Giải pháp cho hơn 2.600 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia ở Quảng Nam

Thứ hai, 14/10/2024 11:43

Trong giai đoạn 2022-2023, trước sự quan tâm của các cấp chính quyền, hệ thống mạng lưới cấp điện khu vực miền núi Quảng Nam đã được đầu tư, nâng cấp bằng nhiều nguồn lực. Qua đó nhiều công trình đã được triển khai đầu tư và hoàn thành đóng điện, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện được nâng cao đáng kể (99,38%). Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay số hộ dân chưa có điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn khoảng 2.681 hộ, tập trung ở các huyện miền núi.

Đoàn viên Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ điện năng lượng mặt trời cho người dân vùng cao Quảng Nam.
Niềm vui mừng của người dân thôn A Riêu, xã TrHy khi điện lưới quốc gia về làng.

Niềm vui ngày điện về làng

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Điện lực Đông Giang (thuộc Công ty Điện lực Quảng Nam) phối hợp với Ban quản lý Dự án - Quỹ đất - Đô thị huyện Tây Giang (Ban QLDA) hối hả hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa điện đến với hàng chục hộ dân thôn A Riêu (xã biên giới TrHy, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Sau những ngày miệt mài thi công, đêm 27-9, 40 hộ dân với 162 nhân khẩu ở đây hân hoan, vui sướng khi ánh sáng của điện lưới quốc gia được đấu nối thành công.

Theo lãnh đạo Điện lực Đông Giang cho biết, Dự án cấp điện thôn A Riêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg) do Ban QLDA huyện Tây Giang làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 7,1km đường dây trung áp, 400m đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp dung lượng 50kVA, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 9,5 tỷ đồng.

“Nơi đây dân cư sống thưa thớt, địa hình hiểm trở nên việc đưa điện về gặp nhiều trở ngại. Thời gian qua, một số hộ dân thôn A Riêu sử dụng điện từ hệ thống thủy điện nhỏ (tuabin đặt dưới suối với công suất từ 1kW đến 5kW), chỉ đáp ứng thắp sáng trong nhà. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Với quyết tâm xóa “vùng lõm điện”, Điện lực Đông Giang đã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương kịp thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình Điện quốc gia về góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo, giữ vững bảo vệ an ninh – quốc phòng vùng biên”- lãnh đạo Điện lực Đông Giang chia sẻ thêm.

Được biết, huyện Tây Giang hiện còn nhiều khu dân cư chưa có điện lưới quốc gia, như: thôn A Ur (xã A Vương) 32 hộ, khu dân cư Tà E (xã A Vương) 27 hộ, thôn A Tu 1 (xã ChƠm) 74 hộ. Trong đó, thôn A Ur đang sử dụng điện năng lượng mặt trời, thôn A Tu 1 và khu dân cư Tà E dự kiến được cấp điện lưới quốc gia trong năm nay.

Đoàn viên Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ điện năng lượng mặt trời cho người dân vùng cao Quảng Nam.

Xác định nguyên nhân và những giải pháp

Trong khi đó, theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, kết quả rà soát các hộ dân chưa có điện trên địa bàn 9 huyện miền núi, thì trong tổng số 2.681 hộ dân chưa có điện còn lại, có khoảng 939 hộ thuộc danh mục đầu tư của Dự án Cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Nam Giai đoạn 2013-2020 và kế hoạch đầu tư khác của địa phương; khoảng 106 hộ dân nằm gần lưới Công ty điện lực Quảng Nam đã thống nhất triển khai đầu tư trong thời gian đến; còn lại khoảng 1.636 hộ chưa có điện, chưa có kế hoạch đầu tư, chưa được bố trí nguồn vốn cấp điện.

Theo ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2022-2023, hệ thống mạng lưới cấp điện khu vực miền núi đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp bằng nhiều nguồn lực, nhiều công trình đầu tư cấp điện đã được triển khai đầu tư và hoàn thành đóng điện, chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như việc đầu tư xây dựng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên công tác thi công gặp nhiều khó khăn về điều kiện giao thông, nhất là vào mùa mưa, thường xuyên bị cô lập do sạt lở đất; công tác GPMB rất khó khăn do dự án không có chi phí bồi thường; một số điểm dân cư tại các nóc, thôn di dời đến nơi ở khác trước và trong quá trình triển khai thi công; hiện nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn và giải ngân vốn cho dự án để tiếp tục đầu tư hoàn thành.

“Bên cạnh đó, các hộ dân chưa có điện còn lại hầu hết sinh sống phân tán, rải rác, nhỏ lẻ theo cụm, nóc từ 3-7 hộ; nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, cách xa các tuyến giao thông chính và lưới điện quốc gia, việc đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia tốn rất nhiều chi phí, suất đầu tư rất cao, không hiệu quả đầu tư cấp điện. Đối với các hộ dân không có khả năng cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia thì việc đầu tư bằng nguồn tái tạo, không nối lưới gặp rất nhiều bất cập trong việc quản lý, vận hành, bảo trì sau này. Số hộ dân biến động ngày càng tăng theo các năm nên tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện khó đạt được theo chỉ tiêu đề ra”, ông Lê Vũ Thương cho biết.

Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh tăng cường công tác quản lý, yêu cầu các nhà thầu tập trung xử lý ngay các tồn tại của các công trình đã thi công hoàn thành nhưng còn tồn tại về kỹ thuật chưa đảm bảo điều kiện đóng điện. Khẩn trương, tăng cường nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình còn lại của Dự án, kịp thời cấp điện phục vụ nhu cầu của người dân. Đối với Điện lực Quảng Nam cần tăng cường công tác quản lý, vận hành, đảm bảo độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho nhân dân. Bố trí vốn hằng năm để đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho các hộ dân 9 huyện miền núi, đặc biệt là các hộ dân chưa có điện. Tập trung bố trí vốn, triển khai đầu tư cấp điện cho 106 hộ dân nằm gần lưới điện quốc gia; đồng thời đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện cấp cho khoảng 1.301 hộ dân nằm trong diện kéo xa lưới, dùng chung công-tơ,…

Đối với các hộ sinh sống phân tán, nhỏ lẻ, có số hộ ít, nhưng quy mô đầu tư lớn, không hiệu quả, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh giao UBND các huyện tổ chức sắp xếp, ổn định dân cư đối với các khu, cụm, nóc dân cư này thành những điểm dân cư tập trung và bố trí lồng ghép đầu tư cấp điện cho các hộ dân này.

“Đặc biệt, đối với các hộ chưa có điện nằm xa lưới điện quốc gia phải đầu tư đường dây và TBA cấp điện (khoảng 1.235/1636 hộ) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 130 tỷ đồng, kính đề xuất UBND tỉnh giao các Sở, ngành, địa phương liên quan xem xét cân đối các nguồn vốn để tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư cấp điện cho các hộ dân này” - lãnh đạo Sở Công Thương đề xuất.

TRẦN TÂN