Hàn Quốc lo ngại khi không thể chặn UAV Triều Tiên xâm nhập
Hàn Quốc ngày 26-12 thông báo triển khai tiêm kích, trực thăng vũ trang và cường kích hạng nhẹ để ứng phó 5 UAV Triều Tiên xâm nhập không phận, trong đó một chiếc bay tới vùng trời phía bắc thủ đô Seoul. Đây là lần đầu UAV Triều Tiên bay vào vùng trời Hàn Quốc trong 5 năm qua.
UAV bị phát hiện lần đầu tại Hàn Quốc vào lúc 10 giờ 25 (giờ địa phương), khi đang ở bay phía trên tỉnh Gimpo. UAV đã bay qua nhiều thành phố của Hàn Quốc gồm thủ đô Seoul. Quân đội Hàn Quốc đã bắn cảnh cáo và nã khoảng 100 viên đạn từ một trực thăng được trang bị súng máy nhưng không hạ được chiếc UAV nào. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận một chiến đấu cơ KA-1 của Hàn Quốc đã bị tai nạn sau khi rời căn cứ Wonju ở miền Bắc để đánh chặn UAV Triều Tiên. Hai phi công đã kịp thoát hiểm trước khi máy bay rơi. Trong khi đó, toàn bộ UAV được cho là đã quay về vùng trời Triều Tiên sau 7 giờ hiện diện trên không phận Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đã không có động thái quyết liệt vì lo ngại cho an toàn của dân thường. Tuy nhiên, việc thất bại trong bắn hạ 5 UAV Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Cha Du-hyeogn - một nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở ở Seoul nhận định: "Sự cố trên cho thấy quân đội Hàn Quốc bị bất ngờ và bộc lộ sự non yếu trong phản ứng. Họ sẽ cần kiểm tra khả năng gây nhiễu GPS và các hệ thống phản ứng tổng thể".
Vụ việc đã khiến quân đội Hàn Quốc bị Tổng thống Yoon Suk-yeol chỉ trích. Ngày 27-12, Tổng thống Yoon bày tỏ lo ngại về việc quân đội không có khả năng hạ gục máy bay không người lái vào thời điểm nước này đang tìm cách chống các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên. "Vụ việc cho thấy quân đội chúng ta thiếu chuẩn bị và huấn luyện nghiêm trọng trong vài năm qua và cho thấy rõ ràng là cần phải sẵn sàng, huấn luyện mạnh mẽ hơn", ông Yoon nói trong cuộc họp nội các. Ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: "Tôi tin rằng mọi người đã thấy rõ mối nguy hiểm từ chính sách dựa vào ý định tốt và các thỏa thuận quân sự của Triều Tiên. Chúng ta đã lên kế hoạch thành lập một đơn vị UAV để thực hiện các hoạt động giám sát và trinh sát đối với các cơ sở quân sự quan trọng của Triều Tiên, nhưng sau sự cố ngày 26-12, chúng ta sẽ đẩy nhanh tối đa việc thành lập đơn vị này". Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng lấy làm tiếc trước việc Quốc hội Hàn Quốc cắt giảm 50% ngân sách đề xuất của chính phủ cho các hoạt động chống UAV vào năm tới, khẳng định sẽ cố gắng thuyết phục quốc hội tăng ngân sách.
Ngày 28-12, trong một phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã xin lỗi về một chiến dịch quân sự thất bại nhằm bắn hạ UAV của Triều Tiên xâm phạm không phận. Vụ xâm nhập bằng UAV của Triều Tiên đã đặt nghi vấn về sự sẵn sàng của quân đội Hàn Quốc trước các hành động khiêu khích tiềm tàng bằng UAV và buộc Seoul triển khai các biện pháp phòng thủ, bao gồm cả kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chống UAV vào ngày 29-12. Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban quốc phòng Quốc hội, ông Lee Jong-sup bày tỏ: "Tôi muốn xin lỗi người dân về kết quả của hoạt động được tiến hành để đáp trả hành động khiêu khích bằng UAV của Triều Tiên". Ông đồng thời bác bỏ đồn đoán trên truyền thông rằng một trong năm UAV có thể đã bay đến quận trung tâm Yongsan của Seoul, nơi có văn phòng Tổng thống.
Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc báo cáo với ủy ban một loạt biện pháp đối phó với các mối đe dọa từ UAV của Triều Tiên, trong đó có kế hoạch tiến hành tập trận chống UAV chung, với sự tham gia của nhiều đơn vị vũ trang, vào ngày 29-12. Đó là một phần trong nỗ lực tiến hành huấn luyện "thực tế" có tính đến các kịch bản bị khiêu khích liên quan đến UAV cỡ nhỏ.
Hàn Quốc dự định tăng chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới Ngày 28-12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng trung bình hàng năm là 6,8% trong 5 năm tới, với trọng tâm là đảm bảo khả năng "áp đảo" để chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên. Bộ trên đã công bố kế hoạch chi tiết quốc phòng trung hạn đầu tiên dưới thời chính quyền bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đưa ra vào tháng 5, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng do các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tuần trước và các vụ xâm nhập bằng máy bay không người lái qua biên giới liên Triều trong tuần này. Kế hoạch chi tiết cho giai đoạn 2023-2027 đề cập đến các kế hoạch tăng cường quốc phòng khác nhau, bao gồm đảm bảo có thêm nhiều tàu ngầm hạng trung được trang bị tên lửa đạn đạo, bổ sung máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa đất đối đất chiến thuật tiên tiến. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hy vọng sẽ chi 331,4 nghìn tỷ won (261 tỷ USD) trong thời gian 5 năm, trong đó 107,4 nghìn tỷ won để cải thiện khả năng phòng thủ và 224 nghìn tỷ won để quản lý quân đội, thiết bị và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu quốc phòng này cần được quốc hội thông qua. |
AN BÌNH