Hàn Quốc quy định phạt tù người tự ý rời điểm cách ly tại nhà
Sau hơn một tháng, Seoul - nơi từng là “tâm chấn" của đợt dịch Covid-19 thứ 3 tại Hàn Quốc - dần kiểm soát được tình hình nhờ biện pháp xét nghiệm, truy vết và cách ly hiệu quả.
Sau khi khống chế được 2 đợt dịch Covid-19, Hàn Quốc từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tôn vinh là một trong những hình mẫu hiếm hoi kiểm soát thành công dịch bệnh.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, thành công ban đầu đã biến mất. Hàn Quốc đứng trước bờ vực mất kiểm soát với số ca mắc gia tăng đột biến vào tháng 12/2020.
Seoul được ghi nhận là khu vực có số ca nhiễm bệnh cao nhất cả nước trong làn sóng dịch này.
Ngày 4/12/2020, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết trong 600 trường hợp mắc Covid-19, gần 80% sinh sống ở các khu vực đông dân cư tại Seoul - trung tâm của đợt bùng phát, Channel NewsAsia đưa tin.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2020, số ca mắc tại thành phố Seoul lên đến hơn 10.200 ca, theo số liệu từ Korean Statistical Information Service (KOSIS).
Sau hơn 30 ngày, Hàn Quốc đã dần vượt qua đỉnh dịch. Tại Seoul, số ca mắc trong một tháng sau đó đã giảm gần một nửa.
Mặc dù chưa thể dập tắt dịch hoàn toàn, nhưng giới chức địa phương đã cố gắng giữ cho trường hợp nhiễm luôn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát.
Chìa khóa chống đợt dịch thứ 3 tại Hàn Quốc nói chung và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Seoul, nói riêng nằm ở chiến lược xét nghiệm tích cực, cách ly F1 tại nhà và truy vết “thần tốc" nhờ các ứng dụng công nghệ.
Đồ họa: Lê Ý. |
Địa điểm xét nghiệm ở mọi nơi
Theo Health Affair, ngay từ khi dịch bùng phát, Hàn Quốc đã thiết lập nhiều cơ sở xét nghiệm với công suất cao, đồng thời hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để đảm bảo nhanh chóng phát hiện các ca mắc.
Theo TBS News, trong làn sóng dịch thứ 3, giới chức Seoul đã mở các điểm xét nghiệm lưu động để tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ nhóm đối tượng có rủi ro lây nhiễm cao.
Họ là nhân viên giao hàng, người làm việc trong các nhà hàng ăn uống, cơ sở tôn giáo, nhà dưỡng lão, và những người làm công việc thiết yếu khác như tài xế xe buýt, lái tàu điện ngầm.
Thời gian mở cửa trạm xét nghiệm lưu động tại các trung tâm y tế công cộng trên địa bàn thành phố kéo dài từ 9h đến 21h (ngày thường) và tới 18h các ngày cuối tuần.
Theo ước tính, ít nhất 56 địa điểm tập trung đông người, như ga Seoul, ga Yongsan, được cơ quan y tế thành phố Seoul bố trí trạm xét nghiệm lưu động tạm thời.
Trong đó, một số địa điểm đã được thiết lập tại Trung tâm giao hàng Seoul, khu Songpa cho hơn 8.000 nhân viên giao hàng, những người được cho là có nguy cơ mắc Covid-19 cao.
Hôm 17/12/2020, khu vực quảng trường Seoul cũng được lắp đặt thêm trạm lưu động để nhân viên và những người ra vào tòa thị chính có thể được xét nghiệm dễ dàng và thuận tiện.
Một số trạm xét nghiệm được thiết lập theo mô hình đặc biệt ngay trên xe (drive-through). Người dân không cần rời khỏi xe mà chỉ cần lái xe vào khu vực lấy mẫu thử, rồi mới mở cửa kính để nhân viên y tế tiến hành công việc.
Trạm xét nghiệm được thiết lập theo mô hình đặc biệt ngay trên xe (drive-through). Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo nghiên cứu được đăng tại Exemplars in Global Health, các trạm xét nghiệm drive-through đã thu thập số lượng mẫu nhiều gấp 3 lần so với trung tâm thông thường.
Bên cạnh đó, các cơ sở xét nghiệm theo kiểu bốt điện thoại (walk-through) cũng được thiết lập.
'Theo AFP, các buồng xét nghiệm được thiết kế phía bên ngoài bệnh viện H Plus Yangji ở Seoul, sử dụng áp lực âm để ngăn chặn các phân tử có hại phát tán ra ngoài.
