Hãi hùng chợ… mua bán nội tạng

Thứ ba, 06/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Thị trường mua bán nội tạng phát triển mạnh trong cơn bão khủng hoảng kinh tế. Ở các nước nghèo, một số người đã phải đi đến một quyết định đau xót để thoát khỏi nợ nần: bán nội tạng của họ.

Bán nội tạng để trả nợ

Mua bán nội tạng trên thị trường chợ đen là một thực tế không hiếm ở Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở các nước có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tại các nước này, những người nghèo khổ thường bán các bộ phận cơ thể cho tầng lớp giàu có trong và ngoài nước đang chờ được thay ghép các bộ phận cơ thể.

Mehdi Hasan, 23 tuổi, sống tại ngôi làng nghèo khó Bamongram, đông bắc Bangladesh là một nạn nhân của việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp tại đất nước này. Một kẻ môi giới người Bangladesh đã hứa trả cho anh 300.000 taka (khoảng 4.000 USD) để mua 60% lá gan của anh. Đối với một người nghèo khổ như Hasan, đây là một số tiền quá lớn, có thể giúp anh trả được nợ nần và trang trải cho cuộc sống của gia đình mình. Tuy nhiên, kẻ môi giới đã biến mất tăm sau ca mổ kéo dài suốt 10 giờ đồng hồ tại thủ đô Dhaka, còn Hasan lại bị mắc kẹt ở Dhaka với số tiền viện phí chưa được thanh toán. Hơn thế nữa anh còn phải gánh chịu hậu quả với những cơn đau hành hạ ngày đêm và mất khả năng lao động kiếm sống. Nhiều người trong số những người bán nội tạng ở Bangladesh cũng đều làm như vậy để trả các khoản nợ nần. “Tôi nghe những người hàng xóm nói rằng, nếu bán đi một quả thận, bạn có thể kiếm được một số tiền khá. Tôi phải bán nó vì tôi đã chịu quá nhiều áp lực”, một phụ nữ tên Mahmuda Akter cho biết.

Theo cơ quan dữ liệu Havoscope, ngành công nghiệp này trên thế giới thu về 75 triệu USD mỗi năm.

 Những vết sẹo trên cơ thể những người đàn ông ở Ấn Độ sau khi bán thận.
Ảnh: Newspick

Thế giới ngầm kinh hoàng

Thế giới chợ đen mua bán nội tạng đã hình thành từ rất lâu và không chỉ tồn tại ở các nước Châu Á mà có mặt trên khắp thế giới.

Nhưng chỉ mới năm 2008, dư luận mới thực sự quan tâm đến vấn đề này khi cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế  xét xử  tội ác chiến tranh Nam Tư  cũ (ICTY) – bà Carla Del Ponte, xuất bản cuốn sách “Săn lùng”, buộc tội Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci đã giết chết 300 người Serbia với mục đích lấy cơ quan  nội tạng của họ. Theo đó, vào năm 1999, khi còn là thủ lĩnh quân ly khai Kosovo, ông Thaci đã chỉ huy lực lượng của mình dùng xe tải chở 300 tù nhân Serbia đến Albania, cho họ ăn uống rất tốt, rồi sau đó bí mật chở họ đến các bệnh viện... Cũng trong năm 2008, cảnh sát Ấn Độ phát hiện một đường dây buôn bán nội tạng người quy mô lớn do bác sĩ Amit Kumar cầm đầu. Vụ án được khám phá khi cảnh sát đột nhập căn hộ của vị bác sĩ này tại Gurgaon, một thành phố gần New Delhi. Cảnh sát cho biết đây là đường dây chuyên mồi chài, dụ dỗ người nghèo để thuyết phục họ bán những nội tạng của mình rồi sau đó bán lại cho những người giàu có. Cảnh sát Trưởng Mahendra Lal, thành phố Gurgaon cho biết, một bác sĩ là kẻ đồng phạm đã thừa nhận tổ chức này hoạt động trong vòng 10 năm qua và con số nội tạng được buôn bán đã lên tới 500 đơn vị.

Năm 2009, dư luận Mỹ được một phen kinh hoàng khi cảnh sát phá vỡ đường dây kinh doanh nội tạng chợ đen ở New Jersey có liên quan đến các giáo sĩ Do Thái Chính Thống và viên chức dân cử. Cảnh sát đã phát hiện những quả thận được chứa trong những bồn tắm ướp đá. Trong đường dây này, các giáo sĩ Do Thái bị cáo buộc mua thận từ những người nghèo khổ ở Israel  với giá 10.000 USD sau đó bán lại cho những kẻ buôn bán nội tạng ở Mỹ với giá hơn 160.000 USD. Việc mua bán đã diễn ra trong một thập kỷ.

Vụ bắt giữ gần đây nhất liên quan đến buôn bán nội tạng xảy ra ở Trung Quốc. 3 bác sĩ đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc thực hiện cấy ghép nội tạng bất hợp pháp tại một bệnh viện tư nhân tại thành phố Bazhou, tỉnh Hà Bắc hôm 22-9.

Giải pháp

Mỗi nước đã đưa ra những giải pháp riêng để giải quyết vấn đề này. Năm 1988, Iran là quốc gia đầu tiên và duy nhất hợp pháp hóa việc bán nội tạng. Cho đến nay, chương trình đã có những thành công nhất định. “Hiện nay, Iran đã không còn danh sách những bệnh nhân phải chờ ghép thận. Hơn 50% bệnh nhân thận giai đoạn cuối trong nước đã được ghép thận”, Tiến sĩ Ahad J. Ghods cho biết trên Tạp chí y khoa của Mỹ. Bằng cách hợp pháp hóa việc buôn bán nội tạng ở người, Iran có thể điều chỉnh ngành công nghiệp này và làm cho nó an toàn hơn. Các bác sĩ được cấp phép có thể thực hiện phẫu thuật ghép nội tạng, với sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức từ thiện. Những người hiến nội tạng sẽ nhận được trung bình 1.200 USD cùng với giấy bảo hiểm y tế tạm thời của chính phủ.

Chính phủ Singapore cũng đã thảo luận việc mở cửa thị trường cho các nhà tài trợ pháp lý. Một số quan chức chính phủ đề nghị số tiền sẽ trả cho người hiến nội tạng đến 50.000 USD. Công dân Singapore cũng có quyền hiến nội tạng sau khi chết.

Hầu hết các học giả đồng ý rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn việc buôn bán nội tạng bất hợp pháp là tăng số lượng những người tự nguyện hiến nội tạng. Điều đó sẽ giúp bệnh nhân không phải trả những khoản tiền rất lớn để được ghép nội tạng cũng như được cứu sống mỗi năm. Tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện ở những nơi như Ấn Độ và Bangladesh.

Thúy Ngọc