Giai đoạn Trịnh Công Sơn “sống vui từng ngày”

Thứ sáu, 02/04/2021 09:50

Là một người thiết tha yêu nước, yêu đời, Trịnh Công Sơn sống có thể yêu đến những góc khuất nhất của cuộc sống, để tôn vinh nó bằng âm nhạc. Chẳng thế không phải đợi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tâm hồn Trịnh Công Sơn mới chảy thêm một dòng nhạc mới, những sáng tác về những con người xã hội chủ nghĩa.

  * Tại triển lãm tranh “Trịnh & những âm ba”, khai mạc vào chiều 1-4, khán giả đã được thưởng thức những ca khúc viết về quê hương, tình yêu và thân phận con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như: Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Diễm xưa, Mưa hồng, Quỳnh hương, Còn tuổi nào cho em, Nghe những tàn phai, Dấu chân địa đàng, Đêm thấy ta là thác đổ... với sự thể hiện của các giọng ca: Phan Thu, Hữu Quang, Anh Thư, Minh Nguyệt…

Trước khi hòa vào đời sống hòa bình của toàn dân tộc, để tâm hồn “Và như thế tôi sống vui từng ngày/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui), trước 1975, tâm hồn Trịnh Công Sơn đã ngả về chính nghĩa. Trong một bài viết của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, ông Lê Khắc Cầm, một trí thức là cơ sở của Thành ủy Huế, nhớ lại: “Anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy... Chúng tôi, trong đó có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng”. Ngày 30-4-1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát “Nối vòng tay lớn” tại Đài phát thanh Sài Gòn vừa được cách mạng tiếp quản. Ông xúc động nói: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam”.

Vào năm 1981, cùng với các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi thực tế đời sống mới ở nông trường Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), nơi có những Thanh niên xung phong đang ngày đêm đóng góp sức trẻ của mình để xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ông đã sáng tác nên ca khúc “Em ở nông trường em ra biên giới” để ca ngợi những con người xã hội chủ nghĩa: “Từng vai áo phai sẽ xanh thêm đời/ Bàn tay làm nên những mùa vui/ Từ trên đất này, những con người mới mọc lên/ Tựa như nắng giữa chân trời”. Đặc biệt, những nữ Thanh niên xung phong khiến ông vô cùng khâm phục. Đó là những cô gái “có đôi chân đi không ngại ngần”, “quen mưa nắng”, “tóc trên vai vấn vương bụi hồng” và có “trái tim nồng nàn” khiến ông nhớ mãi.

 Đầu năm 1984, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Ông rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt (1908-1968). Mẹ là người đã kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Sau đó ông đã sáng tác nên ca khúc “Huyền thoại Mẹ” với những ca từ đầy xúc động: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa/ Mẹ lội qua con suối/ Dưới mưa bom không ngại/ Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/ Tiễn con qua núi đồi”. Ca khúc “Huyền thoại Mẹ” đã tạo nên tượng đài về Mẹ Tổ quốc bất tử trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp ảnh lưu niệm với các học viên khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1985 (ảnh tư liệu).

Ngoài ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác nên ca khúc “Khăn quàng thắp sáng bình minh” như một tình cảm đặc biệt đối với đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, những chủ nhân tương lai của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: “Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh/ Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng/ Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam”.

Trong lần tới thăm Công viên Chiến thắng trên đồi Poklonnaya (đồi Cánh cung) ở thủ đô Matxcơva của Liên bang Xô viết vào tháng 5-1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác nên bài hát “Ngọn lửa vĩnh cửu ở Matxcơva”. Thời điểm này là gần hai tuần sau lễ kỷ niệm lần thứ 40 Chiến thắng của Cuộc Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô (9-5). Bài hát là những ca từ trầm bổng và hùng tráng: “Từ Matxcơva có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Từ Matxcơva ngọn lửa ấy đời đời/ Lửa cháy trên nấm mộ thương nhớ/ Lửa thắp trên khăn quàng em bé/ Từ Matxcơva có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Lửa ấy trong tim hòa bình giữa lòng người”.

Cùng với các dòng nhạc về con người, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, Trịnh Công Sơn đã có những sáng tác đi cùng năm tháng với âm hưởng tươi mới, lạc quan, như chính ông thổ lộ “Và như thế tôi sống vui từng ngày/Và như thế tôi đến trong cuộc đời…”.

Nguyễn Văn Toàn