Giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Thứ tư, 11/11/2020 06:31

Ngày 10-11, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung chủ trì cuộc họp thường kỳ chuẩn bị nội dung cho kỳ họp HĐND cuối năm 2020. Theo ông Trung, đây là kỳ họp cuối năm, song cũng mang tính chất tổng kết cả nhiệm kỳ, vì thế khối lượng công việc rất lớn.

Đại biểu tham dự cuộc họp thường kỳ tháng 11.

Ông Nguyễn Nho Trung yêu cầu các báo cáo về kinh tế, kế hoạch đầu tư trung hạn, các tờ trình, danh mục thu hồi chuyển đổi đất lúa, đất rừng… trình tại kỳ họp phải được chuẩn bị chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, trong các giải pháp phục hồi, phát kiển kinh tế sau đại dịch phải chú trọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Trung, doanh nghiệp hiện rất khó khăn, lao động mất việc, lĩnh vực du lịch dịch vụ ven biển gần như đóng cửa. TP cứ nói đồng hành cùng DN, nuôi dưỡng nguồn thu thì phải có động thái hỗ trợ cụ thể bằng chính sách, như miễn giảm tiền thuê đất chẳng hạn.

Ngoài ra, trong kỳ họp tới, ông Trung thống nhất cần đi sâu vào phân tích, chất vấn hàng loạt nội dung mà người dân bức xúc, kiến nghị nhiều nhưng xử lý chưa dứt điểm. Nổi bật như vấn đề quyền lợi của người dân trong các vùng qui hoạch dự án. TP hiện có 1.060 đồ án qui hoạch trong đó mới hoàn thành 540 đồ án, còn 460 đồ án đang triển khai hoặc đề xuất tiếp tục triển khai, 60 đồ án dự kiến điều chỉnh qui hoạch hoặc hủy bỏ. Với số lượng đồ án qui hoạch rất lớn song chưa triển khai đã ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi, đời sống của người dân trong vùng qui hoạch. Ông Trung nói: Tôi không nói qui hoạch treo nữa, nói mãi rồi. Bây giờ dự án nào nằm trong vùng qui hoạch mà không đảm bảo đủ qui định pháp lý (như mới xác định ranh giới, chọn địa điểm đã đưa vào qui hoạch) thì người dân trong vùng đó phải được cấp sổ đỏ, được tách thửa theo hạn mức qui định của TP. Nếu không được, người dân sẽ kiện. Những dự án nào quá 3 năm chưa triển khai phải điều chỉnh qui hoạch, bằng không phải hủy quyết định thu hồi đất của UBND TP. Với đất rẻo (đất tăng thêm) hiện đã phân cấp, người dân có nhu cầu cứ đăng ký với quận, huyện để được xử lý. Nếu quận, huyện không xử lý thì dân kiện.

Liên quan tới nhà xây trên đất nông nghiệp đã lâu, giờ hình thành khu dân cư, người dân đã ổn định, ông Trung đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ, hoặc giải tỏa hoặc chỉnh trang đô thị, cho phép người dân được làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở. “Thực tế ở nhiều khu vực như Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Đông đất nông nghiệp họ đem xây nhà, chia ra bán từ lâu, giờ hình thành lên cả khu dân cư đô thị san sát. Mình qui hoạch khu đó không cho xây dựng, nhưng bây giờ bảo giải tỏa hết thì có làm được không? Mà cứ để treo, nhà cửa tạm bợ, nhếnh nhác, mưa bão sập đổ, nguy hiểm đến tính mạng thì sao? Sống cái nhà, chết cái mồ mà nhiều người ở nhà vất vưởng như vậy, phải xem xét” - ông Trung nói.

Nhiều nội dung bức xúc khác, ông Trung cũng yêu cầu cần đưa ra kỳ họp cuối năm 2020 để xử lý dứt điểm. Chẳng hạn việc bùng phát nuôi cá lồng trái phép trên sông, vịnh ở Đà Nẵng. Theo ông Trung không nên qui hoạch khu vực nuôi nữa mà nên dẹp bỏ hẳn. Bây giờ qui hoạch mà đưa lên thượng nguồn các sông nuôi thì ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước, để nuôi ở hạ nguồn thì ảnh hưởng du lịch, vì thế nên chấm dứt. Tương tự vấn đề xe buýt trợ giá. Mỗi năm TP hỗ trợ 90 tỷ đồng, nhưng hiệu quả thực tế thấp, số liệu mới nhất cho thấy mỗi chuyến có 11 người đi. Vừa rồi công nhân của doanh nghiệp xe buýt trợ giá còn đình công. Vì thế phải tính toán lại, lộ trình, tần suất đã hợp lý chưa? Tại sao có các tuyến đi qua bệnh viện, trường học thì người đi rất đông, còn nhiều xe chỉ chở vài người chạy lòng vòng ngoài đường. Tương tự là việc xây dựng các bãi đỗ xe, việc thu phí đỗ xe trên các tuyến đường trung tâm, phải đánh giá hiệu quả cụ thể. “Mình cấm người ta đỗ xe trên đường thì phải có bãi đỗ xe cho họ, nhưng thử hỏi suốt mấy năm đã xây dựng được bao nhiêu bãi đỗ xe, hay mới chỉ có mỗi bãi đỗ xe tại 255 Phan Châu Trinh” - ông Trung đặt vấn đề.

Đặc biệt vấn đề bức xúc về rác thải đô thị, ông Trung cho biết tiến độ 2 dự án xử lý rác thải tại Khánh Sơn rất lo ngại. Nếu mở hộc chôn rác số 6, giỏi lắm 3 năm nữa sẽ lấp đầy, trong khi các dự án nhà máy xử lý rác rất chậm, giờ còn loay hoay thủ tục, chưa khởi công xây dựng thì không biết khi nào mới xong. Tới lúc đó không biết lượng rác thải khổng lồ ở TP sẽ đem để đâu? Theo ông Trung, các nội dung trên đều là các vấn đề người dân bức xúc, đòi hỏi phải trả lời dứt điểm trong kỳ họp HĐND cuối năm 2020.

HẢI QUỲNH

Khẩn trương chuyển BV Phụ nữ sang công lập

Chủ tịch HĐND TP đề nghị khẩn trương chuyển đổi Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng thành bệnh viện công lập theo Nghị quyết 248 của TP. Sự ra đời của BV Phụ nữ cũng như BV Ung bướu là chủ trương rất nhân văn, phục vụ hiệu quả cho bệnh nhân nghèo thời gian qua. Tuy vậy theo qui định của pháp luật cần chuyển đổi thành BV công lập. Theo phương án, BV Phụ nữ sẽ trực thuộc Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng. Về việc hỗ trợ thuế đất cho BV Vinmec theo chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư phục vụ APEC 2017, ông Trung cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. TP đã thống nhất chủ trương từ tháng 6-2020 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện dứt điểm. Theo ông Trung, các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế như BV Vinmec cần phải khuyến khích. Bởi lẽ trong nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, TP bỏ kinh phí xây dựng 1 BV, duy trì hoạt động đội ngũ nhân lực sẽ rất lớn, song hiệu quả chưa chắc đã cao. Trong khi đó với hình thức xã hội hóa, nhà đầu tư chung tay chia sẻ sẽ góp phần phát triển mạng lưới dịch vụ y tế cho TP, là điều rất tốt.