Gần nửa thế kỷ giữ trọn lời thề

Thứ năm, 29/07/2021 18:30

Gần nửa thế kỷ thờ chồng nuôi con, khó có thể kể hết những khó khăn vất vả mà bà Ngô Thị Đỉu trải qua. Thế nhưng đối với bà, đó là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời làm vợ, làm mẹ của mình. Tháng 7 về, bà lại trầm ngâm nhớ đến ký ức năm xưa với niềm day dứt, tiếc nuối...

Người vợ liệt sỹ gần nửa thế kỷ thờ chồng, nuôi con.

5 ngày làm vợ và 9 năm chờ chồng

Chưa đầy 18 tuổi, bà Ngô Thị Đỉu (1940, trú xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An) đã lẽo đẽo theo chồng khi nghe sự sắp xếp của bố mẹ. Chồng bà là anh Ngô Xuân Tấn (1938)-một thanh niên cùng xóm nhưng hai người mới chỉ biết sơ qua về nhau. Ngày 29 tháng chạp năm 1964 (âm lịch) họ cưới nhau thì đến mùng 5 tết, anh Tấn phải lên đường nhập ngũ. “Lấy chồng không xuất phát từ tình yêu nên cưới nhau được 5 ngày, tôi vẫn không cho chồng đụng vào người. Ngày lên đường nhập ngũ, mắt anh ấy rơm rớm nước. Không ngờ phải 9 năm sau chúng tôi mới được gặp lại nhau”, bà Đỉu nhớ lại câu chuyện thời con gái của mình.

Chiến tranh ác liệt, chồng tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường từ Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh... rồi sau đó sang tận Lào, Campuchia còn bà Đỉu vẫn ở nhà tham gia các hoạt động lao động sản xuất phục vụ chiến đấu. Họ chỉ liên lạc với nhau qua những lá thư ít ỏi gửi về từ chiến trường. Mang tiếng là vợ chồng nhưng giữa hai người chưa đủ gắn bó, chưa kịp bồi đắp tình cảm yêu thương. Hầu như những nhớ nhung của người vợ đều gác lại cho công việc và chăm sóc gia đình bên chồng. “Những bức thư ngắn ngủi anh ấy gửi về cũng chỉ để tôi hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ của anh và đồng đội phải trải qua ở chiến trường. Bởi lúc đó tôi còn trẻ chưa hiểu hết được. Cho đến một lần khi anh đang chiến đấu ở Campuchia có gửi về một lá thư dài nhưng chỉ có dòng chữ “9 đợi 10 chờ” chi chít cả trang giấy. “Lúc đó, tôi mới hiểu hết được những dồn nén của anh ấy suốt thời gian qua. Bức thư ngắn ngủi nhưng tôi biết để viết lên những từ này anh ấy đã khóc rất nhiều...”, bà Đỉu gạt nước mắt.

Trải qua 9 năm dài đằng đẵng, những yêu thương bắt đầu nhen nhóm trong lòng người vợ trẻ, câu nói “9 đợi 10 chờ” nhắn gửi trong bức thư như lời dặn dò, lời thề non hẹn biển rằng nhất định chiến tranh sẽ kết thúc và người chồng sẽ trở về. Nhớ đến tiếng thở dài của chồng trong đêm tân hôn khiến bà lại thương ông nhiều hơn.

Năm 1973, ông Ngô Xuân Tấn được cử ra Bắc đi học, trong chuyến đi ấy ông mới có dịp ghé thăm nhà. Đó cũng là chuyến trở về đầu tiên sau 9 năm vào quân ngũ.“Hôm đó, tôi đi gặt lúa ở mãi xã Hưng Yên, cách nhà tận 20km nhưng ông ấy vẫn cuốc bộ đến nơi để gặp vợ. Tôi được Chủ nhiệm hợp tác xã báo tin “Hôm nay chồng o về, cho o nghỉ một bữa, chiều đưa chân chú ấy”. Vậy rồi, trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi ấy, chúng tôi mới chính thức trở thành vợ chồng”, bà Đỉu ngượng ngùng kể lại.

