(Cadn.com.vn) - Ít nhất 157 người thiệt mạng kể từ khi bạo lực bùng phát trở lại hồi tuần trước ở Gaza. Nhưng sau một đêm “không rocket” đầu tiên trong hơn một tuần khói lửa, không khí yên bình trở lại trên dải đất này. Người dân Gaza bắt đầu ló mặt ra đường, thu dọn những tàn tích của chiến tranh. Những mẩu đạn pháo còn sót lại. Những ngôi nhà tan hoang, đổ nát.
Thỏa thuận bước ngoặt
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực từ đêm 21-11 (giờ địa phương). Theo thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, Israel đồng ý chấm dứt mọi hành động thù nghịch và giết chóc có mục tiêu trong khi Hamas phải chấm dứt các cuộc tấn công vào Israel và ở dọc biên giới.
Tuy nhiên, trong những giờ đầu tiên sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, 12 quả rocket từ Dải Gaza bắn sang Israel. May mắn là, các vụ tấn công nói trên không gây thương vong hay thiệt hại nào vì chúng phần lớn rơi xuống các khu vực trống trải ở miền Nam Israel. Nếu thỏa thuận đổ vỡ thực sự, Tel Aviv tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, HĐBA LHQ kêu gọi Israel và Hamas “hành động nghiêm túc để thực thi các điều khoản của lệnh ngừng bắn với niềm tin tưởng” và hối thúc cộng đồng quốc tế đưa hàng viện trợ khẩn cấp vào Dải Gaza.
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hết mình để tránh lập lại kịch bản của cuộc chiến Gaza năm 2008-2009, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người khi quân đội Israel đổ bộ vào Gaza sau những vụ bắn rocket tương tự lần này. Trong đó, phải kể đến vai trò của Mỹ và Ai Cập. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong những ngày qua có những chuyến đi con thoi đến Israel, Bờ Tây và Ai Cập để tham gia đàm phán thỏa thuận hòa bình cho Gaza. Khi Gaza đã tạm yên, bà Clinton tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trong khu vực hiện thực hóa mở rộng thỏa thuận ngừng bắn.
|
Người dân Gaza hưởng giây phút hòa bình hiếm hoi trong những ngày qua. Ảnh: Reuters |
Thay đổi cán cân quyền lực Trung Đông
Vụ xung đột lần này đã làm thay đổi vận mệnh của nhiều người ở Trung Đông. Và cho dù ai thắng, ai thua, cuộc chiến lần này cũng đã định hình lại liên minh chính trị mới ở vùng đất luôn trong chảo lửa này.
Rõ ràng, sau cuộc xung đột này, vị thế của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã được nâng tầm. Bởi lẽ, mặc dù phải đối mặt với các sức ép từ trong nước, Tổng thống Morsi – vốn được đánh giá là năng lực yếu - tạo được tiếng nói cho mình trên trường quốc tế sau khi công việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Israel-Gaza thành công. Tất cả là nhờ ông Morsi biết vận dụng đoạn giao cắt ở biên giới Rafah, con đường duy nhất dẫn đến Gaza không bị Israel phong tỏa, thành trung tâm của các phái đoàn ngoại giao thể hiện sự ủng hộ đối với Dải Gaza.
Đây cũng là chiến thắng về mặt ngoại giao quân sự của Israel và Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử, chính phủ Netanyahu nhắm mục tiêu và giết chết nhà lãnh đạo quân sự của Hamas, Ahmed al-Jaabari. Hàng trăm cuộc không kích vào dải Gaza theo sau, nhưng chiến thắng thực sự ở đây có thể là sự ra mắt thành công của tên lửa đánh chặn Iron Dome (Vòm sắt) - do Mỹ tài trợ. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Israel, chỉ với 5 hệ thống được triển khai hoạt động, Iron Dome đánh chặn thành công hơn 99% các tên lửa có khả năng đe dọa tính mạng người dân được bắn đi từ phía Gaza.
Mặc dù vậy, phe Hamas cũng nổi lên từ cuộc xung đột này, càng mạnh mẽ hơn. Phe này dần củng cố quyền kiểm soát hợp pháp Gaza. Trong con mắt của người dân Palestine, các nhà lãnh đạo chiến binh Gaza mạnh dạn hơn bao giờ hết trước khi bắn rocket xa hơn vào lãnh thổ Israel, lần đầu tiên đến tận thủ đô Tel Aviv. Cuộc chiến với Israel là không cân sức với Hamas. Nhiều người tự hỏi, tại sao Hamas cứ bắn rocket để rồi lại hứng chịu hậu quả thê thảm. Nhưng thực sự, đối với những người dân Gaza khốn khó, những đợt tấn công đó là biểu tượng chiến thắng vẻ vang, ngay cả khi những quả rocket trượt mục tiêu.
Chỉ trong vài ngày, với một thỏa thuận ngừng bắn, các đồng minh và kẻ thù trong khu vực Trung Đông đã chuyển đổi và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Khả Anh