Ghi trên Bến cảng Nhà Rồng

Thứ bảy, 04/06/2011 00:00

“Đây”

(Cadn.com.vn) - Nắng sớm mai dát vàng thành phố. Pa-nô, áp-phích, cờ phướn rộn rã đón chào. Từng đoàn người nườm nượp tìm về nơi Bác Hồ cất bước ra đi. Rẽ ra từ đoàn người ấy, tôi đến tựa mình vào gốc cây phượng vĩ già đang mải miết bung ra ngàn vạn cánh hoa đỏ thắm. Trước mắt hiện lên cả một khung trời lộng lẫy. Bức tượng Nguyễn Tất Thành đang cất bước oai phong mạnh mẽ trong dáng vẻ mảnh mai, vầng trán rạng ngời.

Tôi như lọt thỏm giữa không gian, lùi sâu vào thời gian, vùi suy nghĩ vào những trang sử học. Và mường tượng, 100 năm trước, như bức ảnh còn lưu trữ bên trong bảo tàng, bến sông này vẫn còn mang một màu xam xám. Bức ảnh chụp năm 1866, tức là cách 45 năm trước khi Nguyễn Tất Thành bước chân lên thuyền buôn Latouche Torevile, cho thấy bến Nhà Rồng lúc đó là một tòa nhà nguy nga giữa cảnh nhếch nhác xung quanh. Còn trên sông Sài Gòn, tàu chiến lẫn thuyền buôn Tây Âu đang ngự trị, xung quanh là những chiếc xuồng nhỏ của người bản xứ. Đến bức ảnh chụp ở giai đoạn muộn hơn, khung cảnh ấy vẫn chưa có gì thay đổi. Đêm trường nô lệ trải mấy mươi năm vẫn nguyên một màu ảm đạm, phủ lên vạn phận người.

Nguyễn Tất Thành bước ra đi từ trong khung cảnh ấy, ngày 5-6-1911. Phía sau lưng là cả một quê hương đang oằn mình dưới nhiều ách đô hộ, bóc lột đến kiệt cùng, và bầu không khí ngột ngạt bao trùm lên suốt cõi trời Nam. Sau lưng Nguyễn, cả không gian và thời gian, ta có thể bắt gặp bóng hình vua Hàm Nghi ở Tân Sở viết chiếu Cần Vương, hình bóng Nguyễn Trung Trực đang châm lửa đốt tàu Pháp trên sông Nhật Tảo, hình bóng Trương Định hô hào nghĩa quân giữa vùng lau lách Gò Công, gặp Hoàng Diệu nhỏ đôi hàng huyết lệ giữa Thành Hà Nội mịt mờ khói súng, hình bóng Hoàng Hoa Thám vùng vẫy giữa rừng thiêng Yên Thế, hình bóng Phan Châu Trinh thuyết giảng Duy Tân ở Đông Kinh Nghĩa Thục, hình bóng Phan Bội Châu dẫn đám học trò bôn ba bên đất Nhật... Tất cả, vua quan, chí sĩ, nông dân... đang sục sôi đấu tranh giành lại nền tự chủ, trong sự đàn áp đẫm máu và vô vàn bế tắc.

 Tuổi trẻ CAND Việt Nam thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lê

Trên bến sông này, đúng 100 năm về trước, khi được hỏi lấy gì mà ra đi, dựa vào đâu mà đi, chàng thanh niên mảnh dẻ đã giơ hai bàn tay trắng lên và nói: “Đây”. Hành trình cứu nước của Nguyễn Tất Thành bắt đầu bằng một câu khẳng định ngắn gọn đến vô cùng! Không thể nào ngắn gọn hơn được nữa, nhưng chắc cũng không gì mênh mông kỳ diệu hơn thế nữa. Từ đôi bàn tay trắng, Nguyễn đã bôn ba qua khắp chân trời góc bể, để tìm ra một chân lý vĩ đại: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Hàng nghìn công trình nghiên cứu, hàng vạn trang sách, hàng triệu bài báo đã đề cập đến cuộc ra đi vĩ đại mà đầy thi vị năm ấy. Hành trình của Nguyễn Tất Thành không chỉ “ra đi là để trở về” mà chính con người trẻ tuổi lỗi lạc này đã mang đất nước, con người, nền văn hóa Việt Nam đến những chân trời xa ngái. Năm 1923, khi ấy Nguyễn Tất Thành mới 33 tuổi, một người Âu, Oxip Man Den Stam đã phải thốt lên: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu mà có lẽ là văn hóa tương lai. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái thế giới bao la như đại dương”.

