Giải pháp chuyển đổi xanh các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Đà Nẵng

Thứ bảy, 24/05/2025 06:35

Theo Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp TP Đà Nẵng đến năm 2030, UBND TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ chuyển đổi 1 khu công nghiệp (KCN) theo mô hình KCN sinh thái theo tiêu chí quốc gia và đến 2030 có từ 2 - 3 KCN được công nhận là KCN sinh thái. Đây là định hướng đúng, là giải pháp căn cơ nhất giúp các KCN nói riêng, TP nói chung hướng tới phát triển bền vững lâu dài cả về kinh tế, môi trường và xã hội.

Một doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) được nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất sạch hơn.
KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) thực hiện thí điểm theo mô hình KCN sinh thái.

Tiến sỹ Đặng Quang Hải thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng), cho biết, qua 4 năm thí điểm chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh đã cho thấy hiệu quả cải thiện môi trường, gia tăng lợi nhuận rõ rệt cho các doanh nghiệp trong KCN. Để có được kết quả đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam phổ biến Chương trình RECP đến từng doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh. Chương trình RECP là tổ hợp các giải pháp nhằm giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên và phát thải trong quá trình sản xuất, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng tài nguyên. Đồng thời, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cùng các chuyên gia đã tiến hành đánh giá cho 29 doanh nghiệp và đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong đó, có 228 giải pháp được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14.000 tỷ đồng/năm, giảm khoảng 50.000m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2.700 tấn chất thải rắn/năm. Trong số 228 giải pháp này, có 127 giải pháp thuộc nhóm tiết kiệm điện (chiếm tỷ lệ cao nhất); 31 giải pháp tiết kiệm nguyên, vật liệu hóa chất; 31 giải pháp tiết kiệm nước; 33 giải pháp tiết kiệm nhiên liệu; 3 giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường; 3 giải pháp tiết kiệm khác...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi các KCN hiện trạng sang mô hình KCN sinh thái trên địa bàn TP gặp không ít thách thức. Để chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp trong KCN phải có năng lực quản trị và dự báo tốt, thêm vào đó cần có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, đầu tư vốn chuyển đổi công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp tại các KCN là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ với nguồn vốn hạn chế, nhất là nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển các doanh nghiệp theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thêm một thách thức nữa theo Tiến sỹ Đặng Quang Hải là do chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến mô hình KCN sinh thái, điều này đã tạo ra rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN sinh thái. Hơn nữa, ý thức tham gia liên kết và cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN còn đang tồn tại những rào cản vô hình, tâm lý e ngại chuyển đổi do phải thực hiện nhiều quy trình hơn so với việc không tham gia... Ngoài ra, việc chuyển đổi các KCN sang mô hình KCN sinh thái từ nền tảng KCN đã có sẵn kéo theo việc có thể điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng với nhiều vấn đề phát sinh. Trong khi đó, việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng hiện có để hỗ trợ các hoạt động KCN sinh thái đòi hỏi các khoản đầu tư đáng kể.

Để xây dựng KCN mới cũng như chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng công nghiệp xanh, mô hình KCN sinh thái thành công, theo Tiến sỹ Phùng Tấn Viết – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng (nay là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng), Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, vai trò cùa các ngân hàng thương mại trong việc cho vay, huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu xanh. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần sớm chỉ đạo, định hướng, phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ban hành các văn bản cụ thể, danh mục chi tiết về lĩnh vực này, tạo cơ chế thu hút triển khai mạnh mẽ tín dụng xanh. Hệ thống ngân hàng thương mại phải xem việc phát triển tín dụng xanh là cơ hội và yêu cầu bức thiết để tăng trưởng bền vững, hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Một doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) được nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất sạch hơn.

Tiến sỹ Đặng Quang Hải đề xuất cần cụ thể hóa khung quốc tế, ban hành khung quốc gia về KCN sinh thái để các bên hiểu đúng về các yếu tố cấu thành KCN sinh thái cũng như các định hướng xây dựng, phát triển và chuyển đổi KCN sinh thái. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ sạch, phát thải ít các bon, phát triển các mô hình cộng sinh công nghiệp tái sử dụng chất thải, chuyển chất thải thành năng lượng, đồng thời xử lý chất thải; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới... Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách đối với doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như: doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

PHÚ NAM