Góp "lửa" cho ngày đại thắng
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, để thực hiện quyết tâm chiến lược "Giành thắng lợi trong năm 1975", Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng nhằm giải phóng các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, ngụy. Chỉ thị cho Khu 5 và Quân đoàn 2 "hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay".
CCB Trần Như Tiếp (giữa) cùng đồng đội tại sân bay Đà Nẵng trong ngày giải phóng. Ảnh tư liệu. |
"Căng địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt"
Ngày 25-3-1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà (mật danh Mặt trận 475) được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy. LLVT Quân khu 5 chủ yếu là Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52, Bộ đội địa phương được tăng cường tiến công vào thành phố Đà Nẵng. Lực lượng địch ở Quảng Đà lúc này gần 10 vạn tên, trong đó có nhiều tàn binh ở các nơi chạy về, tinh thần hoang mang, hầu hết mất sức chiến đấu. Nhưng các tướng lĩnh quân Mỹ và ngụy Sài Gòn vẫn rêu rao: Muốn tiến công Đà Nẵng, Việt cộng phải có thời gian ít nhất một tháng để chuẩn bị. Do vậy, địch chủ trương "tử thủ Đà Nẵng và di tản dần nhằm bảo toàn lực lượng, co về giữ vững đồng bằng Nam Trung Bộ và Nam Bộ".
Trên chiến trường Khu 5, đầu tháng 3-1975, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở Chiến dịch Nam - Ngãi với mục tiêu chia cắt Quân khu 1 và Quân khu 2 của địch trên bộ. Ở Quảng Nam ta quyết định chọn Tiên Phước, Phước Lâm (địch gọi là chi khu quân sự - quận lỵ Hậu Đức) làm mục tiêu tiến công đầu tiên của chiến dịch (mật danh A1). Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 họp, ra quyết định: "Nắm chắc thời cơ, phấn đấu trong một thời gian ngắn giải phóng hoàn toàn các địa bàn của Quân khu".
Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 5 do đồng chí Nguyễn Chánh (tức Bình) - Phó Tư lệnh Quân khu làm Tư lệnh tiền phương và đồng chí Võ Tiến Trình (tức Đoàn Khuê) - Phó Chính ủy Quân khu làm Chính ủy tiền phương chỉ huy chiến dịch. Qua lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Hải Lý - Nguyên quyền Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Nam (hiện ở số nhà 14 đường Tiểu La, TP. Đà Nẵng): "Nếu ta chiếm được Tiên Phước, Phước Lâm thì sẽ cài được then, khóa chặt địch để tiêu diệt. Ta có Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52, các trung đoàn pháo binh và lực lượng của tỉnh. Trước chiến dịch, anh Văn (Mật danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gửi cho tôi Điện tối khẩn với nội dung "Gửi đồng chí Lê Hải Lý, Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chuẩn bị thần tốc". Khuya ngày 10-3-1975 trong vòng chưa đầy 24 giờ, với chiến thuật "căng địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt" quân ta đã làm chủ Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp mạnh mẽ Tam Kỳ (Quảng Nam). Quân địch co cụm để bảo toàn lực lượng, ta kiên quyết đánh, không cho chúng co, không cho chúng cụm".
Giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm, sáng 24-3, Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52 phối hợp với các đơn vị, bộ đội địa phương đồng loạt tiến công Quảng Ngãi và Thị xã Tam Kỳ. Ào ào như thác đổ, tất cả chung niềm tin "Chiến thắng đang rất gần". Đến 10 giờ 30 ngày 24-3-1975 lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Tòa thị chính tỉnh Quảng Nam, Thị xã Tam Kỳ hoàn toàn giải phóng. Ngày 25-3, quân và dân Quảng Ngãi kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng Thị xã Quảng Ngãi, đánh chiếm căn cứ Chu Lai, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi.
Bước đà cho "cú nhảy xa"
Thắng lợi Chiến dịch Nam - Ngãi tạo thế gọng kềm bao vây Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân lớn nhất Miền Nam Việt Nam của địch. Trị Thiên ở phía Bắc bị mất, Nam - Ngãi ở phía Nam không còn, Đà Nẵng rơi vào thế bao vây, cô lập. Tuy vậy, Tướng Ngô Quang Trưởng (lúc này là Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 ngụy) vẫn hò hét: "Quyết tử thành phố Đà Nẵng bằng bất cứ giá nào" (trước đó Tướng Trưởng đã từng tuyên bố: "Quân đội Bắc Việt muốn chiếm được cố đô Huế phải bước qua xác chết của tôi...").
Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, ngày 25-3 Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công Đà Nẵng theo phương án "đánh nhanh táo bạo", với mục tiêu: "Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng". Thời hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng là ba ngày.
Đại tá Trần Như Tiếp - nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự quân khu, lúc ấy ông là Đại úy, phái viên Quân khu từng có mặt trên các mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng (hiện đang sống tại K40/4, đường Yên Bái, TP.Đà Nẵng) nhớ lại: Khí thế của bộ đội lúc bấy giờ rất phấn khởi, dù thế của địch có đông nhưng có nguy cơ bị tan rã, cho nên ta có thể đánh thắng được. Ngày 26-3 Chiến dịch Đà Nẵng mở màn. Hai ngày sau đó ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự bên ngoài của địch. Rạng sáng 29-3 quân ta áp sát Đà Nẵng từ nhiều hướng. Khu vực Đà Nẵng lúc này khoảng hơn 7 vạn quân địch. Quân đông nhưng không có tổ chức, không có chỉ huy thì chúng tan vỡ rất nhanh. Đến 15 giờ ngày 29-3-1975 ta làm chủ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà.
Ngay trong đêm Đà Nẵng giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận "Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây, sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ". Chiến dịch Huế - Đà Nẵng toàn thắng đã tạo thời cơ cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Quang Hùng