Về trong nước, chân lý tìm được trong chuyến hành trình của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – đã được chứng minh bằng những trang sử mới của lịch sử Việt Nam, với một Cách mạng Tháng Tám đưa dân ta thoát khỏi đêm trường nô lệ; chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”; với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 quét sạch bóng thù, thống nhất giang sơn và cả chặng đường dài mãi mãi về sau để dân tộc Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Tất cả những điều đó, bắt đầu bằng tiếng “đây!” - đôi bàn tay trắng.

Bến Nhà Rồng nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: N.L 

Gửi Người muôn vạn trái tim

Nơi Bác khởi hành ra đi tìm đường cứu nước nay đã trở thành di tích lịch sử và cũng là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chị Trần Bích Ngà, người nhiều năm công tác ở nơi này đã chứng kiến không biết bao nhiêu cử chỉ mến yêu xúc động của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế đến thăm viếng bảo tàng mang tên Bác. Từ những em thiếu niên nhi đồng đến những cụ già, từ người lính ở Trường Sa mới đặt chân xuống đất liền đến các vị nguyên thủ quốc gia đều luôn bày tỏ niềm xúc động trắng trong khi bắt gặp những kỷ vật của Người, đó là đôi dép cao su giản dị, chiếc máy đánh chữ cũ, hay chỉ giản đơn là một tấm hình phủ lấp màu thời gian. Chỉ tôi xem cuốn sổ ghi cảm tưởng, chị Trần Bích Ngà, bảo: “Trong này, nhiều tình cảm lắm”.

MÍT-TINH TRỌNG THỂ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
TP Hồ Chí Minh - Ngày mai (5-6), tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – di tích Bến cảng Nhà Rồng, sẽ diễn ra lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - tin từ Sở VH-TT&DL TPHCM. Chương trình khai mạc lúc 7 giờ và nối cầu truyền hình trực tiếp với 4 tỉnh, thành phố là Nghệ An, Hà Nội, Cao Bằng và Đồng Tháp.

Nguyễn Lê

Đến nay, có hàng chục cuốn sổ như vậy đã kín đầy chữ, được đem lưu trữ. Cuốn sổ tôi xem mới bắt đầu từ tháng 4-2011 nhưng nay đã dày quá nửa là những lời dành cho Bác. Bạn Trần Thị Thúy Tâm, một học sinh trung học viết: “... Tôi muốn gửi đến Bác thật nhiều điều. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn cảm ơn Bác”. Lời lẽ giản đơn mộc mạc ấy mà như chứa đựng cả một nỗi niềm, không phải của riêng ai. Một bạn sinh viên ở Trường Đại học Luật TPHCM viết: “Khi bước vào đây, tôi như được thấy Bác. Bác đâu đây, đang dõi theo và dẫn bước tôi, chỉ vẽ và kể cho tôi nghe những năm tháng trong cuộc đời và sự nghiệp đi đến với con đường cứu nước... Còn mãi với thời gian là niềm tự hào, hạnh phúc và vui sướng biết bao vì có Bác, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.

Một cụ già, có lẽ vậy, qua nét chữ run run, viết: “Tôi luôn tâm niệm suốt đời rằng, tôi là người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Việt Nam tôi có cha già dân tộc, đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc. Chúng tôi, những đứa con, phải làm gì để không phụ lòng mong mỏi của Người”.

Cảm phục về dân tộc Việt Nam qua hình ảnh Hồ Chí Minh, Cor Achiem Milal, một sĩ quan hải quân Ấn Độ, viết: “...Tôi được đặc quyền đến nơi thăm này và nhìn thấy dân tộc Việt Nam dũng cảm. Cầu mong những chiếc cầu hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam phát triển mạnh hơn”.

Chỉ riêng tại một góc nhỏ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, không ai có thể nào chép lại hết lời thể hiện tình cảm từ những trái tim dành cho Bác, bởi mỗi ngày qua đi, những tình cảm ấy càng lan tỏa đến mênh mông, và những lời ấy là bất tận.

Ghi chép: Nguyễn Lê