Gian nan con đường đến trường

Thứ bảy, 07/11/2020 19:00

Bão chồng bão, lũ chồng lũ tại các tỉnh miền Trung khiến nhiều trường học hiện vẫn bị ngập sâu, thiết bị dạy học, sách vở bị vùi lấp, cuốn trôi, hư hỏng nặng. Sau mưa lũ, ngành giáo dục các tỉnh, thành phố miền Trung tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh trường lớp, ổn định tâm lý giáo viên và học sinh để tiếp tục công tác dạy học. Tuy nhiên, với những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, con đường đến trường của học sinh miền Trung, đặc biệt là các vùng bị lũ quét, sạt lở núi vốn đã khó khăn nay lại càng gập ghềnh hơn.

Hầu hết các Trường Mầm non ở vùng rốn lũ Thanh Chương, Nghệ An trong đợt lũ vừa qua đều bị nước bao vây.

Bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn Quảng Nam gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó riêng ngành GD-ĐT chịu nhiều tổn thất.Theo thống kê bước đầu, đã có 28 trường THPT và tất cả 18 phòng GDĐT báo cáo đều có nhiều cơ sở giáo dục bị thiệt hại, ước tính hơn 51 tỷ đồng. Nặng nhất có thể kể đến như Trường THPT Cao Bá Quát (Núi Thành). Hầu hết các dãy phòng học và phòng làm việc bị tốc mái, hệ thống bình, đường ống nước phục vụ cho công trình nhà vệ sinh hư hỏng nặng, cửa kính một số phòng bị vỡ, la phông nhiều phòng học bị rớt đổ, phần lớn cây trong sân trường bị gãy, ngã đổ.

Trường THPT Núi Thành cũng bị thiệt hại nặng nề, gồm thư viện, dãy phòng thí nghiệm thực hành Lý Hóa Sinh, phòng tin học, nhà đa năng, nhà vệ sinh, thiết bị dạy học, số tiền lên đến khoảng 800 triệu đồng. Hay Trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình) tốc mái phòng học, dãy phòng công vụ, căng tin, sập đổ hoàn toàn 90m tường rào. Hầu hết các địa phương, trong đó Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình và các huyện miền núi đều co nhiều trường học bị thiệt hại nặng nhất. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, ngay sau khi bão tan, sở đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các địa phương, đơn vị trường học nhanh chóng khắc phục thiệt hại để sớm tổ chức dạy học. Tính đến ngày 3-11, ngoại trừ một số trường mầm non, tiểu học ở các vùng sạt lở nặng của huyện Nam Trà My (Trà Leng, Trà Mai, Trà Vân, Trà Tập), Bắc Trà My (Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui), Phước Sơn (Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc), còn lại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện dạy và học bình thường.

Đến thời điểm hiện tại, các trường học vùng lũ ở Hà Tĩnh đang gấp rút triển khai kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, đáp ứng khung thời gian chương trình đề ra. Cho đến nay, Trường THCS Nguyễn Hoành Từ (xã Tân Lâm Hương) - một trong những nơi ngập sâu nhất ở huyện Thạch Hà, đã ổn định việc dạy học sau 10 ngày nghỉ học trong 2 đợt lũ. Cô Nguyễn Thị Tuyết Long - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hoành Từ cho biết: “Nước ngập sâu và lâu nhưng hầu hết học sinh vẫn vẹn nguyên sách vở, bởi với nhiều phụ huynh, lúa ướt, xe máy có thể ngâm nước, nhưng sách vở của con, xe đi học của con phải được bảo vệ cẩn thận. Hiện, chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn một cách nhanh nhất để sớm ổn định nền nếp học tập cho các em”.

Được biết, qua 2 đợt lũ, học sinh phải nghỉ học 10 ngày, để đảm bảo chương trình, Trường THCS Nguyễn Hoành Từ đã có kế hoạch dạy bù cho học sinh bằng việc bù giờ ở một số tiết 5 và mỗi tuần tăng thêm 3 buổi chiều. Hiện, BGH nhà trường đang cân đối số tiết để xây dựng thời khóa biểu hợp lý.

Tại Quảng Trị, nhiều trường lớp còn ngập ngụa trong bùn đất, nhất là nhiều trường học tại các xã miền núi. Học sinh một số trường vẫn chưa thể đến lớp. Sau lũ, mặc dù nhà trường cùng chính quyền địa phương nỗ lực để khắc phục hậu quả nhưng ở 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị trường lớp bị đất đá vùi lấp, san phẳng và gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả do giao thông bị chia cắt, cô lập dài ngày, mất điện, thiếu nước sạch.Cô giáo Đoàn Loan Phượng, trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Hướng Lập, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, trường học ở xã Hướng Lập đều bị ngập sâu, nước lũ đã cuốn trôi nhiều sách vở, dụng cụ học tập của học sinh, các thiết bị dạy học cũng bị hư hại khá nhiều; nhiều công trình trong trường bị nước lũ xô ngã, vùi lấp. Các phòng học, nhà hiệu bộ, nhà vệ sinh, các công trình nằm ở tầng 1, khuôn viên sân trường đều ngập sâu trong đất bùn, có nơi ngập sâu 1m.

Tại Nghệ An, sau khi lũ rút, nhiều trường MN, TH, THCS ở Nghệ An đang ngổn ngang bùn đất, sách vở tơi tả, đặc biệt là thiệt hại rất lớn. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Đến tận nơi thấy các trường học bị nước lũ làm ngập trường ngập lớp, gây hư hỏng đồ dùng, sách vở… mới thấu hiểu ngành Giáo dục đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Mong rằng các thầy cô giáo cố gắng dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

T.H