Giải pháp nào “hồi sinh” du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19?
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến ngành du lịch cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng rơi vào khủng hoảng. Hàng loạt các dịch vụ liên quan đến du lịch bị tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng, kéo theo đó, giá trị gia tăng của ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy, Đà Nẵng sẽ làm gì và làm như thế nào để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch trong bối cảnh thiết lập trạng thái bình thường mới hiện nay là câu hỏi cần sớm có lời giải...
Với các giải pháp ngắn và dài hạn được đưa ra, hy vọng du lịch Đà Nẵng sẽ sớm “hồi sinh” trở lại. (Ảnh: Bãi biển Đà Nẵng những ngày cao điểm trước dịch bệnh Covid-19). |
Dần hồi phục
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Riêng Đà Nẵng, thiệt hại này được thể hiện rõ nét hơn. Theo Sở Du lịch thành phố, trong giai đoạn cao điểm, toàn bộ 31 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng và 9 đường bay nội địa đã tạm dừng (trung bình dừng 1.070 chuyến bay/tuần). Còn theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,66 triệu, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 627 ngàn lượt, chỉ bằng 53,8% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp du lịch, ước lũy kế đến quý II-2020, tổng thiệt hại hơn 5,67 ngàn tỷ đồng, dự kiến cả năm thiệt hại khoảng 6,8 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua có đến 93% (tương đương với 1.580/1.689) đơn vị kinh doanh du lịch phải ngừng hoạt động và 92,5% (tương ứng với hơn 35,8/38,7 ngàn) lao động phải tạm nghỉ việc.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trước thực trạng trên và ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các giải pháp kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn. Cụ thể, thực hiện các hoạt động truyền thông điểm Đà Nẵng an toàn, hấp dẫn, quảng bá trên các trang mạng xã hội có lượt truy cập lớn; đưa tin, bài trên báo chí, thực hiện phóng sự chuyên đề/video clip trên kênh truyền hình lớn trong nước và quốc tế, điểm nhấn là video clip quảng bá du lịch Đà Nẵng trên BBC World News; vận động các doanh nghiệp du lịch cùng liên kết triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You 2020” với các sản phẩm dịch vụ ưu đãi hấp dẫn… Các chương trình này đã thực sự tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực.
“Qua 1 tháng triển khai chương trình kích cầu, thành phố đã đón và phục vụ hơn 454,7 ngàn lượt khách, tăng 85% so với thời điểm tháng 5-2020. Tổng cộng các khu, điểm du lịch đã đón hơn 191 ngàn lượt khách. Các đường bay nội địa đã bắt đầu hoạt động trở lại với 80/90 chuyến/ngày so với cùng kỳ”, bà Hạnh cho hay.
Làm gì để đón đầu cơ hội?
Để tiếp tục đẩy mạnh khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, bà Hạnh đưa ra một số nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, trước mắt là tăng cường truyền thông điểm đến bằng nhiều hình thức (như thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, đưa tin bài giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, phát các video clip du lịch trên các trang mạng xã hội, trang fanpage của người nổi tiếng...).
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch, kết nối với chương trình kích cầu thương mại; tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” để tạo sản phẩm mới nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, cần xúc tiến và khai thác thị trường nội địa, chú trọng thị trường truyền thống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mở rộng đến tất cả các địa phương có đường bay đến Đà Nẵng; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn khách, chú trọng khai thác nguồn khách hội nghị, hội thảo; tổ chức miễn phí các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ...
Về các nhóm giải pháp dài hạn, theo bà Hạnh, thành phố cần chú trọng làm mới các sản phẩm, dịch vụ hiện có, phát triển các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách nội địa và chuẩn bị sẵn sàng để khai thác thị trường quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế. Riêng Sở Du lịch, bà Hạnh cho biết sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung triển khai các kế hoạch trọng tâm, như thí điểm tổ chức phố đêm 24/24 tại Q Ngũ Hành Sơn, hoàn thiện phố du lịch An Thượng, khơi thông đầu tư hạ tầng phố đi bộ Bạch Đằng và công viên 2 đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi. Song song là triển khai các Đề án như phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, Nam Ô; phát triển du lịch MICE Đà Nẵng năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà…
Về cơ chế chính sách, bà Hạnh đề nghị cần rà soát và tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thủ tục thẩm định, cấp phép các dự án du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch đường thủy, triển khai các Đề án, Kế hoạch phát triển du lịch, nghiên cứu và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đêm… Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, bà Hạnh đề nghị cần chuẩn bị phương án và quy trình kiểm soát an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế để đảm bảo an toàn cho người dân, nhân viên phục vụ và du khách, giữ gìn thương hiệu điểm đến.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị Thành ủy mở rộng lần thứ 22 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trong thời điểm này, Đà Nẵng cần tập trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hoàn thiện các dịch vụ, sản phẩm theo hướng hoàn hảo hơn để đón đầu cơ hội. “Ngành du lịch thành phố hiện đang đứng trước nhiều thách thức, có rất nhiều việc phải làm, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đà Nẵng có đầy đủ chất liệu để vẽ nên một bức tranh du lịch hoàn hảo, bởi hiện nay chúng ta còn bỏ trống, còn nhiều điểm, nhiều vùng núi đồi, sông nước đầy tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa được khai phá. Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta”, ông Thơ nói.
D.H