Giá như thầy cô tinh tế hơn !
Trong số những ý kiến khác nhau xung quanh vụ việc "phụ huynh ăn thua đủ với giáo viên vì vứt quần short của con mình vào sọt rác" tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến cho rằng thầy giáo chưa tinh tế trong xử lý tình huống. Tôi xin không bàn tới chuyện thầy đúng hay sai hoặc truyền thống tôn sư trọng đạo ở đây. Tôi chỉ muốn nói đến việc giữa con người với nhau, đặc biệt trong một môi trường nhạy cảm như sư phạm cần lắm sự tinh tế, thấu hiểu điều mà không một truyền thống hay triết lý nào có thể dạy ta được trừ khi ta thực sự biết lắng nghe. Và tôi cũng tin rằng trong ký ức của rất nhiều người đi qua thời học sinh, nỗi buồn từ sự thiếu tinh tế của giáo viên chính là dấu ấn rất khó phai mờ.
Những cử chỉ ân cần và cư xử tinh tế của giáo viên góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Tranh minh họa. Nguồn: Tieuhoc.daytot.vn |
Tôi từng là học sinh đứng đầu lớp. Thế nhưng thời điểm cấp 1 sức khỏe tôi lại rất kém và năm học lớp 4 tôi đã phải nghỉ học 3 tuần để đi viện điều trị bệnh viêm phổi. Lúc đi học trở lại tôi nghe các bạn bảo cô giáo dặn mỗi học sinh phải tự làm một tấm biển có chữ "Stop" để tham gia vào buổi ngoại khóa tuyên truyền an toàn giao thông. Vì không đi học, không nghe cô hướng dẫn cách làm mà chỉ nghe bạn bè miêu tả nên tôi đã làm tấm biển sai qui cách, quá to so với qui định. Lúc lên trường nhìn thấy tấm biển "không giống ai" của mình tôi đã rất lo lắng, sợ cô mắng và tôi cũng chuẩn bị trong đầu nhiều lý do để nếu cô hỏi tới tôi còn biết cách mà trả lời.
Thế nhưng, ngoài dự liệu của tôi, trong lúc kiểm đếm 40 tấm biển "Stop" của cả lớp, tới lượt tấm biển của tôi cô thẳng tay ném ra ngoài cửa sổ mà không cần nghĩ ngợi. Một đứa trẻ lớp 4 như tôi khi ấy thực sự bị sốc. Ngồi trong lớp tôi chực trào nước mắt, tôi nhớ đến việc mẹ đã phải dán tấm biển đó cho tôi thế nào, thậm chí nhà không đủ giấy màu đỏ mẹ còn cẩn thận lót thêm một miếng màu cam cho chắc chỉ vì tôi không đủ sức khỏe để tự làm. Tôi đã trân trọng tấm biển ấy rất nhiều vì nó là sản phẩm thủ công đầu tay của tôi và mẹ, vậy mà cô lại nỡ vứt đi. Giờ ra chơi, tôi lẻn ra ngoài lớp nhặt tấm biển "Stop" của mình cất vào cặp. Tấm biển nằm chỏng chơ trên vệ cỏ nằm sát nhà vệ sinh. Tôi đứng đó hồi lâu nhìn vào lớp nơi cô đang ngồi chấm bài, cảm giác uất nghẹn ấy tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Và tôi còn nhớ rằng vì "ghét" hành động của cô giáo tôi đã không thèm giơ tay phát biểu suốt thời gian dài mặc cho trước đó tôi luôn là học sinh tiêu biểu của lớp. Không ai biết lý do vì sao tôi đột ngột thay đổi thái độ như thế, kể cả cô giáo, chỉ có tôi là ôm mối cay đắng đó đến tận bây giờ.
Từ câu chuyện thực tế của bản thân mình tôi cho rằng nghề giáo viên là một nghề đòi hỏi sự nhạy bén, tinh tế vô cùng bởi mọi hành vi dù "rất người" thôi cũng sẽ bị qui chiếu bởi biết bao hệ thống giá trị đạo lý. Trong số những lời bình phẩm trên mạng xã hội chê bai phụ huynh ý thức kém, bênh vực thầy giáo vô tình bị lôi vào chuyện không đâu có ai dừng lại để nghĩ đến tâm tư của đứa trẻ là chủ nhân của chiếc quần short hay không? Hẳn em học sinh đó đã thất vọng như thế nào khi nghe bạn bè nói rằng thầy đã vứt chiếc quần của mình vào sọt rác. Biết đâu chiếc quần đó có một giá trị tinh thần nào đó, là một món quà được tặng thì sao? Trở lại câu chuyện của bản thân mình, tôi không trách cô giáo đã vứt tấm biển của mình vì tôi biết cô chỉ nhất thời nóng nảy, vì qui định của buổi ngoại khóa mà không kịp dừng lại để nghĩ tại sao trong số 40 tấm biển bằng khổ nhau lại có một tấm to hơn như vậy? Cũng giống như người thầy giáo trong câu chuyện "vứt quần short" đã ra lệnh "vứt chiếc quần short vào sọt rác" trước khi nhận ra vấn đề là tại sao chiếc quần xuất hiện trên bàn giáo viên, nó có thể là tài sản không giá trị với thầy nhưng sẽ có giá trị với bản thân chủ nhân của nó? Nếu các thầy cô tinh tế hơn, bình tĩnh hơn mọi chuyện đã khác. Và quan trọng nhất là những đứa trẻ như tôi, như các em học sinh trường THCS Trần Huỳnh đã không bị những ấn tượng đầu đời về những câu chuyện không hay như thế.
Tôi hiểu rằng sự tinh tế của mỗi người là thuộc về bản chất, không phải ai cũng có được năng lực đó và cũng không ai tài giỏi gì để tinh tế trong mọi chuyện của đời sống. Và cũng không khó để nhận ra rằng tất cả những lùm xùm liên quan đến ngành giáo dục thời gian qua ít nhiều đều xuất phát từ sự kém tinh tế trong cách hành xử mà ra. Tôi cũng tin rằng không chỉ ngành sư phạm mà trong mọi hoạt động đối thoại của con người mỗi chúng ta cần phải rèn luyện cho mình sự quan sát, thấu hiểu và phải thật bình tĩnh trước tâm lý muốn phủ định, vứt bỏ cái gì bởi một quyết định nhỏ trong lúc nóng vội cũng sẽ có thể dẫn đến một sai lầm lớn.
HÀ DUNG