Giải mã khu rừng cấm làng Nghi Sơn

Thứ hai, 23/05/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ và tò mò khi ngay giữa vùng bán sơn địa thuộc H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn tồn tại một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý hiếm cao chọc trời xanh. Điều đặc biệt, chỉ bằng một bản hương ước mà suốt mấy trăm năm, người dân ở làng Nghi Sơn đã thay nhau bảo vệ và gìn giữ khu rừng như một báu vật và ngay cả khu rừng già này cũng chứa đựng nhiều giai thoại dân gian huyền bí, mang yếu tố tâm linh như chính tên gọi của nó–rừng Cấm Miếu.

Miếu thờ các vị khai sơn lập ấp ở làng Nghi Sơn.

Nhiều giai thoại dân gian huyền bí

Trước đây, làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, H. Quế Sơn, Quảng Nam) được gọi là làng Khe Môn, một ngôi làng nhỏ nhưng có bề dày về văn hóa và lịch sử, được bao bọc bởi dãy núi Hòn Tàu bốn mùa mây trắng. Đứng trên dốc cao nhìn xuống là một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý cao sừng sững nằm lọt thỏm giữa vùng bán sơn địa. Khu rừng rộng chừng 10ha gồm các giống cây lim, sến, sơn, mít nài... có tuổi đời hàng trăm năm; nguyên thủy có tên là Cấm, vì có nhiều miếu nên gọi là Cấm Miếu.

Theo chân ông Đinh Hữu Hoàng (1959)-Trưởng thôn Nghi Sơn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vào khu rừng cấm. Đặt chân vào nơi này, dưới những tán cây xanh um tùm và rậm rạp, cảm giác đầu tiên là cái nắng như đổ lửa của ngày hè chợt biến đâu mất. Ông Hoàng cho biết, cư dân nơi đây có nguồn gốc từ vùng Thanh-Nghệ, dưới thời nhà Hồ (khoảng thế kỷ XV) di dân vào vùng đất mới. Khi các vị tiền bối chống đỡ được thiên nhiên thú dữ, đã chọn đất đai, phong thủy hữu tình nơi đây làm nơi sinh sống, bảo tồn thiên nhiên. Các vị đã lấy dãy đất nằm phía tây bắc của làng làm tâm địa sơn cho dân làng an lạc. Và từ đó các vị cao niên trong làng giáo dục con cháu bảo tồn khu rừng sinh thái mà các vị tiền bối đã chọn.

Qua nhiều thế hệ, con cháu các tộc họ phát triển sản xuất theo các thung lũng, sườn núi tạo nên những đồi gò cánh đồng và đặt tên các gò đồi gắn với tâm linh của làng Khe Môn. Do địa bàn dân cư nằm trên cao, núi rừng hoang vu dân cư thưa thớt nên chịu sự tác động không nhỏ từ thiên nhiên và thú dữ. Cũng từ đó, nhiều giai thoại dân gian huyền bí được truyền miệng cho đến hôm nay. Cụ Trần Lầu (85 tuổi) kể lại: Ngày xưa vùng đất Gò Chùa có rất nhiều ông (cọp), mà “ông” ăn người cũng nhiều. Từ đó, người dân nghiên cứu làm bẫy “ông” bằng cách vót chông nhọn nọc sâu, chiều cao và tạo thành hai chuồng tại Gò Chùa. Làm xong, một người tộc Đoàn vào làm mồi nhử để cọp sập bẫy và đâm chết. Từ đó, người dân trong làng lên rừng làm than nhặt củi thường phải có một cây gậy chống qua đầu để bảo vệ cọp dữ tấn công. Lại có chuyện cây huyễn huỹnh cổ thụ trong rừng tự ngã đổ, làng bán cho một người ở nơi khác về xẻ gỗ làm nhà. Nhà làm xong nhưng không ở được vì đêm đêm người nhà cứ nghe những âm thanh lạ như tiếng người nỉ non  phát ra từ giàn cột, kèo (?!). Gần đây hơn là chuyện một thanh niên đi làm ăn xa về thấy làng mình gỗ quý bạt ngàn, hăm hở xách cưa vô rừng. Oái oăm thay, anh ta đi cả ngày trời mà vẫn chưa gặp cây đúng ý mình. Đến lúc quay trở về thì không biết sao lại bị lạc đường cả ngày hôm sau mới ra được khỏi rừng...

