Giải pháp nào để Đà Nẵng tạo đột phá thu hút đầu tư?
Từ đầu năm đến nay Đà Nẵng thu hút được 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn hơn 2,6 ngàn tỷ đồng, riêng tháng 4 không phát sinh dự án đăng ký mới. Trong khi đó, vốn FDI còn khiêm tốn hơn, đạt khoảng 6 triệu USD cho 10 dự án mới. Đã từ lâu, Đà Nẵng không thu hút được các dự án quy mô, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin hay logistics. Dòng vốn đầu tư đổ vào Đà Nẵng so sánh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khá khiêm tốn nếu không nói bị tụt lại. Vì sao Đà Nẵng với vị thế thuận lợi, hạ tầng cơ sở phát triển đồng bộ, môi trường sống hấp dẫn nhưng lại “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút đầu tư? Chưa kể, TP luôn quyết tâm trong cải cách hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư. Điển hình như việc rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư từ 15 ngày xuống còn 5-7 ngày; triển khai đăng ký đầu tư, đăng ký lập doanh nghiệp trực tuyến. Ngoài ra, TP cũng thành lập các tổ liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài chính, xây dựng, dịch bệnh… cho nhà đầu tư hiện hữu nhằm xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Trước tiên phải thấy rằng, những hạn chế tác động đến quyết định rót vốn của nhà đầu tư vào Đà Nẵng thời gian qua hiện chưa được giải quyết triệt để. Chẳng hạn về quỹ đất thu hút đầu tư rất hạn chế. Các khu công nghiệp (KCN) đã lấp đầy 90% trong khi các KCN mới chưa hình thành. Quỹ đất lớn dành cho phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao ở khu vực đô thị không còn nhiều. Ngoài ra, lao động chất lượng nhất là các ngành công nghệ cao còn thiếu; quy mô thị trường nhỏ; dịch vụ tài chính ngân hàng chưa phát triển mạnh; hệ thống logistics chưa đồng bộ (cảng Đà Nẵng cung cấp dịch vụ với chi phí cao, thời gian thông quan chậm).
Một thực trạng khác cũng phải nhìn nhận hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng có quy mô nhỏ, để trở thành các doanh nghiệp phụ trợ, đủ điều kiện vào khu công nghệ cao, tham gia trong chuỗi sản xuất gần như không khả thi. Các doanh nghiệp siêu nhỏ này chỉ cần mặt bằng sản xuất trong các cụm công nghiệp hoặc trong khu công viên phần mềm. Tuy vậy, hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công viên phần mềm vẫn đang triển khai. Theo định hướng mục tiêu đến năm 2030 Đà Nẵng thu hút vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD (tới 2025 khoảng 3 tỷ USD). Mục tiêu là rất lớn, song với quy mô doanh nghiệp TP có nhu cầu đầu tư hiện nay cũng như thực trạng thu hút đầu tư hiện nay, nếu không có cơ chế “đột phá” từ gốc sẽ khó đạt được.
Để đạt mục tiêu 7 tỷ USD đòi hỏi phải thu hút được các dự án quy mô từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Mà các siêu dự án có vốn lớn đầu tư vào Đà Nẵng trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, chỉ có thể là các dự án công nghệ tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, logistics, dịch vụ y tế-giáo dục chất lượng cao... Tất nhiên, để thu hút được các dự án này, ngoài hạ tầng cơ sở hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cần đột phá về cơ chế, chính sách. Hiện Đà Nẵng đang xây dựng các đề án phát triển trung tâm tài chính (TTTC), bến du thuyền, trung tâm logistics, khu phi thuế quan… đi kèm với các đề xuất về cơ chế, chính sách liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dự án chiến lược với sự phát triển TP trong thời gian tới.
Trong đó, TTTC Đà Nẵng được xây dựng theo mô hình phi truyền thống, kỳ vọng tạo đột phá về thu hút đầu tư, phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó TTTC được xây dựng là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao, các doanh nghiệp trong đó đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài. TTTC không chỉ có các hoạt động tài chính mà còn các dịch vụ tiện ích liên kết gắn với du lịch, đổi mới sáng tạo… Đà Nẵng đang có quỹ đất sạch hơn 6ha ở vị trí kim cương sẵn sàng để đầu tư khu phức hợp TTTC.
Trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, Đà Nẵng đang khẩn trương lập quy hoạch phân khu làm cơ sở để xác định địa điểm các dự án cần kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển TP. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chuẩn bị sẵn quỹ đất phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin qua việc rà soát hiệu quả sử dụng đất trong các KCN hiện hữu cũng như kêu gọi đầu tư 3 KCN mới.
HẢI QUỲNH