Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Nhiều năm qua, các giáo viên, cán bộ quản lý Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hỗ trợ nhiều trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An là nơi đào tạo học sinh mắc các loại khuyết tật về vận động, khiếm thính, khiếm thị, chậm trí tuệ... Toàn Trung tâm hiện có 26 giáo viên, với hơn 250 học sinh, trong đó 150 học sinh ở nội trú. Học sinh ở Trung tâm có độ tuổi từ 13 tuổi trở lên, ngoài việc học văn hóa, các em sẽ được học nghề. Mỗi học sinh ở Trung tâm đều hoàn cảnh khác nhau, vì vậy các thầy cô giáo ở đây phải có phương pháp sư phạm linh hoạt để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho các em. Hầu hết học sinh khi mới vào học ở Trung tâm đều chưa biết chữ, thậm chí chưa tự phục vụ bản thân nhưng dần dần, các em được trang bị kiến thức về văn hóa, âm nhạc, hội họa và định hướng học nghề.
Lớp học nghề điện dân dụng ở Trung tâm giáo dục và dạy nghề người tàn tật Nghệ An. Ảnh: ANH TUẤN |
Gần 10 năm gắn bó với môi trường giáo dục khá đặc biệt này, cô giáo Đinh Thị Sa phải nỗ lực từng ngày để hỗ trợ học sinh. Năm nay, cô giáo Sa đảm nhiệm dạy các em từ 2 - 5 tuổi lớp chậm phát triển. Ở lớp học này, cô luôn nhìn thẳng trẻ để các em bắt chước theo miệng của mình, lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhiều lúc cô phải ân cần, nhẫn nại như một người mẹ để hướng dẫn cho các em. Ngoài giáo dục kiến thức, Trung tâm còn dạy học sinh các nghề như, điện, may, thêu…Tất cả giáo viên khi gắn bó với Trung tâm đều phải trải qua các lớp đào tạo giao tiếp chuyên biệt, làm quen với ngôn ngữ ký hiệu. Sau những giờ lên lớp, các thầy, cô giáo lại trở thành người mẹ hiền, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho những học sinh đặc biệt.Thầy giáo Thái Khắc Minh, giáo viên dạy nghề điện của Trung tâm, chia sẻ: Những ngày mới vào trường còn nhiều bỡ ngỡ, thầy phải tự mình học thêm ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp được với các em. Khi đã giao tiếp tốt, thầy càng thấy yêu nghề, yêu học trò của mình hơn.
Tại Trung tâm, việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy đều được các giáo viên thiết kế riêng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của mỗi học sinh. Năm nào cũng vậy, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ở Trung tâm đều là một ngày đặc biệt. Bài hát Quốc ca và nhiều tiết mục văn nghệ do các em khiếm thị, khiếm thính biểu diễn khiến thầy cô giáo không cầm được nước mắt. "Ở ngôi trường đặc biệt này, ngôn ngữ ký hiệu là chủ yếu. Mọi việc ở Trung tâm đều diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Nhiều khi các em phải hát bằng tay nhưng ở đây luôn tràn ngập tình yêu thương, sự sẻ chia và cả sự hi sinh. Chúng tôi luôn tự hào vì mình là những người cha, người mẹ hiền của hàng trăm đứa con đặc biệt", thầy Minh xúc động nói. Lòng biết ơn của phụ huynh, sự tiến bộ mỗi ngày của những học sinh thiệt thòi luôn là món quà quý giá nhất trong cuộc đời dành tặng cho các giáo viên tại Trung tâm. Trẻ khuyết tật dù ở dạng khuyết tật và mức độ nào cũng có những khả năng, nhu cầu nhất định. Đối với học sinh và trẻ khuyết tật, giáo viên là "thần tượng", chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất. Do đó, giáo viên cần là hình mẫu cho các học sinh noi theo. Thấm thía nỗi đau của bậc cha mẹ có con bị khuyết tật, các thầy cô của Trung tâm đã luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng”, thầy giáo Dương Công Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An cho biết.
BÍCH HUỆ