“Giành lại” Bangkok

Thứ bảy, 18/01/2014 13:34

(Cadn.com.vn) - Giới chức Thái Lan cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Thủ tướng Yingluck giành lại Bangkok. Nhưng chính phủ phải làm gì?

Ngày 17-1, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố “đã đến lúc” giành lại quyền kiểm soát thủ đô, dấu hiệu cho thấy, chính phủ đang mất dần kiên nhẫn với chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của hàng ngàn người biểu tình đòi Thủ tướng từ chức.

Một người biểu tình bị thương trong một vụ tấn công lựu đạn. Ảnh: Reuters

“Đã đến lúc phải làm gì đó”

Theo Reuters, trả lời báo giới khi được hỏi liệu chính phủ có chủ trương chấm dứt tình trạng người biểu tình phong tỏa các bộ, ngành và một số giao lộ trọng yếu ở thủ đô hay không, ông Tovichakchaikul khẳng định: “Điều đó sẽ sớm xảy ra. Đã đến lúc chúng tôi phải bắt đầu làm gì đó”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Tovichakchaikul được đưa ra trong bối cảnh một đoàn quan chức, được cảnh sát và quân đội hộ tống, lên đường đến văn phòng của chính phủ phụ trách cấp hộ chiếu để thuyết phục người biểu tình rời đi, để cơ quan này có thể hoạt động trở lại. “Nếu biện pháp này thành công, đó có thể là ví dụ cho các bộ, ngành khác noi theo”, Ngoại trưởng Tovichakchaikul nói.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh bùng nổ một số vụ bạo lực vào trưa 17-1 sau nhiều ngày biểu tình trong hòa bình, khiến ít nhất 28 người bị thương. Trong đó, một thiết bị nổ được ném vào những người biểu tình diễu hành gần trường Đại học Chulalongkorn ở trung tâm thủ đô. Hàng trăm người đi mô-tô và các loại xe khác đi đến khu vực hành chính vốn bị người biểu tình chiếm đóng. Một cuộc đối đầu xảy ra sau đó giữa hai nhóm. “Khi sự việc xảy ra, ông Suthep chỉ đứng cách đó 30m”, Akanat Promphan, phát ngôn viên phong trào cho biết, đồng thời nói thêm, ông Suthep không hề hấn gì.

Hiện theo các nguồn tin, chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Thái Lan Adul Saengsingkaew thành lập nhóm đặc nhiệm để bắt giữ ông Suthep. Ông Surapong hiện yêu cầu Tư lệnh cảnh sát Adul thông báo tình hình mới nhất liên quan tới ông Suthep và phong trào biểu tình. Ông Suthep hiện được khoảng 40 người bảo vệ, song ông Adul nói rằng, ông sẽ có báo cáo về việc bắt giữ thủ lĩnh biểu tình trong một cuộc gặp kín không giới báo chí.

Thủ tướng được ủng hộ lớn

Tình trạng bất ổn chính trị bùng lên trong tháng 11-2013 và tiếp tục leo thang khi những người biểu tình do cựu chính trị gia đối lập Suthep dẫn dắt nhóm ủng hộ làm tê liệt Bangkok.

Các phát ngôn viên của phe biểu tình cho rằng, bà Yingluck đang bị “hao mòn” và mong muốn từ chức. Nhưng tại cuộc họp báo hôm 17-1, nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan tuyên bố, bà vẫn nhận được sự hỗ trợ áp đảo hơn. Thủ tướng Yingluck cũng tuyên bố chính phủ sẽ không tham gia soạn thảo lộ trình cải cách đất nước mà chỉ đóng vai trò trung gian. Theo bà Yingluck, chính phủ không có bất cứ ý định nào trong việc gây sức ép với các đại biểu tham gia diễn đàn liên quan đến các đề xuất cải cách bởi khu vực tư nhân của Thái Lan đưa ra những kế hoạch cải cách từ trước đó. Chính phủ Thái Lan vẫn rộng mở tiếp nhận các ý kiến cải cách và các bên tham gia, kể cả phong trào biểu tình chống chính phủ của ông Suthep.

Hiện tất cả đang đổ đồn mắt về quân đội quyền lực của nước này, vốn vẫn tuyên bố trung lập cho đến nay. Trong ngày 17-1, Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan Nipat Thonglek ký lệnh cấm binh sĩ mặc quân phục biểu tình, sau khi có một vài binh sĩ bị bắt khi trong người mang súng và có các thẻ làm bảo vệ an ninh cho những người biểu tình. Để tránh lặp lại tình trạng này, lệnh trên yêu cầu tất cả các quân nhân phải giữ thái độ trung lập và tránh phát ngôn liên quan tới tình hình chính trị. Đây rõ ràng là khẳng định của quân đội về quyết định vẫn đứng thế trung lập, tránh gây hiểu lầm và ảnh hưởng tới hình ảnh của quân đội Thái Lan.

Chiến dịch “đóng cửa Bangkok” cũng làm tổn thương nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na Ranong cho biết trong tuần này, kinh tế Bangkok chỉ  tăng trưởng 3% trong năm nay thay vì mức dự báo 4,5% do làm gián đoạn sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng và du lịch. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày phong trào biểu tình phải chi khoảng 10 triệu baht (hơn 300.000 USD) để duy trì 8 điểm cắm chốt biểu tình trong chiến dịch phong tỏa Bangkok.

Khả Anh