Hơn 5ha rừng chết ảnh hưởng đến sinh kế hàng trăm hộ dân
Đi dọc sông Trường Giang, từ thôn Đông Xuân đến thôn Đông Bình (xã Tam Giang) gần 3km, chúng tôi nhận thấy nhiều diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh bị chết khô. Lượng lớn rác thải sinh hoạt từ ngoài biển theo thủy triều tấp vào phủ đầy gốc và thân cây bốc mùi hôi thối. Khu rừng ngập mặn đa dạng các loại cây như bần, đước, mắm… này có tuổi đời hàng trăm năm, giữ vai trò như lá phổi xanh ở khu vực phía Nam tỉnh Quảng Nam. Không những vậy, khu rừng cây còn là nơi cư trú của nhiều loại cá, tôm, cua, tạo nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, sau đợt bão cuối năm 2020, nhiều diện tích rừng bị rụng lá chết dần ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân nơi đây.
Cặm cụi mò bắt cá tại khu rừng, bà Trần Thị Cúc (60 tuổi) chia sẻ: “Gia đình tôi sinh sống ở đây đã lâu, khu rừng ngập mặn là bãi đẻ của nhiều loài cá, tôm, cua. Cuộc sống của gia đình tôi phụ thuộc vào việc đánh bắt cá, tôm, cua, mỗi ngày thu nhập 400 - 600.000 đồng. Cách đây 3 năm, do ảnh hưởng bão và môi trường nước bị ô nhiễm khiến khu rừng ngập mặn chết khô. Mất nơi cư trú, tôm cá cũng ít dần, người dân ở đây chỉ đánh bắt đủ ăn, nếu bán thì khoảng 100.000 đồng. Do đó, nhiều người đành bán ghe thuyền chuyển đổi nghề khác trang trải cuộc sống. Tôi đã có tuổi nên vẫn bám nghề đánh bắt kiếm ít tiền đủ trang trải cuộc sống hằng ngày”.
Chứng kiến khu rừng ngập mặn ngày càng nghèo đi, ông Trần Văn Hùng (45 tuổi, thôn Đông Bình) đau xót tâm sự: “Khu rừng ngập mặn này là nơi mưu sinh của hàng trăm người dân, nhưng nay bị chết trên diện rộng, cá tôm cũng ít dần. Thời gian trước, mỗi ngày tôi đánh bắt cá, tôm được vài trăm ngàn trang trải cuộc sống gia đình, lo con cái ăn học. Còn 3 năm gần đây, lượng cá, tôm ít nên cuộc sống rất vất vả. Người dân ở đây mong chính quyền địa phương có biện pháp phục hồi khu rừng để bảo vệ đa dạng sinh học, tái tạo nguồn sinh kế cho bà con nơi đây”.
Theo người dân, ngoài việc tạo sinh kế, khu rừng ngập mặn ở xã Tam Giang còn là nơi neo đậu tàu thuyền của bà con vào mùa mưa bão. Không còn rừng cây chắn sóng, chắn gió nên mỗi khi thiên tai xảy ra, ngư dân lại gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm an toàn để ghe thuyền trú ẩn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng thôn Đông Bình cho biết, toàn thôn có hơn 300 hộ dân, phần lớn đều làm nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Mấy năm gần đây, cây xanh ở rừng ngập mặn bị chết không rõ nguyên nhân khiến sản lượng hải sản đánh bắt giảm đáng kể, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân, chính quyền thôn đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Theo chính quyền xã Tam Giang, địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn của tỉnh Quảng Nam với khoảng 25ha. Thống kê từ năm 2021 đến nay, tổng diện tích cây rừng ngập mặn bị chết hoàn toàn, không thể tái sinh khoảng 5ha. Việc phục hồi rừng ngập mặn ở địa phương là rất cần thiết. Do đó, địa phương mong muốn UBND tỉnh, các ngành chức năng sớm có giải pháp phục hồi lại rừng ngập mặn, tái tạo hệ sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho bà con nơi đây.
Liên quan đến vụ việc 5ha rừng ngập mặn bị chết, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, đồng thời mời các đơn vị chuyên môn kiểm tra, phân tích, đánh giá rừng ngập mặn bị chết trên góc độ khoa học để xác định nguyên nhân và đưa ra phương án phục hồi hiệu quả.
Quỳnh Trang