội An, tình trạng xâm thực bờ biển cũng đang diễn ra mạnh. Những ngày vừa qua, mưa kèm gió mạnh khiến từng đợt sóng lớn vỗ dồn dập, “ngoạm” sâu vào khu dân cư ven biển thuộc khối Thịnh Mỹ (P.Cẩm An). Thương xót nhất là căn nhà gia đình chị Nguyễn Thị Hường (36 tuổi) vừa bị cơn sóng dữ “nuốt chửng”. Cặm cụi dọn dẹp đồ đạc, chị Hường bần thần kể, nhìn thấy bờ biển sắp lở đến căn nhà, chị vội đi thuê phòng trọ cho gia đình tá túc. Khoảng 14 giờ ngày 26-2, lúc chị đang dọn dẹp phòng trọ thì chị gái gọi điện báo tin căn nhà bị sóng đánh đổ sập phần bếp và một nửa phòng khách. Chị lật đật chạy về thì chết lặng trước cảnh tượng ngôi nhà che nắng, che mưa của gia đình đã thành đống đổ nát. “Sống gần bờ biển bị sạt lở, gia đình chúng tôi “ăn không ngon, ngủ không yên”. Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm, căn nhà của tôi bị sóng biển tàn phá. Tháng 11-2020, 7 căn nhà nơi đây bị sóng biển tàn phá hư hỏng nặng. Chúng tôi vay mượn khắp nơi xây sửa lại căn nhà để ở. Ảnh hưởng của cơn bão vào tháng 10-2022, sóng cao 3-4m cuộn trào khiến 4 ngôi nhà bị quật sập một phần. Vì không còn nơi ở khác, chúng tôi đành phải tiếp tục sửa chữa lại căn nhà. Lần này, sóng biển đã làm hư hỏng gần hoàn toàn căn nhà, trước mắt gia đình tôi sẽ thuê phòng trọ ở tạm, sau đó tích góp để tìm nơi ở mới. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, rất mong chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ”- chị Hường nghẹn ngào.

Cùng chung tâm trạng, gia đình ông Lê Văn Biết đang “ngồi trên đống lửa”, sóng biển đã khoét sâu vào bờ, chỉ còn cách căn nhà vài bước chân…

Sóng biển làm xói lở, đổ sập căn nhà chị Hường.

Khẩn trương kè bờ biển

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sạt lở bờ biển tại Cửa Lở, ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho hay, do ảnh hưởng của dòng chảy, nhiều khu vực tại xã đảo Tam Hải xảy ra tình trạng xâm thực bờ biển ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Nghiêm trọng nhất là tại khu vực Cửa Lở và đoạn bờ biển tại thôn Tân Lập và Thuận An. Năm 2019, cấp trên đã phê duyệt dự án làm tuyến bờ kè cứng từ Tân Lập đến thôn Thuận An dài gần 2km. Tuyến bờ kè hoàn thành phát huy hiệu quả việc chắn sóng biển, bờ biển không bị tổn thương. Riêng tại Cửa Lở, tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm dọc bờ biển và đặc biệt là vị trí sạt lở hiện tại chỉ còn cách nơi sinh sống gần 80 hộ dân thôn Bình Trung khoảng 70m. Ngoài ra, vị trí sạt lở cũng đang mở rộng, đe dọa đến khu dân cư thôn Thuận An. Lo lắng tình trạng sạt lở đe dọa, tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị sớm làm bờ kè bê-tông khu vực Cửa Lở để giữ đất, giữ nhà. UBND H.Núi Thành đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên, do nguồn kinh phí xây dựng tuyến kè ở khu vực này quá lớn nên chưa thể thực hiện được.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đang triển khai vận hành dự án nạo vét luồng 5 vạn tấn khu vực cảng Chu Lai. Theo thiết kế, công ty này sẽ tiến hành nạo vét lòng sông từ cảng Chu Lai ra khu vực Cửa Lở để tàu thông ra biển. Phía bên Cửa Lở đang bị sạt lở, công ty sẽ xây dựng 1 tuyến bê-tông ngăn sóng, chống xói lở bờ liền. Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án, lãnh đạo tỉnh, các sở ngành sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của người dân, sau đó mới triển khai.

Liên quan đến tình trạng sạt lở tại khối Thịnh Mỹ, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin, trước tình trạng sạt lở bờ biển tại Hội An, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng tuyến đê ngầm chắn sóng từ xa, bắt đầu từ bờ biển Cửa Đại, song chưa triển khai đến khu vực khối Thịnh Mỹ. UBND TP đang rà soát lại thủ tục đầu tư, xây dựng tuyến kè cứng ven biển để chống sóng biển xâm thực vào đất liền.

Thiết nghĩ, các địa phương cần sớm hoàn thiện thủ tục, triển khai xây dựng tuyến bờ kè kiên cố chắn sóng biển những đoạn đang sạt lở để giữ đất, cũng như bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.

Lê Vương