Giải pháp góp phần đảm bảo an toàn cần trục tháp tại các công trình xây dựng

Thứ hai, 12/09/2022 15:52
Cần trục tháp là một trong những thiết bị xây dựng quan trọng đối với các công trình nhà cao tầng. Tuy nhiên, nếu quản lý, vận hành và sử dụng sai quy trình, quy định sẽ dẫn đến mất an toàn lao động, thậm chí gây ra tai nạn chết người khi thiết bị này bị rơi, bị gãy, bị ngã đổ, v.v… Thực tế, trong thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến cần trục tháp.
Nhiều công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn TP Đà Nẵng có sử dụng thiết bị cần trục tháp.
Nhiều công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn TP Đà Nẵng có sử dụng thiết bị cần trục tháp.

Hiểm họa từ trên cao

Đơn cử, đau lòng nhất là vụ sập cần trục tháp công trình xây dựng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (Q.Hải Châu) cao 23 tầng trong cơn bão Xangsane vào tháng 9-2006 xuống nhà dân làm chết và bị thương 7 người. Hay như vụ sập vận thăng cần trục tháp xảy ra tại công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng (Q.Ngũ Hành Sơn) cướp đi sinh mạng 6 công nhân vào tháng 1-2016. Gần đây nhất vào ngày 26-6-2019, trong quá trình kiểm tra tình trạng cần trục tháp trước khi đưa vào vận hành và sử dụng để xây dựng công trình khách sạn Liberty Central Đà Nẵng cao 23 tầng ở ngã ba Võ Nguyên Giáp - Loseby (Q.Sơn Trà), nhà thầu Công ty Dinco đã làm rơi móc cẩu cần trục tháp này xuống đường giao thông bên dưới, may mắn lúc đó không có công nhân hay người tham gia giao thông ở vị trí móc cẩu rơi xuống nên không xảy ra tai nạn chết người.

Ghi nhận của chúng tôi hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có hàng chục công trình nhà cao tầng có sử dụng thiết bị cần trục tháp cần đòi hỏi nghiêm ngặt về quản lý, vận hành và sử dụng nhằm đảm bảo an toàn lao động, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, đáng quan ngại nhất là các công trình vì lý do nào đó mà tạm dừng thi công trong thời gian dài nhưng vẫn không tháo dỡ cần trục tháp xuống mà để "trơ gan cùng tuế nguyệt", rất nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào cho người đi đường và người dân sinh sống trong khu vực, đặc biệt là vào mùa mưa bão sắp tới.

Số hóa để giám sát, quản lý cần trục tháp

Để đảm bảo an toàn trong việc quản lý, vận hành và sử dụng thiết bị cần trục tháp, ngoài trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu, chủ đầu tư dự án, đòi hỏi cần có sự giám sát, quản lý có hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng. Nhận thức được vấn đề này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đang nghiên cứu triển khai "Ứng dụng công nghệ giám sát trực tuyến và triển khai số hóa hồ sơ phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an toàn cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng". Với ứng dụng này, tất cả các công trình xây dựng có sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công trên địa bàn TP sẽ được lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác giám sát trực tuyến việc quản lý, vận hành và sử dụng thiết bị này; chia sẻ địa chỉ đường truyền tín hiệu camera đến các cơ quan có thẩm quyền để có phương tiện theo dõi, hướng dẫn, kịp thời chấn chỉnh trong trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn theo quy định.

Song song đó là thực hiện số hóa dữ liệu lưu trữ, đây là hình thức chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản giấy thông thường thành dữ liệu dạng tín hiệu số được máy tính hiểu và lưu trữ. Cuối cùng là ứng dụng phần mềm mã nguồn mở GIS để xây dựng khung dữ liệu hệ thống camera giám sát và hồ sơ được số hóa đầy đủ, hoàn chỉnh với khả năng lưu trữ, quản lý và khai thác, được thiết kế để cập nhật liên tục theo tình hình lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng cần trục tháp phục vụ thi công công trình trên địa bàn TP và đảm bảo tính dễ nâng cấp khi mở rộng quy mô cơ sở dữ liệu... Ngày 31-8 vừa qua, Sở Xây dựng TP đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến thêm từ các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan liên quan để hoàn thiện đề tài nghiên cứu này.

Theo ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số đối với công tác giám sát, quản lý cần trục tháp tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP không những góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành mà còn góp phần giúp cho việc vận hành và sử dụng cần trục tháp trở nên hiệu quả và an toàn hơn, giúp chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát công trình và các cơ quan chức năng có phương tiện theo dõi, giám sát, hướng dẫn, đảm bảo hoạt động cần trục tháp an toàn theo quy trình, quy định.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Văn Hoàng, sau khi được phê duyệt triển khai rộng rãi ứng dụng nói trên, Sở Xây dựng TP sẽ tham mưu ban hành hướng dẫn thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ vận hành cần trục tháp; xây dựng quy chế phối hợp cụ thể với các sở, ban, ngành, đơn vị hoạt động xây dựng, thực hiện phân cấp, quy định thẩm quyền đăng nhập và truy xuất hình ảnh, thông tin trong hệ thống giám sát trực tuyến và số hóa hồ sơ cần trục tháp tại các công trình xây dựng, trong đó lưu ý bảo mật chặt chẽ hình ảnh, thông tin của công trình và các đơn vị liên quan…

TP Đà Nẵng sắp bước vào mùa mưa bão. Trong thời gian chờ đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt ứng dụng nói trên, chúng tôi thiết nghĩ Sở Xây dựng TP cần phối hợp với các cơ quan chức năng hữu quan có sự rà soát, kiểm tra tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn TP có sử dụng thiết bị cần trục tháp để qua đó, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu có các biện pháp đảm bảo an toàn cho các cần trục tháp này cả trong lúc thi công cũng như trong thời điểm tạm ngừng vận hành.

PHÚ NAM