Giáo viên truyền cảm hứng, trẻ hạnh phúc tới trường
Theo đánh giá của giới chuyên môn, môi trường sống ở đô thị có những khác biệt so với nông thôn và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Trong đó, một số khác biệt nổi bật có thể kể đến đó là: thiếu gắn kết xã hội, những lo ngại về an toàn (giao thông) tác động đến việc phân bổ thời gian và giao tiếp xã hội, dịch vụ công cộng không đáp ứng được nhu cầu ở những khu vực đông dân cư, thách thức trong xây dựng điều kiện sống lành mạnh... Tại Đà Nẵng, tốc độ đô thị hoá nhanh đã tạo ra những rào cản xã hội đặc trưng nói trên, tác động trực tiếp đến cuộc sống, việc học tập của trẻ.
Dự án CITIES là một trong những can thiệp mà Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã, đang đồng hành cùng Tổ chức VVOB trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường trên địa bàn TP. Trong 2 năm đầu Dự án đã thành công trong giới thiệu phương pháp giảng dạy dựa vào nghệ thuật và cộng đồng học tập chuyên môn cho các trường tại quận Sơn Trà như là những công cụ hữu hiệu để giảm thiểu rào cản đô thị về mặt học tập. Cuối năm 2021, Dự án chính thức bước vào giai đoạn 3, tập trung vào mở rộng việc nâng cao năng lực với cộng đồng học tập chuyên môn cho các trường MN trên phạm vi toàn TP.
Dự án CITIES được xem như là phương tiện để giảm thiểu những rào cản đô thị mà trẻ em đang phải đối mặt dựa trên phương pháp dạy học lấy cảm hứng từ nghệ thuật - một phương pháp tiếp cận mới, sáng tạo, bắt nguồn từ nền tảng "học thông qua chơi". Phương pháp này khuyến khích giáo viên sử dụng nghệ thuật làm phương tiện để thúc đẩy sự sáng tạo và khám phá, song đồng thời vẫn đảm bảo hoàn thành các mục tiêu học tập đã đặt ra.
Cô Ngô Thị Phước- Phó Hiệu trưởng trường MN Hoàng Cúc (TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Những hoạt động áp dụng phương pháp dạy học lấy cảm hứng từ nghệ thuật đảm bảo tiêu chí lấy trẻ làm trung tâm và đúng với phương châm "học bằng chơi, chơi bằng học". Khi giáo viên tổ chức các hoạt động này thì trẻ không còn thấy bị gò bó nữa. Từ đó, giáo viên dễ dàng quan sát thấy trẻ có cảm giác thoải mái và tham gia vào hoạt động ở mức độ cao hay không. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp trẻ học tập sâu, có thêm nhiều kỹ năng và phát triển một cách toàn diện".
Từ những thành công bước đầu trong việc giảm thiểu rào cản đô thị thông qua phương pháp dạy học lấy cảm hứng từ nghệ thuật trên địa bàn TP Đà Nẵng, VVOB đã xây dựng một khung lý thuyết về việc sử dụng nghệ thuật vào việc dạy và học với mong muốn phương pháp được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Bà Kelsey Carlton- Cố vấn Giáo dục chiến lược, tổ chức VVOB cho hay: "Các hoạt động dạy - học lấy cảm hứng từ nghệ thuật có xu hướng giúp giảm căng thẳng và tăng động lực học tập cho trẻ, thúc đẩy các tương tác xã hội; đồng thời khuyến khích trẻ khám phá và tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh". Liên quan đến việc hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh chóng, bà Carlton cho biết thêm: "Các cộng đồng học tập chuyên môn được tạo ra có thể cung cấp một môi trường thân thiện cho các giáo viên chia sẻ ý tưởng và phản ánh kinh nghiệm của họ khi thực hiện phương pháp dạy học lấy cảm hứng từ nghệ thuật. Việc thành lập cộng đồng học tập chuyên môn không chỉ hỗ trợ giáo viên trong việc triển khai phương pháp này mà còn cung cấp một kênh để giáo viên tiếp tục sáng tạo nhằm giảm thiểu những rào cản đối với việc học tập của trẻ".
Với những phản ứng tích cực ban đầu, thông qua hội thảo này, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng và VVOB mong muốn được chia sẻ những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm từ Dự án CITIES để các tỉnh, thành khác, cũng như Bộ, ban ngành liên quan và các tổ chức quốc tế có thêm thông tin, cơ sở để áp dụng, thúc đẩy và hỗ trợ cho giáo dục MN trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh ở Việt Nam.
Xuân Sơn