Giá trị nhân văn trong kho tàng âm nhạc người Cơ tu
(Cadn.com.vn) - Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của người Cơ Tu, nghệ thuật chế tác và trình diễn trống, chiêng của người Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) có những nét tương đồng với nhau. Nhất là trong cách chế tác, diễn tấu trong các nghi lễ cúng thần lúa hay cưới hỏi, cầu mùa màng bội thu, dân làng an thịnh.
Các nghệ nhân Cơ Tu Tây Giang biểu diễn trống, chiêng Cơ Tu nhân ngày mừng Gươl mới tại Làng văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Pơloong Plênh |
Trong cách diễn tấu âm nhạc truyền thống của người Cơ Tu hình ảnh cũng như âm thanh đánh lên đầu tiên bắt nguồn từ Trống Cái (người Cơ Tu gọi là K thu) luôn là biểu trưng nổi bật nhất, không thể thiếu trong các nghi thức lớn của làng, kèm với Ka thu (trống cái) có thêm goòng (cồng). Ở đây nó biểu hiện sức mạnh, linh hồn sống của dân làng, mang nhiều giá trị và tính nhân văn cao; trong sinh hoạt sản xuất, hay dân vũ tân tung, ya yá truyền thống của người Cơ Tu, hình ảnh người phụ nữ luôn được ưu tiên đi trước, múa trước, thể hiện sự đùm bọc che chở yêu thương, trách nhiệm lớn lao, lòng thủy chung của người đàn ông Cơ Tu dành cho phụ nữ, cho vợ con Trong điệu mua tân tung, ya yá, với đôi tay cầm kiếm, giáo mác, nỏ... người đàn ông chân bước dồn dập vừa hú vang vừa tung đều cánh tay lên, chân lết đất xoay vòng và hú đều trong tiết tấu hùng hồn của tiếng trống, nhịp chiêng thanh la từ chậm rãi đến nhanh dần lên cao trào..., biểu hiện sức mạnh, sự bền bỉ, kiên trì, khỏe khoắn, kiên cường của người đàn ông Cơ Tu trước thiên tai, thú dữ, trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ bản làng, núi rừng và người phụ nữ thân yêu của mình.
Nhạc cụ trống, chiêng nói riêng và âm nhạc truyền thống của người Cơ Tu nói chung không chỉ mang những giá trị về tinh thần văn hóa văn nghệ, niềm tin yêu cuộc sống, yêu bản làng nguồn cội mà còn là hồn thiêng của sông suối, của các vị thần, là tín hiệu buồn vui gắn liền trong suốt chiều dài lịch sử của đồng bào Cơ Tu. Khi mỗi đứa trẻ người Cơ tu sinh ra và lớn lên âm nhạc Cơ Tu, nhất là trống, chiêng như là người bạn đồng hành cùng họ, trong các lễ hội trưởng thành, lấy vợ, khi từ giã cõi đời về với bên kia suối vàng thì âm nhạc trống, chiêng vẫn là bản nhạc tiễn đưa họ về với thần xanh của cây lá, của núi rừng theo quan niệm về vũ trụ của người Cơ Tu.
Nồng say vũ điệu tân tung, ya yá của người Cơ Tu Tây giang. Ảnh: Pơloong Plênh |
Những ngày hè, tôi về hay mỗi dịp lễ tết, ghé thăm các bản làng Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, nhất là huyện biên giới Tây Giang, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những bản nhạc abel, a heen, những âm thanh thân quen của nhịp trống, tiếng chiêng vang động núi rừng, những làn điệu dân ca về tình yêu đôi lứa, về tình yêu bản làng, quê hương, đất nước, luôn được cất vang giữa bao la đại ngàn xanh tươi, nó như là một làn gió mới mát rượt mang thêm nhiều sinh khí mới cho người Cơ Tu ở nơi đây luôn thêm yêu bản làng, cội nguồn bằng con đường âm nhạc dân tộc, từ đó gắn kết dân làng sống đoàn kết gắn bó và thương yêu nhau hơn, giúp họ thêm tin yêu cuộc sống hơn, xây dựng bản làng ngày thêm giàu đẹp hơn.
Bài, ảnh: Pơloong Plênh