Hàng hóa dồi dào, tiểu thương sốt ruột chờ sức mua đột phá
Tiểu thương “sốt ruột”
Những năm trước, từ đầu tháng Chạp là thời điểm hoạt động mua bán ở các chợ truyền thống như chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu), chợ Đống Đa (Q. Hải Châu), chợ Phú Lộc (Q. Thanh Khê), chợ Cẩm Lệ… diễn ra sôi động. Tuy nhiên, nay đã cận kề tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 mà lượng khách đến mua hàng vẫn còn lác đác, chưa có đột phá so với ngày thường.
Bà Trinh, chủ sạp bánh kẹo Tâm Trinh tại chợ Hoà Khánh cho biết, bà buôn bán ở đây đã được hơn 20 năm nhưng chưa có năm nào tình hình mua sắm lại trầm lắng như vậy. Các mặt hàng bánh kẹo Tết đã được nhập từ tháng 12-2023 để đảm bảo cung cấp cho người dân nhưng đến nay sức mua rất thấp. “Hi vọng từ sau ngày 20 tháng Chạp, khi được nghỉ tết mọi người sẽ mua sắm nhiều hơn chứ như thế này thì rất ế ẩm”, bà Trinh cho biết. Bên cạnh việc bán tại chợ, ông Tuấn Vi (43 tuổi) còn kết hợp với các hình thức livestream trên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận thêm các nguồn khách mua qua mạng xã hội. “Mọi năm vào thời điểm này, khách đến mua tấp nập không có thời gian nghỉ. Vậy mà năm nay hàng hóa bán rất chậm”, ông Vi chia sẻ.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Trường Vy, chủ sạp quần áo lớn nhất tại tầng 2 chợ Phú Lộc cho biết, mọi năm vào thời điểm này, người mua tấp nập không có giờ nghỉ trưa. 14 năm gắn bó với chợ, năm nào không “thắng lớn” thì cũng đủ xoay vòng vốn và sắm sửa tết chứ chưa bao giờ thấy cảnh vắng vẻ như năm nay. Kể cả 2 năm sau dịch Covid-19, dù khó khăn nhưng sức mua cũng rất ấm, không hiểu sao giờ chỉ còn hơn chục này nữa là tết mà mỗi buổi sáng chỉ có mấy người đến xem hàng. “Vốn liếng nhập về cả trăm triệu giờ bà con như ngồi trên đống lửa. Mọi năm bán 10 chứ hiện nay còn chưa được 2. Hy vọng qua ngày 20 tháng Chạp sức mua đột phá chứ cứ èo uột thế này thì tết kém vui”, chị Trường Vy cho biết.
Tại khu chợ Đống Đa, các tiểu thương đã nhập rất nhiều các mặt hàng mới để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Lượng khách đến chợ có nhỉnh hơn so với ngày thường nhưng thưa thớt hơn so với các năm trước đây. Nhiều gian hàng đóng kín cửa, treo bảng sang nhượng ki ốt, tiểu thương “nghỉ chợ” vì tình trạng ế ẩm kéo dài.
Tại ngôi chợ lớn nhất nhì của Đà Nẵng là chợ Cồn, các mặt hàng thiết yếu đã được tiểu thương nhập về với số lượng lớn, mẫu mã phong phú nhưng không khí mua sắm vẫn chưa khác ngày thường là mấy. Trưởng Ban quản lý chợ Cồn Phan Thành Thoại cho hay, đến thời điểm hiện tại, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đều tăng số lượng hàng hóa, giá cả được giữ ổn định. Các sản phẩm đồ khô, bánh, mứt được bày bán với rất nhiều chủng loại. Thực phẩm tươi sống được tiểu thương nhập từ Cảng cá Thọ Quang, lò mổ Đà Sơn nên không lo thiếu hụt, chất lượng cũng được cơ quan chức năng giám sát, quản lý chặt theo quy định. “Nguồn hàng rất dồi dào nhưng người mua vẫn chưa nhiều. Tiểu thương thông tin là phần lớn khách ghé quầy là để tham khảo giá, kể cả những mặt hàng thiết yếu như áo quần, giày dép. Còn thực phẩm tươi sống thì xu hướng mua ăn trong ngày là nhiều chứ người dân không còn mua dự trữ số lượng lớn”, ông Thoại cho biết.
Đảm bảo hàng hóa đủ cung ứng, giá ổn định
Từ đầu tháng Chạp, các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị… đã dự trữ hàng hóa với số lượng lớn, đa dạng và phong phú chủng loại, không có biến động lớn về giá cả. Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố như Go!, Vincom Plaza, MM Mega Market Co.opmart, Lotte… đã khởi động chương trình Tết với các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, đồ gia dụng, đồ trang trí Tết… Nhằm kích cầu tiêu dùng, các đơn vị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm quà tặng khi mua một số mặt hàng. Những chương trình này được kéo dài đến Tết Nguyên đán nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người mua sắm Tết. Một số siêu thị tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng với những giải thưởng giá trị.
Theo ghi nhận, trong những ngày qua lượng người đến siêu thị mua sắm có xu hướng tăng. Nguyên nhân chính là nhiều gia đình tranh thủ mua sắm vào ngày nghỉ hoặc buổi tối kết hợp “check-in” tại các khu vực được trang trí khung cảnh, không khí Tết cổ truyền. Anh Nguyễn Tuấn Anh (trú P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê) tranh thủ buổi tối đưa cả gia đình đi mua sắm kết hợp vui chơi tại siêu thị Co.opmart vừa gần lại vừa tiện. “Đi siêu thị thì đỡ phải chen lấn hay trả giá. Mình có thể đi buổi tối hoặc vào ngày nghỉ đều được. Càng ngày việc sắm tết càng đơn giản hơn, chủ yếu là những thứ cần thiết chứ không phải mua ôm đồm kiểu tay xách nách mang như ngày xưa”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng, kinh doanh gia súc gia cầm trên đại bàn thành phố đã chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng hóa dồi dào với tổng trị giá hơn 2.580 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Các loại hàng hóa thiết yếu gồm hơn 68 tấn gạo, 185 tấn thịt, 423 tấn thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, 18 tấn thực phẩm khô,1.223 tấn bánh kẹo, mứt, hạt dưa và hơn 1.313 tấn rau củ quả các loại. Các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm với giá trị dự trữ khoảng gần 1.015 tỷ đồng. Các thương nhân kinh doanh tại 4 chợ lớn thuộc Sở Công Thương quản lý như: Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường và các chợ trên địa bàn thành phố tham gia dự trữ với giá trị ước khoảng 750 tỷ đồng.
Theo bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, Sở sẽ thành lập các tổ theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong, sau Tết và giám sát việc bán hàng bình ổn Tết Nguyên đán 2024. Cùng với đó, phối hợp Ban An toàn thực phẩm thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng Tết. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái quy định cũng như kinh doanh hàng hoá không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Bảo Nam – Kiều Oanh