Giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau

Thứ hai, 04/12/2023 14:31
Sáng 2-12, tại Bia Chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), các hội, đoàn thể địa phương tổ chức dâng hương và giao lưu với nhân chứng lịch sử: cựu binh Trần Chiến Chinh - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Khu II Hòa Vang nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), 34 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6-12)…
Các hội, đoàn thể xã Hòa Phong lắng nghe cựu binh Trần Chiến Chinh kể lại chiến công của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm năm xưa.
Các hội, đoàn thể xã Hòa Phong lắng nghe cựu binh Trần Chiến Chinh kể lại chiến công của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm năm xưa.

Theo tư liệu, để đáp ứng nhu cầu diệt ác, phá kèm trong tình hình mới, tháng 2-1972, Khu ủy Khu II tái thành lập Trung đội nữ gồm 28 người, do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng. 3 tháng sau, Trung đội nữ đổi tên thành Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (mang tên của một nữ du kích miền Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng vào năm 1971), thuộc Đại đội 2, Khu II.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết 1 ngày, địch huy động nhiều đơn vị nghĩa quân, địa phương quân có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công vào các điểm chốt của cách mạng. Từ sáng đến chiều tối 28-1-1973, các tổ giữ chốt của đơn vị phản kích trên 20 đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch để giữ vững trận địa. Sau đó, một số điểm chốt rút về Nam Thành và Khương Mỹ, riêng tổ chốt án ngữ trên tuyến Dương Lâm và An Tân được 3 cán bộ, chiến sĩ nữ Nguyễn Thị Xuân Mai (1949, quê xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), Hồ Thị Hồng Vân (1954, quê xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), Ông Thị Minh Nguyệt (1957, quê xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đảm nhận vẫn kiên cường giữ chốt. Các chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt thêm hàng chục tên địch. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên sau 5 đợt phản kích, các chị hết đạn, đành đập gãy súng và anh dũng hy sinh.

Cựu binh Trần Chiến Chinh cho biết thêm, vùng nông thôn Hòa Vang lúc đó trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất, vậy nhưng nữ chiến sĩ của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm vẫn kiên trì bám trụ trên các địa bàn vành đai diệt Mỹ. Sau ngày quê hương giải phóng,các chị “buông tay súng” trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, cầm lấy “tay cuốc, tay cày” xây dựng quê hương, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Giờ đây, các chiến sĩ nữ năm xưa đã trở thành bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn cố gắng là điểm tựa để cho thế hệ con cháu cùng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ đất nước; phát huy, trí tuệ, tài năng, sức khỏe của thế hệ trẻ để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để ghi công các chiến sĩ nữ Đại đội 2, Khu II năm xưa, đồng thời để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, cuối năm 2018, Huyện ủy Hòa Vang đã chọn nơi các chị hy sinh để xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm rộng 250m2…

Trong tâm trạng xúc động, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hòa Phong Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ: “Nửa thế kỷ trôi qua, những gì đã tan vào lòng đất thì chẳng thể nào lấy lại được, nhưng điều thiêng liêng còn mãi trong thế hệ trẻ chúng tôi là tình yêu quê hương, là tình nghĩa con người, là đạo lý nhớ về nguồn cội của dân tộc. Không biết bao lần nhìn mái tóc pha sương của các cựu binh trong hành trình về thăm các “Địa chỉ đỏ”, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm ngưỡng mộ, tự hào về lớp lớp cha anh đã có một thời hoa lửa hào hùng, bi tráng để độc lập tự do được kết trái trên Tổ quốc thân yêu. Họ là những tấm gương không phai mờ dù trong “mưa bom, lửa đạn” hay trong cuộc sống xây dựng, phát triển đất nước hôm nay”.

Vy Hậu