Góp ý xây dựng Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thứ tư, 10/07/2024 08:35

Sáng 9-7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả thực hiện, với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, một số tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên. Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược xuất hiện một số hạn chế, bất cập, vì vậy, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu đã góp ý vào Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mong muốn, Chiến lược chú trọng hơn đến các chính sách quan tâm đến đối tượng đầu tư cho công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, sự kết nối, tham chiếu giữa các ngành công nghiệp văn hóa...

P.Hà