Ghi ở tọa độ 6965
Thiếu tá Trần Khắc Thanh - Đội trưởng Đội Quy tập xúc động cho biết, đó là hài cốt liệt sĩ thứ 30 được cất bốc tại khu vực trên tính từ ngày 27-7-2023. Đội quy tập cũng đã “cắm” trại dưới chân núi Cô Loong (thôn Sê Pu – Tà Păng) sau khi có thông tin về hài cốt liệt sĩ từ thời điểm đó.
Cụ thể, trong quá trình Đoàn 337 thực hiện giải phóng mặt bằng dưới chân núi Cô Loong để mở rộng tuyến đường dân sinh qua địa bàn thôn Sê Pu – Tà Păng đã tìm thấy nhiều di vật bộ đội tại công trường. Trung úy Nguyễn Công Sự, nhân viên xây dựng, là người phát hiện đã nhanh chóng báo cáo lên chỉ huy. Dự cảm thiêng liêng đó đúng dịp cả nước đang thấm đẫm trong không khí tri ân Thương binh – Liệt sĩ. Từ thông tin giá trị này, Đoàn 337 chỉ đạo Đội quy tập tổ chức tìm kiếm và ngay trong ngày 27–7 đã cất bốc được một hài cốt liệt sĩ tại tọa độ 6965. Hài cốt liệt sĩ nằm xen kẽ giữa các hòn đá tảng dưới chân núi Cô Loong ở độ sâu khoảng 0,3m dưới gốc cây rừng cùng nhiều di vật như đế giày cao su, tăng dù, 1 khuy súng, 3 viên đạn AK…Trước kết quả này, Đội quy tập mở rộng tìm kiếm. Sang ngày 28-7, tiếp tục phát hiện thêm hài cốt thứ 2 cách đó 2m. Trong nhiều di vật của liệt sĩ có 1 chiếc nhẫn bằng dây điện thoại.
Núi đá Cô Loong cách xa bản làng, nơi đây là khu vực rừng núi rộng lớn với nhiều núi đá vôi, lèn dốc, hang đá sâu thông với nhau. Vào những năm chiến tranh ác liệt, xã Hướng Lập được ví là “tọa độ chết”, bởi là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn đường hành quân chiến đấu bộ đội Giải phóng từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh. Và những lèn, hang đá của núi Cô Loong chính là nơi trú ẩn của quân và dân ta. Theo các già bản, từ năm 1968 đến 1972, đồng bào Vân Kiều ở đây được sơ tán ra Quảng Bình. Khoảng thời gian này, có đơn vị bộ đội tham gia mở đường phục vụ kháng chiến và trụ lại núi Cô Loong. Hòa bình, bà con đồng bào trở về bản làng nhưng Cô Loong núi đá, ở giữa đại ngàn không phải là địa bàn thuận lợi để cư trú, sản xuất nên hầu như vắng dấu chân người hàng chục năm qua. Và câu chuyện từ trong hang núi lạnh lẽo tưởng cứ sẽ chìm theo thời gian…
Từ thông tin của người dân, Đội Quy tập khảo sát và nhận định tọa độ 6965 sẽ còn nhiều hài cốt liệt sĩ nữa. Những ngày đầu tháng 8- 2023, mưa liên tục, trắng trời biên giới, khiến con đường hơn 5km dẫn vào núi đá càng gian nan. Có thể nói, đây là cuộc tìm kiếm ở địa hình đặc biệt mà CBCS Đội quy tập đã trải qua. Nhưng không có khó khăn nào ngăn được quyết tâm của những người lính. Đến ngày 6-8, đã tìm thấy, cất bốc được hài cốt liệt sĩ thứ 8 trên các mỏm đá và nằm dưới các tảng đá nhỏ được xếp lên nhau. Quanh đó, Đội quy tập cũng đã đánh dấu nhiều vị trí về nghi vấn có hài cốt. Con số cứ cao lên…, niềm thương nhớ cũng theo đó mà tràn dâng trong lòng người lính đang tìm kiếm đồng đội. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các anh sớm đưa hài cốt các liệt sĩ về Khu văn hóa tâm linh của H.Hướng Hóa để hương khói, bảo quản. Cuộc tìm kiếm với sự phối hợp tích cực của chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục khẩn trương sau đó. Đến ngày 11-8, lực lượng tìm kiếm đã cất bốc hài cốt liệt sĩ thứ 11.
Vị trí phát hiện nằm trên mỏm đá cao và cách hài cốt liệt sĩ số 10 là 1,5m được phát hiện ngày 10-8. Phạm vi tìm kiếm tiếp tục được mở rộng, từ sườn thấp kéo lên lưng chừng núi độ cao khoảng 7-8m và trong các hang đá sâu từ 3-5m. Và hài cốt liệt sĩ thứ 18 cũng đã tìm thấy được trong ngày 18-8. Như hầu hết các hài cốt được tìm thấy trước đó, trên phần mộ có nhiều viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau. Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ, Đội Quy tập thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương, các cựu chiến binh, người dân trên cả nước. Những ngày sau đó, nhiều cuộc điện thoại gọi đến đầu mối tiếp nhận là Đội trưởng Đội quy tập để hỏi thăm. Trong nhiều cuộc gọi ấy, có nhiều gia đình đang tìm kiếm người thân hy sinh trên mặt trận phía Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều đó, càng khiến CBCS Đội quy tập càng quyết tâm hơn nữa.
Ngày 22-8, Đoàn công tác Ban chỉ đạo 515 Quân khu 4 đã có mặt tại núi Cô Loong để động viên lực lượng làm nhiệm vụ. Đại tá Đoàn Xuân Bường - Phó Chính ủy Quân khu 4, Trưởng ban Chỉ đạo 515 Quân khu bày tỏ sự xúc động khi đã cất bốc được 24 hài cốt liệt sĩ và biểu dương những nỗ lực của Đội quy tập, chạy đua với thời tiết, vượt qua khó khăn. Trưởng ban Chỉ đạo 515 Quân khu 4 đồng thời chỉ đạo triển khai mở rộng khu vực tìm kiếm tại tọa độ 6965. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh Quảng Trị cũng đã kịp thời lên Sê Pu – Tà Păng kiểm tra thực tế công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh địa hình khu vực tìm kiếm hiểm trở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, vì vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, CBCS phải cẩn thận, nỗ lực, vượt khó, cùng với lực lượng liên quan phối hợp nhịp nhàng.
Đến ngày 26-8, hài cốt thứ 27 đã được cất bốc và di chuyển ra khỏi hang sâu cùng nhiều di vật. Những ngày kế tiếp, thêm những hài cốt liệt sĩ khác đã nằm lại trong hang sâu tiếp tục được phát hiện. Và ngày 2-9, Đội quy tập đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ thứ 30 ở vị trí dưới chân núi Cô Loong. Như lần đầu tiên phát hiện trong ngày thiêng liêng 27-7 và lần lượt đón đồng đội về ngay trong Tết Độc lập, lòng những người lính Đoàn 337 xen lẫn nhiều cảm xúc, chứa chan. Và hành trình tìm kiếm tại tọa độ 6965 vẫn tiếp tục…
Bảo Hà