Sau lần gặp chớp nhoáng ấy, bà Đỉu mang bầu đứa con gái đầu lòng. Những tưởng, hạnh phúc khi lần đầu tiên được làm mẹ sẽ ngọt ngào biết bao nhưng mọi chuyện lại nằm ngoài sức tưởng tượng. Khi cái bụng ngày một to dần cũng là lúc bà phải chịu đựng nhiều lời đàm tiếu từ bàn dân thiên hạ. “Người ta vu cho tôi là kẻ lăng loàn, rằng “chồng đi biền biệt mà vợ ở nhà có chửa”. Dù tôi có giải thích thế nào thì vẫn không thể thanh minh được bản thân mình trong sạch, kể cả bố mẹ chồng. Thời đó, tội phản bội chồng vô cùng khủng khiếp. Tổ chức họp kiểm điểm, đi đâu cũng nghe lời xì xào, bàn tán. Dù biết rằng những nghi ngờ của người ngoài cuộc là thiếu căn cứ nhưng lại không thể thanh minh bởi lúc đó chồng đang đi xa. Sau khi sinh con, tôi quyết định viết một bức thư báo cáo đơn vị chồng trình bày về sự việc. Đến năm 1974, ông ấy được đơn vị cho về phép để giải quyết chuyện gia đình”, bà Đỉu gạt nước mắt.

Quãng thời gian gần 3 tháng trời về phép của chồng, nỗi oan ức của người vợ mới được hóa giải. Cũng trong khoảng thời gian này, vợ chồng bà Đỉu kịp bồi đắp tình cảm yêu thương và có thêm tin vui. Bà Đỉu mang bầu đứa thứ 2 khi con gái đầu lòng được 10 tháng. “Ngày chuẩn bị lên đường trở lại đơn vị, ông ấy còn chuẩn bị củi đuốc chu đáo cho tôi sinh nở và không quên dặn bố chồng ở nhà nhớ kiếm củi cho mẹ con sưởi ấm. Trước khi đi ông ấy còn không quên dặn vợ nếu là con gái nhớ đặt tên Hiền, chị Ngoan, em Hiền”, bà Đỉu nhớ lại.

Ngày 20-5-1974, ông Tấn lên đường trở lại mặt trận. Không ngờ đây là lần cuối cùng bà được gặp chồng. Một ngày sau khi lên đường, ông Tấn hi sinh khi đang làm nhiệm vụ trên tàu ở biển Cửa Việt, Quảng Trị. 10 ngày sau, khi đang ru con ngủ trong buồng, bà Đỉu nghe tin dữ từ người dượng báo về “anh Tấn hi sinh rồi”. Cầm giấy báo tử trên tay, bà Đỉu ngất xỉu bởi nỗi đau, mất mát quá lớn...

Bà Ngô Thị Đỉu rưng rưng kể lại chuyện năm xưa. 

Gần nửa thế kỷ giữ trọn lời thề

Mặc dù biết rằng, chồng đã không bao giờ trở về nhưng bà Đỉu vẫn xem câu nói “9 đợi 10 chờ” năm xưa của ông như lời thề và sắt son giữ trọn. Bà một mình vừa làm kinh tế vừa thờ chồng và nuôi 2 đứa con khôn lớn. Khó có thể kể đến những nhọc nhằn, vất vả khi chăm bẵm cho 2 cô con gái nên người. Lấy chồng lúc còn trẻ nên bà vẫn giữ được nét đẹp của người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và đảm đang. Có nhiều người đàn ông muốn tìm đến để trở thành chỗ dựa cho mẹ con nhưng bà đều gạt phăng sang một bên. Bốn chữ “9 đợi, 10 chờ” đã trở thành lời hứa khắc sâu trong tâm khảm, nó đã trở thành điểm tựa giúp bà chống đỡ với những phút chông chênh trong cuộc sống.

Trong căn nhà tình nghĩa, căn nhà cấp 4 đã cũ, thứ quý giá nhất là những tấm huân, huy chương của liệt sỹ Ngô Xuân Tấn và tấm bằng khen về những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ của bà Đỉu. Lau lại di ảnh chồng, bức ảnh đen trắng đã nhòe đi theo thời gian, bà Đỉu rưng rưng nước mắt “Vậy là gần 50 chục năm trôi qua rồi, nhanh thật đấy ông ạ. Tôi vẫn giữ trọn vẹn lời hẹn ước năm xưa với ông”.

Có lẽ điều bà day dứt, nuối tiếc nhất là những năm tháng ngắn ngủi được làm vợ, chút bướng bỉnh, cứng đầu đã khiến ông nhiều lần phải rơi nước mắt. Nhưng đối với bà, niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm vợ, làm mẹ chính là hai cô con gái Ngoan, Hiền. Đó là kết quả của tình yêu thương được bồi đắp trong 2 lần gặp gỡ duy nhất. Chỉ mong rằng, người vợ liệt sỹ ấy vẫn luôn giữ được sự khỏe mạnh, minh mẫn để giữ trọn lời thề năm xưa...

Dương Hóa