Hai mươi năm xin trả nợ dài (*)

Thứ sáu, 20/07/2018 10:49

Đằng sau 3 ca khúc "Nhìn những mùa thu đi", "Nắng thủy tinh" và "Gọi tên bốn mùa" là người đẹp Ph.Th. Trịnh Công Sơn tâm sự, ca sĩ Hà Thanh (bạn của Trịnh Công Sơn) có đến bốn, năm người em gái nhưng mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng, ông đều biết bởi cô có một mùi hương rất đặc trưng. Người ta nói, Ph.Th là mối tình đầu của nhạc sĩ. Thế nhưng, ông chưa bao giờ tỏ tình. Và ngược lại, Ph.Th cũng không có một cử chỉ nào khiến người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh.

Tình yêu trong Trịnh Công Sơn đẹp như một bức tranh vừa vẽ xong. Mới. Tinh khôi đến ngỡ ngàng:

"Em đứng lên gọi mưa vào Hạ

Từng cơn mưa từng cơn mưa

Từng cơn mưa mưa thì thầm dưới chân ngà..."

(Gọi tên bốn mùa)

Vẻ đẹp thánh thiện của Ph.Th đã làm cho Trịnh Công Sơn mê đắm. Ông "gọi thân hao gầy, gọi buồn ngất ngây" để rồi cô đơn trong những đêm dài ở Huế:

"...Rồi mùa Xuân không về

Mùa Thu cũng ra đi

Mùa Đông vời vợi

Mùa Hạ khói mây..."

(Gọi tên bốn mùa)

Ngày vui qua đi như một trang sách. Ph.Th lập gia đình. Chồng của cô là Bộ trưởng Bộ Giáo dục của chính quyền cũ, ông mất sớm, Ph.Th cùng những đứa con định cư tại Boston (Mỹ). Năm 1962, do gặp khó khăn về kinh tế, gia đình Trịnh Công Sơn phải giã từ căn nhà ở đường Phan Bội Châu (Huế) để thuê một căn hộ ở đầu cầu Phú Cam. Hàng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh qua cầu, dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong những ngày tháng rong chơi ấy, Trịnh Công Sơn đem lòng yêu thương Ngô Vũ Bích Diễm, con gái của thầy Ngô Đốc Khánh (người Hà Nội). Diễm giống bố, dong dỏng cao, nét mặt thanh tú với những bước đi e ấp, nhẹ nhàng. Có những chiều, Trịnh Công Sơn đứng lặng im, dõi theo những bước chân âm thầm của Diễm. Ông viết: "Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...". Diễm. Tên cũng như người. Diễm yêu kiều, đa cảm như tâm hồn của Trịnh Công Sơn. Ông yêu Diễm say đắm. Những ngày không thấy Diễm, ông đau khổ vô cùng. Con đường ngang qua nhà cứ dài hun hút: "Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ /Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Ðường dài hun hút cho mắt thêm sâu..." (Diễm xưa).

Thầy Ngô Đốc Khánh, một ông giáo rất nghiêm, không thể chấp nhận đứa con gái "lá ngọc, cành vàng" của mình kết bạn với một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu... Lúc ấy, họa sĩ Đinh Cường (bạn thân của Trịnh Công Sơn) thuê nhà ở gần Diễm để làm xưởng vẽ nên Trịnh Công Sơn có điều kiện gặp gỡ người đẹp. Khi thầy Khánh không có nhà, Trịnh Công Sơn liều mình qua nói chuyện. Trong những lần ấy, có lúc Diễm tiếp, nhiều khi Diễm để người nhà tiếp. Một lần, Trịnh Công Sơn ốm nặng. Diễm biết tin nhưng không thể nào thăm được. Tình cờ có bạn gái tới chơi, Diễm rủ người ấy ra vườn rồi trốn chạy tới thăm ông. Trên đường đi, nàng ngắt vội một cành hoa. Chạy tới nhà Trịnh Công Sơn, Diễm chỉ đứng ngoài song cửa: "Anh Sơn, anh đã đỡ chưa?". Nàng đặt cành hoa bên cạnh rồi quay về.

