Giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài: Còn nhiều vướng mắc

Thứ tư, 22/07/2015 09:24

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, các tranh chấp dân sự (DS) có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều và phức tạp. Để rõ hơn về vấn đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông  Trương Chí Trung- Chánh Tòa dân sự, TAND TP Đà Nẵng về vấn đề này...

Ông Trương Chí Trung.

P.V: Xin ông cho biết tình hình giải quyết các vụ việc DS (không bao gồm các vụ việc kinh doanh thương mại) có yếu tố nước ngoài ở TA hai cấp TP Đà Nẵng?

Ông Trương Chí Trung: Quy luật tất yếu là quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ thì các vụ án DS có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, dẫn đến các tranh chấp DS ngày càng tăng. TP Đà Nẵng không nằm ngoài quy luật đó. Trong những năm qua, các vụ việc DS có yếu tố nước ngoài ở TAND TP Đà Nẵng ngày càng tăng. Cụ thể năm 2012, TAND TP Đà Nẵng thụ lý 72 vụ việc, trong đó án hôn nhân gia đình 52 vụ; năm 2013 thụ lý 105 vụ việc, trong đó án hôn nhân gia đình 68 vụ và năm 2014 thụ lý 110 vụ việc, trong đó án hôn nhân 75 vụ. Nhìn chung, đối với các vụ án tranh chấp DS chủ yếu là chia thừa kế. Án hôn nhân gia đình chủ yếu là các vụ án ly hôn mà một bên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài, là bị đơn hay nguyên đơn khởi kiện xin ly hôn, không có tranh chấp tài sản chung hoặc con chung.

P.V: Những vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ việc DS có yếu tố nước ngoài ở đây là gì, thưa ông?

Ông Trương Chí Trung: Qua thực tiễn giải quyết xét xử các vụ án DS có yếu tố nước ngoài, chúng tôi thấy tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Thẩm quyền TA trong việc giải quyết các vụ án DS được quy định tại các Điều 25, 26, 27 và 28 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Thẩm quyền của TA đối với những vụ án có yếu tố nước ngoài được quy định tại điều 33 BLTTDS. Tuy nhiên, không ít trường hợp TA cấp sơ thẩm sau khi thụ lý vụ án, do có yếu tố nước ngoài nên đã chuyển vụ án cho TA cấp tỉnh. TA cấp tỉnh lại chuyển vụ án cho Tòa sơ thẩm vì cho rằng không thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, dẫn đến TAND tối cao hủy bản án vì vụ án thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.

Lý do của việc xác định thẩm quyền không chính xác, đó là hiểu như thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài? Theo quy định của Luật Quốc tịch thì "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Tuy nhiên thời gian để xác định "lâu dài" thì không được quy định cụ thể trong một văn bản nào, dẫn đến tình trạng trong trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ ở lại nước sở tại thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này đã ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh hay cấp huyện, nhiều thẩm phán, kể cả thẩm phán tỉnh lúng túng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án.

Về thời hạn giải quyết, theo quy định tại Điều 179 BLTTDS thì thời gian giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và 26 của BLTTDS là 4 tháng (nếu phức tạp thì 6 tháng)... Tuy nhiên khi giải quyết các vụ án có đương sự ở nước ngoài TA không thể đảm bảo đúng thời hạn này được. TA không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc thông qua ủy thác tư pháp. Trong đó, nếu tống đạt qua đường bưu điện thì thời gian để một văn bản tố tụng cụ thể đến tay người nhận và phản hồi cho TA nếu nhanh nhất cũng mất 2 tháng, chưa kể đến việc đương sự ở nước ngoài phải sắp xếp thời gian để về Việt Nam...; đối với việc ủy thác tư pháp, nhiều trường hợp thời gian từ khi TA gửi hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ đó là khá dài, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo quy định của pháp luật của nước có đương sự đang cư trú...

Ngoài ra, còn có những vướng mắc khác như thực trạng chung ở Việt Nam là sự hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật nước ngoài của người dân còn hạn chế. Thế nhưng khi tham gia giao dịch DS không ít trường hợp công dân Việt Nam, thậm chí kể cả các pháp nhân Việt Nam không chịu tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; của pháp nhân nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống, trụ sở pháp nhân đang hoạt động..., đã tùy tiện không thận trọng dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm phạm, khi khởi kiện đến TA thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, làm cho TA rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại TA luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ nên TA không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.

P.V: Theo ông, để khắc phục tình trạng nêu trên, trong thời gian đến cần có những giải pháp nào?

Ông Trương Chí Trung: Thứ nhất, phải hoàn thiện pháp luật, trong đó về thẩm quyền cần quy định thẩm quyền của TA không chỉ giải quyết các vụ việc DS mà bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam mà còn có thẩm quyền giải quyết cả những vụ việc liên quan đến hoạt động của cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện của bị đơn là cơ quan tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Thẩm quyền của TA Việt Nam đối với bị đơn là công dân nước ngoài được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 410 BLTTDS là không phù hợp với quy định của một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Cần quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm cử người phiên dịch cho TA khi giải quyết các vụ việc DS có yếu tố nước ngoài; xác định và trả lời cho TA về vấn đề định cư của người Việt Nam ở nước ngoài thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan nào. Cần có thể chế trong việc giải quyết các vụ việc DS có yếu tố nước ngoài, theo hướng là TA có thể liên hệ trực tiếp với các đương sự không thông qua ủy thác hoặc TA có thể tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự là người nước ngoài thông qua người thân, gia đình, người bảo vệ quyền lợi hoặc người đại diện cho họ ở Việt Nam; sửa đổi hoàn thiện các quy định của BLTTDS... Thứ hai, tham gia ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp. Thứ ba, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của thẩm phán, tăng cường chất lượng và hiệu quả giải quyết các vụ án DS có yếu tố nước ngoài. Trong xu thế hội nhập quốc tế, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thẩm phán phải nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp ngoại ngữ để có khả năng tiếp cận thông tin, kinh nghiệm và phương pháp làm việc của người nước ngoài vận dụng trong việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài...

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trang Trần
(thực hiện)