Gia đình lao xuống vực Tam Đảo được tài xế kịp thời chở đi cấp cứu

Chủ nhật, 23/06/2024 11:41

Trong lúc đổ đèo Tam Đảo, xe máy của vợ chồng chị T. nghi bị mất phanh, lao xuống vực sâu. Cả gia đình gặp nạn được tài xế Xuân Chiến kịp thời chở đến trung tâm y tế cấp cứu.

Gia đình lao xuống vực Tam Đảo được tài xế kịp thời chở đi cấp cứu (Nguồn: Nhân vật cung cấp).

Sáng 20/6, anh Nguyễn Xuân Chiến (24 tuổi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhận cuốc chở khách lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Gần 12h trưa, trên đường về lại Hà Nội, khi đi được nửa đường, anh Chiến trông thấy người dân tập trung đông đúc bên đường, có người vẫy xe ra tín hiệu xin đi nhờ.

Gia đình gặp nạn có 4 người, gồm vợ chồng và 2 con gái (4 và 6 tuổi). Người chồng ngã xuống vực sâu khoảng 10m, đầu chảy máu, ngất xỉu, được người dân dùng thang cứu lên. Vợ và hai con gái được một cây thông che chắn nên tình trạng nhẹ hơn.

Người vợ tên T., 33 tuổi, ở Vĩnh Phúc, cho biết cả gia đình đi từ trên đỉnh núi xuống, không may xe máy lao xuống vực, được người dân giúp đỡ. Nhiều ô tô đi ngang qua, nhưng chỉ có anh Chiến dừng lại hỗ trợ.

"Trong tình thế nguy cấp, tôi nhận thấy đây là việc cần làm nên không nghĩ ngợi nhiều", anh Chiến nhớ lại.

Nam tài xế hô hoán người dân đưa các nạn nhân lên xe rồi hỏi đường đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo.

Suốt chặng đường, người chồng tỉnh táo song vô cùng đau đớn do mất máu nhiều, liên tục ôm vùng bụng. Người vợ ngồi phía sau, lo lắng khi con gái lớn khóc kêu đau, bé nhỏ đã bất tỉnh.

Được lực lượng chức năng dẫn đường, anh Chiến chở các nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo chỉ trong 10 phút. Suốt đường đi, anh liên tục động viên họ.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo cho biết lúc tiếp nhận, hai bé gái bị thương nhẹ, người bố bị chấn thương vùng bụng.

"Các nạn nhân được sơ cứu, chụp chiếu không phát hiện tổn thương nghiêm trọng nên xin chuyển xuống cơ sở y tế ở thành phố Phúc Yên", vị lãnh đạo thông tin.

Nghe bác sĩ thông báo vợ chồng chị T. và hai con đều an toàn, anh Chiến mới tiếp tục hành trình. Hôm sau, anh gọi điện hỏi thăm, mong gia đình bình an.

Chị T. gửi lời cảm ơn tài xế kịp thời cứu giúp, cho biết chồng vẫn nằm viện điều trị, hai con gái sức khỏe ổn định.

Mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo, thanh niên đi xe máy dùng chân để giảm tốc độ, tháng 7/2022 (Ảnh cắt từ video).
Tài xế Xuân Chiến (bên phải) kịp thời đưa gia đình gặp nạn đi cấp cứu (Ảnh cắt từ video)

Đoạn video anh Chiến chở gia đình gặp nạn đi cấp cứu nhận về hơn một triệu lượt xem trên mạng xã hội, hàng chục nghìn lượt tương tác và bình luận cảm ơn hành động tuyệt vời của tài xế.

"Cảm ơn bác tài, trong cái rủi có cái may là gặp bác tài tốt bụng", người dùng Linh Giang bình luận.

"Cứu một mạng người còn hơn xây 7 tòa tháp. Chúc bác tài sức khỏe, vạn dặm bình an. Chúc gia đình tai qua nạn khỏi", tài khoản Minh Hương viết.

Anh Chiến cho biết đã chạy xe nhiều năm. Những năm trước, anh từng tham gia hỗ trợ nhiều vụ tai nạn. Dạo gần đây, khi xe lắp camera hành trình, anh mới thoải mái chia sẻ những câu chuyện lên mạng xã hội.

"Mỗi khi thấy người gặp nạn, tôi không lo sợ, chỉ muốn giúp đỡ và cứu người, mong mọi người bình an", anh nói.

Mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo, thanh niên đi xe máy dùng chân để giảm tốc độ, tháng 7/2022 (Ảnh cắt từ video).

Trên thực tế, không ít trường hợp xe máy bị mất phanh khi đổ đèo, đặc biệt xe máy tay ga, dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng.

Qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông xảy ra tại quốc lộ 2B lưu thông lên núi Tam Đảo, Công an huyện Tam Đảo xác định nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn do người điều khiển không quen địa hình, không có kỹ năng lái xe khi đổ đèo.

Ngoài ra, nhiều đoạn đường cua gấp, tầm nhìn hạn chế. Tài xế điều khiển phương tiện lấn làn đường; rà phanh nhiều khiến phanh xe mất tác dụng; lỗi an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông…

Để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra, lực lượng chức năng khuyến cáo người điều khiển xe máy, ô tô không được tắt máy thả trôi phương tiện mà phải nổ máy để sử dụng lực hãm của động cơ kết hợp phanh khi đổ đèo.

Người dân không nên dùng xe máy tay ga đi đường đèo, dốc; luôn áp dụng nguyên tắc lên đèo bằng số nào thì đổ đèo bằng số đó. Khi tốc độ xe nhanh hơn mức cần kiểm soát, người điều khiển điều chỉnh về số thấp hơn để giảm tốc độ.

Lái xe cần đi đúng làn đường, tắt nhạc, hạ kính để nghe còi xe ngược chiều, quan sát qua gương cầu lồi và bấm còi, thường xuyên kiểm tra hệ thống an toàn của xe trước khi đổ đèo.

Để an toàn khi đổ đèo, tài xế nên đi 1-2km thì dừng lại tưới nước vào cụm phanh, chờ khoảng 10 phút sau tiếp tục di chuyển.

Công an huyện Tam Đảo phát tờ rơi, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn, địa điểm du lịch để khuyến cáo, hướng dẫn lái xe đổ đèo an toàn.

Theo Dân trí