Hàng chục hộ dân bị “tra tấn” vì trại lợn không phép xả thải trực tiếp ra môi trường

Thứ năm, 06/06/2024 15:25

Những ngày cuối tháng 5- 2024, giữa cái oi nồng của ngày nắng hạ, chúng tôi có mặt tại thôn Hội Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)- nơi mà hơn 20 hộ dân nơi đây đang bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối từ việc xả thải từ trại nuôi lợn do ông Trần Hữu Tình làm chủ. Theo phản ánh của những người dân nơi đây, trại lợn của ông Trần Hữu Tình thường xuyên xả thải trực tiếp không qua xử lý ra môi trường, gây mùi hôi thối, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Ống xả thải từ trại lợn ra bên ngoài môi trường tự nhiên.
Toàn cảnh trại lợn của anh Trần Hữu Tình ở thôn Hội Sơn, xã Kim Hoa.

Tiếp cận trại lợn này, cổng bên ngoài được đóng kín. Tuy nhiên, từ bên trong, tiếng vòi nước xịt rửa chuồng lợn và dòng nước thải màu vàng đục từ một miệng cống được che giấu dưới lớp bụi cây gai chảy róc rách ra bên ngoài, theo dòng ra bờ mương được che kín đầy cỏ. Theo quan sát tại hiện trường, bên ngoài trại lợn có 3 cái ao chứa nước, nhưng dòng nước thải từ trại lợn lại không chảy vào ao mà xuống một con mương nhỏ, rồi chảy dọc ra cánh đồng.

Bức xúc trước sự việc chủ trại lợn xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, nhiều người dân thôn Hội Sơn cho biết:“Trại của anh Tình trước đây là nuôi bò nhưng không hiệu quả nên mấy năm nay chuyển qua nuôi lợn. Có những lúc đỉnh điểm anh ấy nuôi hàng chục con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt. Về thủ tục pháp lý thì chúng tôi không quan tâm, nhưng trại lợn này lâu nay cứ xả thải trực tiếp ra môi trường, khiến mùi hôi thối bốc lên làm chúng tôi không thở nỗi. Cử tri đã nhiều lần phản ánh, chính quyền có tới làm việc, sau đó thì đâu lại vào đấy, không giải quyết được vấn đề gì cả”.

Con mương chứa nước thải chảy ra cánh đồng.

Điều đáng nói, dòng nước thải chảy xuống con mương phía dưới rồi dẫn ra cánh đồng mà người dân sản xuất lúa. "Chúng tôi đã phản ánh sự việc lên UBND xã; mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh, nhưng sự việc vẫn kéo dài không được xử lý dứt điểm. Mỗi lần mưa to nước phân lợn trong mương tràn ra đồng lúa, khiến lúa bị bộp rất nhiều"- một người dân bức xúc cho biết thêm.

Mang theo tâm tư của người dân thôn Hội Sơn gõ cửa chính quyền xã Kim Hoa, ông Đoàn Quốc Lĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sự việc người dân phản ánh là đúng. Anh Trần Hữu Tình trước đây là cán bộ công chức, nhưng sau đó nghỉ việc về mở trang trại chăn nuôi bò. Sau đó, mô hình nuôi bò không hiệu quả nên chuyển qua nuôi lợn. Tôi khẳng định hiện tại trại lợn của anh Tình cho tới thời điểm này chưa có bất cứ hồ sơ pháp lý gì cả; cũng khẳng định là không ai cấp phép làm trang trại chăn nuôi lợn ở đó cả". Ông Lĩnh cho biết thêm, vào tháng 8- 2023, UBND xã có nhận được phản ánh từ người dân nên đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản sự việc. Khi kiểm tra, trại nuôi gần 50 con lợn nái, 120 con lợn thịt.

“Chúng tôi yêu cầu gia đình phải chấm dứt ngay việc xả thải trực tiếp ra môi trường, và giảm đàn về mô hình chăn nuôi hộ gia đình"- ông Lĩnh cho hay.Tuy nhiên, dù ký vào biên bản kiểm tra và cam kết khắc phục, không xả thải ra môi trường nữa, nhưng trên thực tế chủ trang trại lợn này vẫn bất chấp, ngang nhiên xả thải ra môi trường. Trước sự việc trên, tháng 10- 2023 UBND xã Kim Hoa lại tiếp tục lập đoàn xuống kiểm tra lần thứ 2, cũng đã lập biên bản yêu cầu anh Trần Hữu Tình chấm dứt việc xả thải ra môi trường, đào ao, lót bạt, làm bể bioga để xử lý chất thải, và giảm đàn về quy mô nông hộ. Thế nhưng, cho tới tận bây giờ sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến bức xúc trong bà con nhân dân ngày càng lớn.

Ống xả thải từ trại lợn ra bên ngoài môi trường tự nhiên.

Tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hương Sơn đã cử cán bộ về tận trang trại lợn của anh Trần Hữu Tình để kiểm tra. Anh Bùi Đình Tâm- chuyên viên Phòng TN&MT cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo Phòng có cử tôi xuống kiểm tra, trên thực tế thì đúng như người dân phản ánh. Bằng mắt thường quan sát, có thể chưa chính xác nhưng cả lợn thịt và lợn nái khoảng 170 con. Họ nói có hố biogas ngầm nhưng tôi không biết như thế nào bên dưới cả, mà nếu có thì cũng đã quá tải. Chúng tôi yêu cầu UBND xã Kim Hoa vào cuộc triệt để, kiểm tra và xử lý nghiêm. Làm báo cáo gửi lên huyện nếu xã không xử lý dứt điểm được Vì việc này đang nằm trong thẩm quyền xử lý của xã- P.V). Về việc xả thải ra môi trường thì tuỳ theo mức độ mà các cơ quan khác vào cuộc xử phạt. Yêu cầu giảm đàn về mô hình nông hộ, đình chỉ đến khi các bước đảm bảo yêu cầu, cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý môi trường phải đảm bảo, mới cho nuôi lại".

Trước tình trạng các nguồn thải từ trang trại nuôi lợn trên địa bàn có nguy cơ gây xả thải trực tiếp ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đề nghị UBND xã Kim Hoa, UBND huyện Hương Sơn cần tăng cường giám sát, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về việc tuân thủ các quy định về môi trường trong hoạt động chăn nuôi của các hộ sản xuất trong khu vực.

X.Sơn

Sớm di dời xí nghiệp chế biến gỗ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Bức xúc việc Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ (XN LĐS Tam Kỳ) hoạt động phát sinh mùi hôi hóa chất, người dân tổ 7 (khối phố Xuân Nam, phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) phản ánh đến các cơ quan báo chí và chính quyền địa phương.

Phạt 2 doanh nghiệp khai thác quặng thiếc xả thải trực tiếp ra môi trường

Ngày 10-1, UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho hay, sau khi bắt quả tang 2 doanh nghiệp khai thác quặng thiếc xả thải trực tiếp ra sông Nậm Tôn, địa phương đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 420 triệu đồng.