Chỉ ngần ấy thôi mà Diễm đã giữ im lặng đến mấy chục năm sau. Năm 2010, trong một lần họp mặt các nữ sinh trường Đồng Khánh, Diễm từ Mỹ trở về, chia sẻ:"Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn. Với tôi, Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi". Khác với Ph.Th, Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình. Nhiều khi, cô cũng rung động trước tác giả của ca khúc "Ướt mi". Và tình yêu chỉ đến thế như những gì ông viết trong ca khúc "Diễm xưa". Khi Trịnh Công Sơn biết Diễm không thể nào vượt qua lễ giáo của gia đình, ông đau khổ, vùi mình trong nỗi đau, nằm nghe bước chân xa dần của người em gái trong những chiều mưa xứ Huế: "...Chiều nay còn mưa sao em không lại/Nhớ mãi trong cơn đau vùi/Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/Bước chân em xin về mau..." (Diễm xưa).

Khi Diễm vào Sài Gòn học, Trịnh Công Sơn lại rơi vào một bi kịch khác. Ngô Vũ Dao Ánh, cô em gái của Diễm, ngày càng lớn lên, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Trịnh Công Sơn lại ngẩn ngơ, mất hồn trước dáng đi khoan thai, áo lụa vàng của Dao Ánh. Khi biết chị mình đã không vượt qua được những ngăn cách, Dao Ánh đã viết thư nhờ Trịnh Vĩnh Ngân (em ruột Trịnh Công Sơn) gửi cho ông. Đó là tình cảm thân thương, vỗ về của Dao Ánh dành cho chàng trai thất tình. Trịnh Công Sơn viết thư trả lời. Từ đó, hai người thường xuyên trao đổi thư cho nhau.  Thời ấy vào khoảng năm 1963, Trịnh Công Sơn 24, còn Dao Ánh chỉ mới 15 tuổi.  Nhớ lại thời gian đó, Trịnh Vĩnh Trinh (em gái út Trịnh Công Sơn) cho biết, ba chị em (Vĩnh Ngân, Vĩnh Thúy, Vĩnh Trinh) thay phiên nhau xin anh Sơn được mang thư qua nhà chị Ánh. Tới nơi, Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây. Chị Ánh đã quen, cứ canh trời sập tối, đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không rồi lẻn ra bằng cửa hông để nhận thư và giấu vào người. Năm 1964, Trịnh Công Sơn tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn. Ông tới thị trấn B'lao (Lâm Đồng) dạy học. Những cánh thư đi, về giữa B'lao và Huế ngày càng nhiều và đầy ắp những yêu thương, nhung nhớ. Trong suốt 3 năm (1964-1967), Trịnh Công Sơn đã viết tới hơn 300 bức thư tình lãng mạn gửi Dao Ánh. Ca khúc "Ru em từng ngón xuân nồng" ra đời trong thời gian này với những giai điệu mềm mại, đầy sương khói của xứ B'Lao.

Năm 1967, Trịnh Công Sơn chính thức chia tay với Dao Ánh. Hai mươi năm sau, qua bao nhiêu dâu bể, từ bên kia đại dương, Dao Ánh trở về tìm đến Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao Ánh nói gì nhưng ca khúc "Xin trả nợ người" xem như một "sự hài lòng" của Trịnh Công Sơn:

"...Hai mươi năm xin trả nợ người/Trả nợ một thời em đã bỏ ai/Hai mươi năm xin trả nợ dài/Trả nợ một đời em đã phụ tôi..." (Xin trả nợ người).

Một lần, Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: "Ánh bảo, anh viết thật dài cho Ánh nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quãng đời dài hơn 20 năm, đi từ Huế đến Đà Lạt, về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng nước ngầm không quên lãng. Anh không thấy Ánh thay đổi gì cả, cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Sau này, họa sĩ  Đinh Cường viết, tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao Ánh về thăm suốt tuần. Sáng nào Ánh cũng đến ngồi bên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà. Và như thế, trong tình yêu với Dao Ánh, Trịnh Công Sơn phải trải qua hai mươi năm mới ''nhận'' được lời đáp. Cho dù quá muộn nhưng trên cõi đời này, mấy ai yêu và được nhận trong một khoảng cách dài lâu đến như vậy?

Văn Khoa

(*): Lời trong ca khúc "Xin trả nợ người" của Trịnh Công Sơn