Gần 470.000 tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế
Tại buổi họp báo quý II của Ngân hàng Nhà nước được tổ chức ngày 21-6, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng dòng vốn tín dụng vẫn chảy mạnh vào những lĩnh vực ưu tiên, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tín dụng tăng trưởng mạnh
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch COVID-19. Tính đến ngày 15-6, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.
“Thanh khoản của các tổ chức tín dụng luôn dồi dào và ổn định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc Ngân hàng Nhà nước áp dụng tại các ngân hàng thương mại cũng có dôi dư. Điều này thể hiện sự ổn định và lành mạnh hóa đang có xu hướng tích cực về tình hình tài chính của các ngân hàng”, Phó Thống đốc nói.
Về tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan quản lý cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng tăng trưởng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.
Tính đến ngày 15-6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020. Nếu so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 2,26%, mức tăng nửa đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi, bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.
Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính theo số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng Sáu kể trên tương đương việc các ngân hàng đã bơm ròng gần 470.000 tỷ đồng vào nền kinh tế qua kênh cho vay.
“Tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Với sự quyết liệt trong việc kiểm soát dịch bệnh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay không có gì là không thể đạt được. Thậm chí, nếu kinh tế phục hồi tốt hơn nữa, chúng ta có cơ hội mở rộng tín dụng cao hơn con số này”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và ưu tiên, với 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Dự kiến đến cuối tháng Sáu, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA), đến nay đã có 3 tổ chức tín dụng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến trong cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy tới.
Trước đó, thông tin từ dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, số lỗ của Vietnam Airlines của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp
Trên cơ sở 3 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, trong 6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Dù lãi suất huy động có ghi nhận tăng tại một số ngân hàng thương mại, nhưng nhìn chung mặt bằng tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và một số ngân hàng thương mại lớn vẫn duy trì ổn định và giảm so với cuối năm 2020. Đến cuối tháng Tư, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 0,3%/năm so với cuối năm 2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3%-6%/năm.
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Tính đến ngày 31-5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt 3,5 triệu tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3,052 triệu khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp; chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.
THÚY HÀ