Hàng lưu niệm truyền thống bị thất sủng!

Thứ năm, 19/03/2015 08:31

(Cadn.com.vn) - Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, tham quan du lịch với các làng nghề nổi tiếng nhưng những năm trở lại đây quy mô của các làng nghề Quảng Nam lại tỉ lệ nghịch với sự phát triển du lịch. Du khách đến đây chủ yếu để nghỉ dưỡng chứ không còn mặn mà đến nét đẹp trăm năm tuổi của các làng nghề. Không khó để phát hiện ra những mặt hàng truyền thống do người dân bản địa sản xuất đang dần bị lép vế.

Hàng Trung Quốc... lên ngôi!

Những năm gần đây, du lịch của Quảng Nam rất phát triển tuy nhiên các làng nghề lại không nằm trong xu thế đó mà càng bị thu hẹp. Hội An nổi tiếng là thiên đường mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ. Nơi đây được bầu chọn là một trong những địa điểm yêu thích của du khách vì có những thức quà lưu niệm độc đáo. Du khách đến với Hội An như bị ngập tràn trước muôn vàn sản phẩm xinh xắn mà giá cả phải chăng thích hợp để làm quà. Từ chiếc vòng ngọc đến túi xách, đồ gia dụng tái chế từ quả dừa đều tinh xảo, bắt mắt. Thế nhưng ít ai biết được rằng 80% những sản phẩm bày bán ở đây lại không phải là mặt hàng lưu niệm truyền thống của Hội An mà là hàng Trung Quốc đội lốt. Chỉ cần in hình chùa Cầu, nhà cổ lên sản phẩm là nhiều người lầm tưởng đây là hàng truyền thống. Vô hình chung đến Hội An nhưng lại mua hàng Trung Quốc về kỷ niệm!

Đồ trang sức Trung Quốc tràn lan tại Hội An.

Khu vực chợ đêm Nguyễn Hoàng (gần cầu An Hội) là nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm nhất. Dạo quanh một lượt thấy các mặt hàng như gáo dừa, túi xách, trang sức là nhộn nhịp và đông khách nhất. Trong khi đó những cụ bà bán tò he, bùng binh thì lặng lẽ ngồi bên vỉa hè. Một cụ bà cho tôi hay: "Tò he là sản phẩm của làng gốm Thanh Hà có từ lâu lắm rồi. Ngày xưa con nít nó thích lắm nhưng bây giờ đồ điện tử nhiều lại đẹp nên buôn bán ế ẩm, họa hoằn lắm mới bán được 1 con". 10 nghìn được 3 con tò he, mua nhiều thì bớt. Rẻ vậy nhưng chiếc mẹt đựng chừng 20 con tò he của bà cả buổi vẫn không bán được 5 con.

Đối lập lại khung cảnh đó là quầy hàng mô hình 3D tấp nập khách ra vào. Rồi đến những chiếc túi xách được tết từ quả dừa cũng nhiều người mua. Lạc lõng giữa muôn vàn sắc màu ấy không chỉ riêng sản phẩm gốm mà cả lồng đèn, gỗ Kim Bồng cũng đang chịu chung cảnh bị... thất sủng khi các mặt hàng Trung Quốc đa dạng về mẫu mã lên ngôi.

Đìu hiu làng nghề

Tại khu mua sắm đã ế ẩm thì tại làng nghề không khí càng vắng lặng hơn. Mặc dù chính quyền TP Hội An đang nỗ lực đưa làng nghề vào khai thác du lịch nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. Đang nặn dở chiếc bình gốm bà Nguyễn Thị Hồng (nghệ nhân làng gốm Thanh Hà) thở dài: "Cả làng nghề bây chừ còn có vài ba hộ làm gốm bởi sản phẩm làm ra không bán được thì biết làm reng? Chừ ngồi đây làm để khách đi xem kiếm ít đồng từ bán vé tham quan thôi chứ còn mua bán sản phẩm thì ế lắm". Chị Hồng cho biết sản phẩm thủ công của Trung Quốc đa dạng và phong phú mẫu mã màu sắc hơn hàng truyền thống. Tuy nhiên những nghệ nhân làng nghề vẫn bám trụ làm các sản phẩm theo mẫu mã bao đời nay để lại nếu không làng gốm sẽ mất chất. "Nếu mình cũng chạy theo thị trường, cũng làm màu cho sản phẩm thì cái chất gốm Thanh Hà sẽ không còn nữa. Đặc điểm của gốm Thanh Hà là làm bằng tay và tạo màu sắc tự nhiên qua cách nung. Thị hiếu của con người thì có thể thay đổi nhưng dấu ấn của làng nghề thì phải giữ lại", chị Hồng cho biết.

Còn tại làng nghề mộc Kim Bồng cũng ngán ngẩm không kém. Gia đình chị Hoàng Thị Ly chuyên nạm vỏ ốc vào các sản phẩm mộc nhưng giờ đây mặt hàng lưu niệm này cũng chỉ để trưng bày và làm theo đơn đặt hàng là chủ yếu. "Hiện nay, các loại móc khóa, tượng để bàn bằng gỗ bày bán tại Hội An cũng là hàng ngoại lai chứ rất ít sản phẩm của làng nghề. Trước thực tế như vậy những người như chúng tôi cũng rất khó giữ lửa làng nghề".

Trước những khó khăn như vậy TP Hội An đã liên tục tổ chức những lễ hội làng nghề để quảng bá thương hiệu đến với du khách. Ông Trương Văn Bay (Phó Chủ tịch UBND TP Hội An) cho biết: "Củng cố các hoạt động du lịch làng nghề là ưu tiên số một của TP trong năm 2015. Để sản phẩm đến với du khách cần xây dựng lại mô hình tổ chức quản lý làng nghề sao cho có sản phẩm đặc trưng. Cái chính là để du khách khi về vẫn nhớ được Hội An có những gì. Đầu tư vào sản phẩm chính là đầu tư cho du lịch". Thiết nghĩ không chỉ riêng Hội An mà cả Quảng Nam vốn có ưu thế về làng nghề với những người thợ sáng tạo khéo tay. Làm gì để vực dậy văn hóa từ trong sản phẩm, để du khách biết đến những nét đặc trưng nhất của mỗi vùng đất đi qua là vấn đề cần có sự quan tâm, sâu sát hơn nữa.

Đồng Dao