Giữ chút “chân quê” trong quá trình đô thị hóa

Thứ sáu, 07/10/2022 16:59
Cách đây chưa lâu, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người viết cùng nhóm bạn về Làng Rau Trà Quế (Hội An) thăm và chụp ảnh điểm du lịch mang tính làng quê này, tình cờ gặp một ông bố trẻ dắt theo đứa con trai chừng 6 tuổi, trong lúc  hỏi chuyện nhau, ông bố mới tâm sự là phải thường xuyên đưa cậu con trai về vùng quê để biết cỏ cây hoa lá, con trâu, con bò chứ kẻo mai này, cháu sẽ không có khái niệm hoặc khái niệm một cách mơ hồ về làng quê và những cảnh vật gắn liên với nông nghiệp, nông thôn. Suy nghĩ đó xuất phát từ một lần đưa cháu về quê, khi chỉ vào bụi tre, ba cháu hỏi là cây gì thì cháu hồn nhiên trả lời đó là cây mía!?
Làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, một trong những mô hình phát triển hài hòa đáng học hỏi.
Làng rau Trà Quế, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, một trong những mô hình phát triển hài hòa đáng học hỏi.

Câu chuyện không phải là cá biệt này có thể dễ dàng bắt gặp ở các đô thị lớn trong đó có Đà Nẵng, nó là hệ quả tất yếu của quá trình “đô thị hóa”, “bê tông hóa” đang diễn ra với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Cùng với quá trình đó là tình trạng ở đâu người ta cũng muốn “lên phố”, huyện thì muốn nhanh thành quận, thị xã, quận thì muốn lên thành phố. Và tất nhiên, cùng với sự “lên đời” này, những hình ảnh quen thuộc như bờ tre, bụi chuối, đống rơm, ao làng, giếng làng… cũng không còn mấy nữa. Nhiều người không khỏi lo lắng, xót xa bức tranh nông thôn Việt Nam, cái làng Việt ngàn năm sẽ bị xóa sổ... Nét thanh bình, yên ả sẽ dần nhường chỗ cho sự ồn ào, xô bồ là điều không có gì ngạc nhiên và những gì gọi là “đất lề, quê thói” cũng dần mất đi. “Thị dân” ngày càng nhiều thì càng về sau thế hệ trẻ sẽ phải dần làm quen, tìm hiểu nơi “chôn nhau cắt rốn” của cha mẹ chúng qua mạng, qua “gút gồ”, hoặc chỉ còn biết được trong ký ức làng quê qua câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, nhất là tại những gia đình chỉ lo chí thú làm ăn hoặc không có cơ hội hay điều kiện đưa con cháu về thăm thú làng quê trước khi chúng biến mất.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ dân số ở nông thôn cao hơn thành thị rất nhiều và về “gốc gác” của người thành thị thì cũng phải đến 80% có xuất xứ từ “gốc rạ”, một từ mà nhiều người nói vui là người có nguồn gốc, xuất xứ từ “Nông thôn - nông dân”, tức là có quê hương bản quán thuộc một thôn, xóm nào đó ở trên dãy đất hình chữ S này. Vì vậy câu “Ai cũng có một làng quê để nhớ, để về” có thể đúng với rất nhiều người thành thị. Với xu thế “lên phố lên thị” hết như hiện nay thì đến một ngày nào đó không xa, nơi để về đã trở thành những khu phố, đường làng đã không còn những bụi ô rô, chè tàu, râm bụt để để rong ruổi, thả hồn nghe chim kêu, ngắm bướm lượn, không còn cây đa giếng nước, ao làng để thả sen, câu cá... Tình trạng phổ biến ở nhiều nơi của vùng quê, cánh đồng mọc lên nhà xưởng, ngôi nhà nhỏ nhắn nương nép hòa mình vào thiên nhiên dần biến mất mà thay vào đó nhà cao tầng kiến trúc tự phát, màu sắc, kiểu dáng xa lạ...

