Giao thông công cộng Đà Nẵng: Chọn phương tiện nào khả thi?

Thứ tư, 07/12/2016 07:52

(Cadn.com.vn) - Thực trạng giao thông đô thị Đà Nẵng lại đang nổi lên những vấn đề đáng quan tâm sâu sắc, về số lượng phương tiện  cá nhân ngày càng bùng nổ, trong khi mạng lưới hệ thống phương tiện công cộng vẫn còn khiêm tốn. Địa phương cũng đã thấy rõ điều này, nên đã có ý tưởng đầu tư hệ thống các phương tiện giao thông công cộng, nhưng có xu thế chọn các  giải pháp dùng xe buýt hoặc xe buýt chuẩn BRT, dù đây vẫn là những   tác nhân tăng áp lực cho mật độ phương tiện đường bộ đô thị, và vẫn xả thải khí CO, ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Thực trạng này lật lại một câu chuyện cũ, từ năm 2000, GS-TS Bùi Văn Ga, lúc đó là Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, nay là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đề xuất phương án chọn loại hình tuyến xe điện Tramway cho Đà Nẵng. Ý tưởng này, đặc biệt được các nhà tài trợ nước ngoài nhiệt liệt tán thành và sẵn sàng ký hợp đồng tài trợ cho dự án triển khai trên đường phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó cũng có những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản bắt đầu đặt vấn đề với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để nghiên cứu dự án Monorail. Mô hình giao thông công cộng như Monorail và Tramway được phân tích có các lợi thế quan trọng:

Tramway, đây là hệ thống vận tải công cộng dạng toa kéo, chạy trên ray đơn hướng như xe lửa, với khối lượng lớn chở cùng lúc nhiều người, phục vụ tốt nhu cầu đi lại dân sinh và du khách. Hệ thống này sử dụng ray đặt chìm trên mặt đường nên không tạo sự cách biệt đường đi riêng như xe lửa, rất an toàn cho hành khách đi lại; đặc biệt dùng năng lượng điện nên bảo đảm không phát sinh khí thải độc hại ra môi trường. Do tuyến xe điện Tramway có thể tận dụng ngay chính các vệt phân làn giữa đường đô thị làm lộ trình hoạt động, với các trạm đỗ dừng đón khách ngay các điểm nút giao thông, đèn tín hiệu, nên rất thuận tiện để hành khách đi lại và không gây kẹt xe như các dạng xe buýt.

Loại hình giao thông công cộng Tramway. Ảnh: Internet

Monorail là dạng phương tiện vận tải công cộng cũng dạng toa xe chạy bằng điện đi trên không trung theo tuyến rail riêng biệt sẽ giảm được áp lực tắc nghẽn giao thông đáng kể, ngoài ra điểm tích cực về môi trường tương tự Tramway.

Thiết nghĩ, hai mô hình giao thông công cộng trên rất phù hợp với bối cảnh đô thị hiện đại, văn minh, hướng đến tiêu chí môi trường xanh, yêu cầu tốc độ đi lại của cư dân nhanh nhẹn, tránh được tiếng ồn và không buộc hành khách phải chờ đợi tại ga.

Thực tế đến nay, nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đều đã quen với các loại hình phương tiện vận tải công cộng là Metro, Tramway và Monorail. Hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM hiện cũng đã và đang triển khai các dự án vận tải công cộng với các loại hình này, trong khi Đà Nẵng đã từng đề cập rất sớm nhưng không thực thi. Điều này được các nhà quản lý xem xét ở giá trị đầu tư hệ thống nên ngần ngại. Bởi theo ghi nhận chung, Monorail, Tramway có vốn đầu tư tài chính cao hơn các mô hình khác như xe buýt BRT từ 40-50%, Chi phí đầu tư cho Metro cao hơn hệ thống BRT từ 10 đến 15 lần sẽ là nút thắt khó khăn cho ngân sách thành phố. Song nếu nhìn nhận từ góc cạnh nhu cầu giao thông xã hội được giải quyết tốt hơn, mà chất lượng môi trường vẫn bảo đảm, thì mô hình Monorail hay Tramway vẫn là giải pháp có hiệu quả kinh tế cao.

Với những lý do đầy lợi thế đó, việc Đà Nẵng mạnh dạn tính toán và đầu tư hình thành một hệ thống xe điện Monorail, Tramway để giải quyết bài toán giao thông công cộng đô thị, là lựa chọn khoa học và hợp lý. Nhất là, nếu đô thị Đà Nẵng xác định phát triển giao thông công cộng sẽ như một thành tố vận động để Đà Nẵng thực sự trở thành một “Thành phố môi trường”, việc địa phương này là thành phố hiện đại có tuyến xe điện đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á chính là một dấu ấn giá trị. Vậy Đà Nẵng nên chọn phương tiện công cộng nào khả thi cho tầm nhìn phát triển bền vững của mình, hy vọng các nhà quản lý sẽ phân định được vấn đề để quyết định.

P.V