Giải quyết vấn đề di cư tự do vùng biên giới Quảng Nam-Sê Kông (Lào)

Thứ tư, 23/08/2017 13:16

Sáng 22-8, tại TP Tam Kỳ, diễn ra Hội đàm giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú (DCTD&KHKGT) trong vùng biên giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào). Từ đầu năm 2017 đến nay, thực hiện Thỏa thuận của 2 Chính phủ Việt Nam - Lào về giải quyết vấn đề DCTD&KHKGT trong vùng biên giới 2 nước, tỉnh Quảng Nam và Sê Kông đã phối hợp triển khai thực hiện công tác điều tra, khảo sát song phương người DCTD&KHKGT trong vùng biên giới 2 tỉnh, kết hợp làm việc với chính quyền 2 huyện biên giới tổ chức tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới hiểu và thực hiện đúng những quy định của pháp luật 2 nước về vấn đề biên giới. Tại tỉnh Sê Kông, tổ khảo sát song phương ghi nhận có 3 trường hợp người Việt Nam di cư tự do và 7 trường hợp người Việt Nam kết hôn không giá thú với người Lào sinh sống tại huyện Đắc Chưng; tại huyện Kà Lừm có 11 trường hợp người Việt Nam kết hôn không giá thú với người Lào.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Sê Kông tại buổi làm việc.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, tổ khảo sát song phương ghi nhận có 11 người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam, 7 người Lào di cư tự do hiện đang sinh sống tại huyện Nam Giang; tại huyện Tây Giang có 10 trường hợp người Lào qua kết hôn và sinh sống, 1 trường hợp người Tây Giang qua Sê Kông lấy vợ rồi về Tây Giang sinh sống. Sau khi khảo sát, rà soát các trường hợp phát sinh mới trong thời gian đến, 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông sẽ cùng thống nhất và hoàn thành toàn bộ công tác điều tra, khảo sát song phương của 2 tỉnh trong tháng 12-2017 theo đúng kế hoạch, báo cáo Trung ương xem xét, giải quyết và dự kiến hoàn thành giải quyết vấn đề DCTD&KHKGT tại 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông trong năm 2018.

Tại buổi hội đàm, ông Thả-von Phôm-mạ-lay-lụn, Phó Tỉnh trưởng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Sê Kông, cho biết thêm hiện có 3 trường hợp đến từ các tỉnh Quảng Bình, Nam Định, Nghệ An di cư tự do và đang sinh sống tại huyện Đắc Chưng; 4 trường hợp đến từ các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Bình, Thái Bình lấy vợ Lào và cũng đang sống tại Đắc Chưng. Do đó, ông Thả-von Phôm-mạ-lay-lụn đề nghị 2 tỉnh cần đưa 7 trường hợp này vào diện xem xét giải quyết theo tinh thần của Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào. Về vấn đề này, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng dù 7 trường hợp trên không phải là người Quảng Nam, song Quảng Nam vẫn thống nhất hướng giải quyết mà phía tỉnh Sê Kông đưa ra.

H. Anh