Nhớ lại cách đây đã 16 năm, tôi đã có bài viết có tựa để “Hãy giữ lấy “Bản hòa tấu muôn thủa của đồng quê”. Thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng còn chưa chia tách, thành phố Đà Nẵng vẫn còn bao quanh bởi làng quê, ra khỏi “Phố Đà”chưa bao xa là có thể gặp ngay những thôn xóm của các xã có tên đầu là “Hòa...” của huyện Hòa Vang mà nay khá nhiều trong số đó đã thành phường của những quận như Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Mỗi khi có cơn mưa về, tiếng ếch nhái, côn trùng râm ran, cá đầy đồng, cua đầy mương, cảnh đồng quê mùa lũ lụt được mô tả trong bài hát “Quê hương tuổi thơ tôi” của cố nhạc sỹ Từ Huy “mùa lụt nước lớn bắt cá giữa đồng” cũng đã và sẽ trôi dần vào ký ức. Nêu lên câu chuyện này để thấy rằng, chưa phải đến bây giờ mà vào thời điểm đó, đã có dấu hiệu của sự suy giảm “cung bậc, thanh âm” của “bản hòa tấu” mang đặc trưng đồng quê này. Năm tháng đi qua, những thế hệ 6X, 7X đã để lại một tuổi thơ nhiều vất vả nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm ngọt ngào.

Quay trở lại với làng quê Đà Nẵng mà nay hầu như chỉ còn tồn tại ở Hòa Vang, huyện nông nghiệp duy nhất của Đà Nẵng. Ở đây, đã có những nơi thuộc xã nhưng cũng đã có nhà mặt phố, có đường lớn, có bảng tên đường như phường, quận. Những “làng quê điển hình” nay cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Về làng quê mà nhà cửa san sát không khác gì ở phố. Hình ảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay trong ca dao khi xưa nay bị che chắn tầm mắt. Đường lớn, ngõ nhỏ ở làng quê ồn ào, bụi bặm bởi tiếng động cơ xe tải chạy, cày như nát đường. Giờ, đi qua xã nào đa phần cũng thấy nhiều nơi phá vườn để xây nhà theo kiểu phố thị hiện đại. Căn nhà mái ngói rêu phong được đổ mái bằng và xây nhà tầng. Nền đất nhà cổ khi xưa giờ được đổi đời bằng gạch tráng men bóng loáng. Đâu đó bắt gặp những biệt thự nửa tây, nửa ta như người đàn bà đẹp kỳ dị, lòe loẹt ngang nhiên khoe sắc...

Còn lại một số xã thuần chất quê nhưng không phải 100%, đã nghĩ đến chuyện giữ lại “hồn quê, nét làng”, với “hương đồng gió nội” bằng việc duy trì, phục dựng những địa danh, tập quán, nghề truyền thống, trước hết là để giữ hồn quê, sau đó là để hình thành loại hình du lịch làng quê. Mỗi địa phương sẽ có cách làm riêng để giữ gìn bản sắc vốn có từ ngàn đời nay là câu chuyện mang tính vĩ mô, còn ở Đà Nẵng dưới góc độ vi mô, thiết nghĩ cần cân nhắc việc “đô thị hóa” Hòa Vang một cách “mạnh mẽ” và triệt để mà phải giữ lại một vùng quê thuần túy nhưng không lạc hậu, giàu bản sắc và không hòa tan trong cái xô bồ, náo nhiệt của đô thị.

Không thể phủ nhận, quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn, ở ngoại thành các đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng đã và đang mang lại cho người dân nhiều cơ hội phát triển, cải thiện đáng kể đời sống dân sinh. Bên cạnh những thay đổi tích cực, khi quá trình này diễn ra quá nhanh dẫn đến hàng loạt thách thức về khủng hoảng lối sống, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, sự biến mất của nghề truyền thống ở các làng quê. Đô thị hóa có chọn lọc, có tính tới việc duy trì và phát huy nguồn cội, bản sắc từ văn hóa đến truyền thống, phong tục, cảnh quan.., là điều phải được những nhà quy hoạch và chính quyền từ trung ương đến địa phương tính toán, cân nhắc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Đừng để đô thị hóa làm biến đổi khung cảnh thôn xóm, làng quê, ngày càng phá dần nét đẹp cổ truyền để thay vào đó là kiến trúc đô thị.

Thiết nghĩ, phát triển kinh tế-xã hội hài hòa, có trước có sau, có tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt của văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc là một vấn đề phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Hy vọng sẽ có cho mỗi người, nhất là lớp trẻ có một nơi chốn để nhớ để về, chứ không phải chỉ còn là hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn của cha ông, vốn xuất phát từ cái nôi mang tên “Nền văn minh lúa nước”.

DÂN HÙNG