Tác giả  bên cây mít nài hơn 100 năm tuổi. 

“Giải mã” khu rừng thiêng

Vùng đất Khe Môn Xứ vốn trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chịu sự tác động lớn từ thiên nhiên. Trước đây, vào thế kỷ thứ XV, khi các vị tiền bối khai khẩn vùng đất này đã có những cuộc đấu tranh giành giật với các sắc tộc người bản địa như người Cro, người Chăm sinh sống với nghề săn bắt. Sau này lại kinh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những hậu duệ các tộc họ vẫn sống gắn bó với làng và tiếp tục mở rộng canh tác, chăn nuôi, trồng trọt và phát triển làng nghề cho đến hôm nay.

Do vậy, mọi hành vi xâm phạm đến rừng thiêng đều được nghiêm trị. Biểu hiện cao nhất của việc này là Hương ước bảo vệ rừng Cấm Miếu trường tồn qua hàng trăm năm nay và vẫn còn nguyên giá trị: “Dân làng không được tùy tiện vào đốn, chặt cây trong rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ phải bảo vệ và truy tố những ai vi phạm quy định... Tùy theo mức độ nặng nhẹ, ai vi phạm sẽ bị phạt bằng thóc, nếu gây thiệt hại nặng thì bị đuổi ra khỏi làng”. Cứ theo tục lệ “xưa bày nay bắt chước”, vậy nên suốt hàng trăm năm ở làng này không ai dám vào rừng đốn củi, đốt than. Mặt khác, do tính gắn kết cộng đồng cao trong việc bảo vệ khu rừng thiêng nên người làng khác cũng không thể xâm phạm.

Ngày nay, làng Nghi Sơn còn nổi tiếng trong việc phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng. Ông Trần Anh Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, cho biết: “Mặc dù mang tiếng sống bằng nghề nông nhưng cả làng Nghi Sơn chỉ có 45ha lúa ruộng bậc thang, canh tác nhờ nguồn nước trời. Vậy mà đời sống kinh tế ở đây ai cũng khá giả. Tất cả là nhờ vào rừng giữ nguồn nước quý”. Vì thế người dân biết quý rừng mà bảo vệ rừng và coi như là báu vật, rừng tàn thì làng mạt? Theo ông Toàn, làng chỉ có hơn 130 hộ nhưng có diện tích trồng keo, bạch đàn rất lớn. Nếu tính bình quân thì một năm mỗi hộ kiếm được 60-80 triệu đồng từ việc bán gỗ. Được như vậy, một phần do việc giữ rừng gắn với nguồn gốc tộc họ và văn hóa đình làng nên đã ăn sâu vào tâm khảm qua nhiều thế hệ, từ đó hình thành nên bản sắc văn hóa tộc họ ở làng Nghi Sơn. Vì vậy, rừng Cấm Miếu không chỉ là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa-lịch sử của ngôi làng mà theo thời gian đã trở thành hồn cốt của người dân nơi đây.

Huyền thoại về rừng Cấm Miếu tuy mang yếu tố tâm linh nhưng chứa đựng yếu tố tích cực, nhằm giúp người dân nơi đây ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ rừng như là giữ được cái hồn của tiền nhân. Nên chăng tại mảnh đất khu miếu thờ dân làng phục dựng lại để thêm phần tôn kính tiền nhân và nhắc nhở con cháu trong việc gìn giữ, làm hành trang tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, mà trên hết là bảo vệ khu rừng xanh bạt ngàn, bảo vệ nguồn nước cho làng...

Nguyễn Hữu Đức