Mỗi người dân bước vào trong buồng sẽ được một nhân viên y tế tư vấn tình trạng sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm thông qua đôi găng tay cao su dài gắn sẵn trong buồng.
Phạt tù người tự ý bỏ điểm cách ly
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, những người tiếp xúc gần không có triệu chứng sẽ được yêu cầu tự cách ly, thường là tại nhà.
Nếu không có nơi lưu trú, chính quyền sẽ thu xếp họ đến cơ sở cách ly hoặc bệnh viện thích hợp.
Tại Seoul, các trường hợp tự cách ly sẽ được giám sát bởi một nhân viên y tế thông qua ứng dụng có tên “Bảo vệ an toàn người cách ly".
Ứng dụng này sử dụng công nghệ định vị GPS để đưa ra cảnh báo khi người đang phải cách ly rời khỏi khu vực cho phép.
Những người này có thể phải nộp tiền phạt hơn 8.000 USD hoặc bị phạt tù một năm trở xuống, theo báo cáo của chính quyền thành phố Seoul.
Ngày 27/5, một người đàn ông bị kết án 5 tháng tù giam do vi phạm quy định tự cách ly. Đây là bản án tù đầu tiên đối với hành vi sai phạm này kể từ khi Hàn Quốc siết chặt quy định phòng chống dịch, theo Korea Herald.
Người vi phạm sống ở Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi. Ông này tự ý rời khỏi nhà vào ngày 14/4 - chỉ hai ngày trước khi thời hạn tự cách ly kết thúc - để tới một tiệm xông hơn và cửa hàng tiện lợi.
Đối với những chỉ trích hệ thống theo dõi có thể xâm phạm quyền riêng tư, nhà chức trách cho biết họ sẽ không bắt buộc cài đặt ứng dụng.
Thay vào đó, hệ thống giám sát thông qua các cuộc gọi điện truyền thống sẽ được duy trì.
Nhân viên y tế sẽ kiểm tra 2 lần mỗi ngày bằng cách liên lạc qua điện thoại, để xem người tự cách ly có bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào không. Nếu có, các nhóm xét nghiệm lưu động sẽ tới lấy mẫu.
Hình ảnh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại tòa thị chính Seoul. Ảnh: AFP. |
Ứng dụng công nghệ truy vết
Rút ra bài học kinh nghiệm từ dịch MERS (Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông) năm 2015, luật y tế công cộng của Hàn Quốc đã được sửa đổi để cho phép lấy dữ liệu từ điện thoại di động, thẻ tín dụng và các nguồn khác "nếu cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh nhiễm truyền nhiễm", theo Bloomberg,
Điều này đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch của Hàn Quốc so với các quốc gia khác.
Để nhanh chóng đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, nước này đã sử dụng công nghệ để truy vết liên lạc.
Tại Seoul, những người dương tính với virus corona được yêu cầu khai báo mọi hoạt động di chuyển gần thời điểm đó, kết hợp với các hình ảnh giám sát của camera an ninh và giao dịch thẻ tín dụng.
Những thông tin này cho phép Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đưa ra cảnh báo ngay lập tức về nơi người nhiễm bệnh từng có mặt trước khi họ được chẩn đoán nhiễm Covid-19.
Thông tin về những nơi bệnh nhân đến cũng sẽ được công khai trên các trang web.
Cụ thể, trang web nổi tiếng Corona Map đã cung cấp vị trí chính xác của mọi cửa hàng, nhà hàng và thậm chí cả phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ mà bệnh nhân ghé thăm.
Đối với một số quốc gia đặt quyền riêng tư cá nhân lên hàng đầu, điều này có thể bất khả thi. Thay vì sử dụng định vị, nhân viên y tế chỉ nói chuyện với người bệnh để lập ra danh sách người mà họ tiếp xúc.
Tuy nhiên, hệ thống này chỉ hiệu quả khi bệnh nhân khai báo thành thật. Và khi việc truy tìm không đầy đủ, những vụ bùng phát nhỏ có thể dễ dàng trở thành cuộc khủng hoảng quốc gia.
Nhân viên dịch tễ tại khu phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Vì vậy, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, một số người dân sẵn sàng chấp nhận điều này.
“Hầu hết người Hàn Quốc sẵn sàng thỏa hiệp quyền riêng tư vì mạng sống của họ", ông Kelly Kim thuộc tổ chức phi chính chủ Open Net Korea cho biết. “Họ hiểu rằng bằng cách từ bỏ một số quyền riêng tư, họ có thể bảo vệ những người thân yêu của mình”.
Theo Zing News