Giáo viên cần trau dồi "kỹ năng mềm"
Kỹ năng mềm (hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... Kỹ năng mềm khác với kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn hay bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Kỹ năng mềm không những cần có ở các ngành nghề khác trong xã hội mà ngay cả nghề giáo cũng rất cần thiết. Bởi kỹ năng cứng là chuyên môn sư phạm chưa đủ để giúp một người đứng lớp dạy học trở thành giáo viên chuẩn mực, hoàn hảo được.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng hoạt động gây quỹ từ thiện. |
Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều giáo viên thiếu kỹ năng mềm, nhất là các giáo viên trẻ mới ra trường. Mặc dù giỏi chuyên môn sư phạm nhưng do kinh nghiệm xã hội còn hạn chế nên đôi khi làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy, đến thầy cô khác, nhà trường, học sinh và phụ huynh. Đã có rất nhiều trường hợp vì không kiềm chế được bản thân, ứng xử không khéo, lúng túng trong những tình huống thực tế nên đã xảy ra những vụ viêc gây chấn động dư luận. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều về các vụ giáo viên tát học sinh, dọa cho học sinh ngậm dép chỉ vì các em không ngoan. Đồng ý rằng học trò rất tinh nghịch, phá phách (thế mới có câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò) cần được dạy dỗ nghiêm túc, nhưng không vì thế mà thầy cô xử lý tình huống bằng những giải pháp đi ngược lại với đạo đức nghề giáo. Nếu dư dả kỹ năng mềm, có lẽ thầy cô sẽ biết kiềm nén cảm xúc, đặt mình vào hoàn cảnh học sinh, đưa ra những giải pháp nhẹ nhàng nhưng ổn thỏa.
Để giàu tiềm lực kỹ năng mềm không khó. Trong khoảng thời gian là sinh viên sư phạm, các giáo sinh nên chịu khó tranh thủ những thời gian rảnh rỗi làm thêm, tham gia các hoạt động đoàn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh. Nên đi nhiều để biết nhiều, học hỏi những kinh nghiệm sống xung quanh mình. Không riêng gì giáo viên trẻ, mà những giáo viên lâu năm cũng cần thường xuyên trau dồi kỹ năng mềm, cập nhật những kiến thức xã hội mới (để hiểu thêm về học sinh) như là bảo bối để xây dựng hình tượng một giáo viên chuẩn mực. Đồng thời nên học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp. Từ sự cởi mở, chịu khó học hỏi những kỹ năng xã hội sẽ giúp giáo viên có cái nhìn đa chiều khi xử sự với học sinh. Biết lắng nghe, biết cảm thông, cũng như học cách nhẹ nhàng trong giao tiếp của giáo viên sẽ giúp môi trường giáo dục triệt tiêu các vụ bạo lực học đường.
ĐẶNG TRUNG THÀNH