Giọt nước mắt nhà báo
Tại đây, nhóm công nhân đã ủi hàng trăm cây điều của các gia đình (sau này cơ quan chức năng xác định thiệt hại hơn 73 triệu đồng). Thấy vậy, hai người dân là Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình (tạm trú xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã dùng súng bắn vào nhóm công nhân, bảo vệ hàng chục phát đạn. Hậu quả làm 3 người chết tại chỗ, 13 người khác bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu, thương tật từ 6 đến 54%. Sau đó, Đặng Văn Hiến bị tuyên phạt mức án cao nhất: tử hình.
Vụ việc này đã gây phản ứng lớn từ người dân vì đa số mọi người cho rằng “không có lửa sao có khói”. Dư luận nhiều chiều nhiều đến nỗi các cơ quan có chức năng cũng phải vào cuộc .
Khi trả lời một tờ báo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông Lê Diễn cho rằng, Công ty Long Sơn “đứng trên pháp luật” khi tự ý san ủi đất của người dân, là nguyên nhân xảy ra vụ nổ súng khiến 3 người chết, 16 người bị thương. Việc đối thoại giữa người dân và công ty này đã được tỉnh nhiều lần chỉ đạo. Huyện cũng nhiều lần mời các bên lên để thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty cũng “cù nhầy” về mức hỗ trợ với người dân nên vụ việc kéo dài.
Để hiểu đúng bản chất của sự việc, nhà báo Mai Quốc Ấn đã kiên trì đi tìm thêm các chứng cứ, lắng nghe tiếng kêu oan cũng như tìm hiểu thêm các đơn thư tố cáo của người dân về một số người của công ty Long Sơn cũng nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí hành hung người dân, khiến sự việc trở nên “tức nước vỡ bờ” dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế và vi phạm pháp luật của một số người dân trong vụ việc vừa xảy ra.
Nhà báo Mai Quốc Ấn (TTXVN) là người đã theo dõi và đã viết bài về vụ việc này ngay từ khi mới xảy ra (2016) và chính anh cũng là người đã đích thân vào rừng vận động Đặng Văn Hiến ra đầu thú.
Nhưng không ngờ sau khi được nhà báo Mai Quốc Ấn vận động ra đầu thú, Đặng Văn Hiến lại bị tòa xử tử hình. Mức án tử hình dành cho người được mình vận động ra đầu thú khiến nhà báo Mai Quốc Ấn vô cùng áy náy, khó xử. Anh đã cùng nhiều người khác tiếp tục đi tìm được nhiều chứng cứ và tài liệu để quyết bảo vệ Đặng Văn Hiến đến cùng, để Đặng Văn Hiến được giảm án.
Và cuối cùng, sáng 16-9-2022, Đặng Văn Hiến đã được Chủ tịch nước giảm án từ án tử hình xuống chung thân.
Nhận được tin này nhà báo Mai Quốc Ấn đã bật khóc vì vui mừng cùng gia đình anh Đặng Văn Hiến. Cùng lúc nhiều người, trong đó có các chiến sĩ Công an điều tra vụ án, cảnh sát trại giam... đã gọi điện chúc mừng anh vì việc làm ý nghĩa rất nhân văn và tinh thần thượng tôn pháp luật đã có kết quả tốt đẹp.
“Việc Mai Quốc Ấn đưa Đặng Văn Hiến ra đầu thú đơn thuần là một trách nhiệm cơ bản của công dân. Ấn thấy mình chỉ làm một việc rất bình thường là lắng nghe và chuyển tải mong muốn “được nói” của anh Hiến”, Mai Quốc Ấn tâm sự.
Việc Đặng Văn Hiến được ân xá từ tử hình sang chung thân là công sức của nhiều luật sư, người dân, Đại biểu Quốc hội kiến nghị giảm án tử cho anh ấy. Cũng là nỗ lực ra Hà Nội xin giảm án cho chồng của chị Khuyên - vợ anh Hiến. Cũng cần cảm ơn Tướng Hồ Sỹ Tiến, Thượng tá Lại Quang Huấn và các chiến sĩ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (chức vụ năm 2016) đã thực hiện lời hứa bảo đảm an toàn và chăm sóc Hiến sau đầu thú, làm lại cuộc đời.
Chị Đặng Thị Nhung, con gái của tử tù Đặng Văn Hiến vừa được giảm án chia sẻ: “Hành vi của bố tôi là vi phạm pháp luật và phải chịu tội. May mắn cho gia đình khi đơn xin ân giảm án được Chủ tịch nước xem xét, chính vì thế khi biết tin bố tôi được giảm án xuống chung thân, cả gia đình rất vui và hạnh phúc”.
Có lẽ trong việc giúp Đặng Văn Hiến thoát án tử hình sau ba lần tuyên án là phải nhắc đến việc làm hết sức cương quyết và tận tâm tận lực của một nhà báo, đó là nhà báo Mai Quốc Ấn.
HUỲNH DŨNG NHÂN