Ghi trên công trường mở rộng sân bay Đà Nẵng

Thứ tư, 08/06/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Nắng tháng 5 ở miền Trung như chảo lửa khổng lồ úp chụp xuống công trường xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng. “Gạt qua” những khắc nghiệt của thời tiết, những cán bộ, kỹ sư, công nhân như những chú ong thợ cần mẫn trên công trường với quyết tâm chung đưa dự án về đích đúng hẹn phục vụ tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017.

Dự án “Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Sân bay Đà Nẵng” dự kiến thi công 16 tháng, gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách quốc tế, cầu vượt trước nhà ga và  sân đỗ ô-tô với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của chủ sở hữu và vốn vay thương mại từ Ngân hàng BIDV và Viettinbank. Hạng mục nhà ga quốc tế được xây dựng trên khuôn viên đất 21.000 mvới diện tích sàn xây dựng 48.000 m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay. Nhà ga được thiết kế công suất 4 – 6 triệu hành khách/năm. Nhà ga hiện hữu sẽ trở thành nhà ga nội địa đảm bảo đúng quy hoạch phát triển sân bay Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

Dồn lực cho dự án

Tôi thường bắt đầu câu chuyện với chủ đầu tư của một số dự án lớn, bị chế tài bởi thời gian khi có cơ duyên tiếp xúc bằng một câu hỏi mang tính chia sẻ hơn là phỏng vấn: khó khăn nhất ở giai đoạn thi công này là gì? Thường thì sẽ nhận về những thông tin như thiếu tiền, thời tiết khó khăn, vướng giải phóng mặt bằng (GPMB)... nên tiến độ bị chậm một vài tháng. Vậy nhưng, tôi khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời dứt khoát của ông Lê Khắc Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) – chủ đầu tư dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng: “Hầu như không có vướng mắc gì”!

Để minh chứng, ông Hồng dẫn ra những con số mang tính thuyết phục: “Chỉ mới hơn 5 tháng thi công, 7 nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị tức tốc vào công trường, tăng ca, tăng kíp để xây dựng các hạng mục dự án thuộc phần việc của mình. Trên công trường, dù đang ở giai đoạn xây dựng phần thô, có những lúc hơn 800 lao động của các nhà thầu đã tổng lực “dồn” về đây để thi công liên tục. Tất cả các bên đã thống nhất rồi, Bộ GT-VT, UBND TP Đà Nẵng đã quyết tâm hoàn thành Dự án, kịp đưa vào phục vụ APEC 2017. Vì vậy, có vướng mắc gì là nhanh chóng giải quyết ngay. Theo đường găng tiến độ, đến ngày 15-5 này dự án mới hoàn thành phần thô của hạng mục nhà ga. Tuy nhiên, phần việc này đã hoàn thành từ ngày 20-4 vừa qua”.

Theo quan sát, trên công trường hiện nay các đơn vị đang tiến dần đến hoàn thiện phần mái, khung và vách. “Phải làm xong phần này trước ngày 30-9 để vào mùa mưa sẽ thi công phần cơ điện, nội thất.  Ở các gói thầu thiết bị cũng đã lựa chọn xong nhà thầu trong nước và đặt hàng ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ không để “trôi” dự án theo các mốc tiến độ đã định: 29-3-2017 chạy thử kỹ thuật, hiệu chỉnh trong một tháng để 30-4-2017 chính thức khai thác”– ông Hồng nói chắc nịch.

Hạng mục nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thiện phần thô.

Tiên phong xã hội hóa

Phải có bí quyết quản lý đầu tư nên tiến độ dự án mới đi đúng đường găng? Chưa vội trả lời thẳng thắc mắc của tôi, ông Hồng “bẻ” câu chuyện qua hướng khác: “Anh em hay ngồi với nhau, thậm chí lãnh đạo các sở, ngành, của UBND TP Đà Nẵng mỗi lần có các chuyến công tác ra sân bay khi nhìn sang phía công trường đều có một nhận định chung là tiến độ công việc quá nhanh. Nếu so với việc thi công làm nhà ga hành khách quốc tế đang vận hành (làm 5 năm mới xong-P.V) với nhà ga mới đang thi công thì tiến độ khác nhau một trời một vực. Đó là sự khác nhau giữa dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa (XHH) và dự án do Nhà nước quản lý, đầu tư” – nói rồi ông Hồng giải thích: “Với Nhà nước, trước khi đầu tư phải  cân đối vốn, khái toán vốn theo từng năm, từng giai đoạn... Không như XHH, quy trình thủ tục giảm bớt đi nhiều, đặc biệt thủ tục lập, phê duyệt, thẩm định, thiết kế, dự toán, đấu thầu... Bởi theo luật đấu thầu, hạng mục, dự án dưới 30% vốn nhà nước sẽ không tổ chức đấu thầu nên việc lựa chọn nhà thầu nhanh chóng, nhà thầu đủ năng lực về công nghệ, tài chính, nhân sự... Còn nếu đấu thầu không cẩn thận, bỏ thầu rẻ nhưng dính vào nhà thầu năng lực yếu sẽ ảnh hưởng toàn bộ dự án”.

Cảng hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng là dự án XHH  đầu tiên của ngành hàng không nên chủ đầu tư, các cổ đông trước khi làm dự án đã chuẩn bị năng lực tài chính chắc chắn nên hầu như không bị vướng vốn nên các nhà thầu tập trung làm việc, không kêu ca gì.

Dư luận Đà Nẵng đã từng chứng kiến Dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc nội (nhà ga T1 hiện hữu) tại sân bay quốc tế Đà Nẵng do Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung làm chủ đầu tư, với số vốn chỉ gần 1.350 tỷ đồng nhưng liên tục bị “rớt” tiến độ nên gần 5 năm dự án này mới hoàn thiện. Liệu có quá sớm để chắc chắn Dự án nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn thành tiến độ, đảm bảo mỹ thuật, chất lượng...? Đôi khi cũng phải chờ thì mới biết, nhưng những gì đang diễn ra trên “chảo lửa” này phần nào đã củng cố những khẳng định của Tổng Giám đốc Lê Khắc Hồng là có cơ sở.

Hà Minh