Hàng nghìn người dân Đà Nẵng phải sơ tán tránh lụt

Thứ hai, 16/10/2023 06:50
Đợt mưa lớn từ ngày 13 đến 15-10 làm nhiều khu vực trung tâm TP Đà Nẵng và vùng ven ngập sâu từ 50cm đến hơn 1m. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã sơ tán hàng nghìn người để tránh lụt.
Nhiều tuyến phố nội thị Tam Kỳ bị ngập sâu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung sơ tán nhân dân ở điểm ngập sâu tại kiệt đường Thái Thị Bôi.

Sơ tán hàng nghìn người

Các "vùng tâm trũng" của quận Liên Chiểu đang là nỗi lo lớn đối với chính quyền địa phương nơi đây. Mưa lớn kéo dài từ chiều đến đêm 13 và sáng 14-10 khiến nhiều khu vực dân cư ở đường Mẹ Suốt ngập nặng, một số điểm ngập sâu tới hơn 1m. Trong khi đó, nhiều kiệt hẻm tại đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu) cũng bị nước lụt nhấn chìm. Nước lên nhanh khiến nhiều gia đình đồ đạc bị ngập sâu, hư hại như tủ lạnh, tivi… Người dân không thể di tản nên phải cầu cứu các đơn vị chức năng. Như trường hợp chị H. trong khi đang mang bầu, nhưng kẹt lại trong nhà, không thể ra ngoài. Tiếp nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Liên Chiểu đã kịp thời có mặt để triển khai phương án cứu hộ, sử dụng phao để đưa chị H. ra khỏi vùng ngập. Hay anh N.H (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), trong lúc di chuyển bị rắn cắn. May nhờ Công an phường Hòa Khánh Nam có mặt kịp thời, cõng ra khỏi vùng ngập để tiếp cận xe cấp cứu 115 đưa tới trung tâm y tế chữa trị.

Tại đường Hoàng Văn Thái, lực lượng cứu hộ phải dùng phao cứu hộ sơ tán hàng chục người già và trẻ em trong những ngôi nhà bị ngập sâu trong các kiệt hẻm. Tại tổ 130 P. Hòa Minh, Công an phường cùng các ngành chức năng cắt cử lực lượng phối hợp với các lực lượng khác tổ chức ứng cứu kịp thời nhiều hộ dân, trong đó có một cháu nhỏ 3 tuổi và một bệnh nhân mới mổ ruột thừa xuất viện cách đây ít ngày ở khu vực đường Nguyễn Đình Tứ.

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc cho hay, trên địa bàn quận có trên dưới 50 điểm bị ngập sâu, đặc biệt có khoảng 15 vị trí bị ngập từ 1 mét trở lên. Ngoài hàng nghìn người dân tại P. Hòa Khánh Nam đã được di dời trong đêm 13-10, ngày 14 và 15-10, lực lượng chức năng cũng đã khẩn trương triển khai di dời, sơ tán gần 1.900 người dân ở các vùng trũng thấp tại phường Hòa Minh, Hòa Hiệp Nam và Hòa Khánh Bắc đến nơi an toàn. Trong đó, tại ngõ K317 đường Âu Cơ (P. Hòa Khánh Bắc), nước ngập gần 1 mét, nước chảy xiết nên quận đã huy động đội xung kích của phường và Công an quận, BĐBP tập trung hỗ trợ người dân di chuyển an toàn đến các hộ dân lân cận, kê cao tài sản. Theo ông Bắc, tại các khu vực thấp trũng của 3 phường, hai ngày qua, cùng với lực lượng hỗ trợ của thành phố, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc giúp dân sơ tán, di dời tài sản.

Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều khu vực tại huyện Hòa Vang bị ngập sâu và một số tuyến đường bị chia cắt. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hòa Vang, ít nhất đã có 5/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập. Cụ thể, có 30/113 thôn tại xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Bắc bị ngập với tổng số nhà bị ngập lên tới 600 nhà. Trong khi đó, tại xã Hòa Phong, nước sông Túy Loan dâng cao đã tràn lên đường, gây chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Tại các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ cũng ghi nhận hàng chục điểm ngập mỗi quận, trong đó: Thanh Khê có 13 điểm, Cẩm Lệ 14 điểm, quận Sơn Trà 21 điểm, quận Hải Châu 29 điểm... Thống kê đến cuối ngày 15-10, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận có 12 con heo bị chết, trôi; 28,1ha rau màu bị ngập; hư hại 1 trại nấm; một số công trình giao thông, thoát nước bị sạt lở, sụt lún...

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân.

Không để dân đói, khát

Sáng 14-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng đã có chuyến thị sát, kiểm tra thực tế tại các điểm ngập úng trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà... và một số điểm sơ tán nhân dân. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng đoàn đã kiểm tra điểm sơ tán nhân dân khu vực Khe Cạn (P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê; Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Tại các điểm đến, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung sơ tán nhân dân ở các khu vực bị ngập sâu đến nơi cao ráo, an toàn.

"Ngoài nhiệm vụ huy động tổng lực sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, lưu ý các cấp ngành, các lực lượng phải bảo đảm các điều kiện sinh hoạt thiết yếu, nhu yếu phẩm cho nhân dân, không được để người dân nào đói, khát. Các lực lượng chức năng khẩn trương rào chắn, quyết liệt ngăn chặn, không cho người dân, nhất là trẻ em đi lại ở các đoạn đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn, tránh sa vào các hố sâu cũng như xảy ra tai nạn đáng tiếc", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng lưu ý các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý thoát nước, chống ngập úng để nước nhanh rút, giảm ngập, theo dõi các điểm ngập để đề xuất giải pháp xử lý tổng thể. Tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (Q. Thanh Khê), nơi đang có nhiều người dân ở khu vực Khe Cạn (P. Thanh Khê Tây) sơ tán đến, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng động viên người dân ở lại nơi sơ tán đến khi nước rút rồi mới về nhà để bảo đảm an toàn. Mong rằng người dân sớm đồng thuận với chủ trương của thành phố về xử lý thoát nước, chỉnh trang khu vực dân cư thấp trũng, ngập úng này. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng động viên các lực lượng vũ trang TP những ngày tới tiếp tục nỗ lực, phối hợp với các địa phương, đơn vị hỗ trợ nhân dân trong mưa ngập, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trước đó, ngay sau khi nhiều vùng tâm trũng của thành phố bị ngập sâu, tối 13-10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã trực tiếp đến các khu vực ngập úng của quận Liên Chiểu để kiểm tra thực tế, chỉ đạo sơ tán dân đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lưu ý các đơn vị và địa phương về công tác chống ngập, đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực thấp trũng, lụt sâu trước tình hình mưa lớn dự báo còn kéo dài nhiều ngày tới. Với các cơ quan chức năng địa phương, nhất là lực lượng vũ trang, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phải thường xuyên triển khai lực lượng, phối hợp giúp đỡ nhân dân, tích cực vận động nhân dân vùng ngập nặng, sơ tán đến nơi an toàn, bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm kịp thời hỗ trợ nhân dân.

Các tỉnh miền Trung đều hứng lũ, nguy cơ tiềm ẩn

Tại các địa bàn khác lân cận Đà Nẵng cũng hứng chịu đợt mưa lớn gây ra lũ. Tính từ 19 giờ ngày 14-10 đến 3 giờ ngày 15-10 có nơi trên 120mm như Lộc Tiến (Thừa Thiên-Huế) 165.6mm, Giao Thủy (Quảng Nam) 122.8mm.

Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua khiến 1 người bị mất tích, 471 ngôi nhà bị ngập, 2.466 người phải sơ tán, 33,5 ha hoa màu bị ngập úng... Mưa lớn cũng khiến 1 người mất tích tại Hà Tĩnh do nước cuốn trôi. 471 ngôi nhà bị ngập, 33,5 ha hoa màu bị ngập úng. Mưa lũ cũng khiến học sinh toàn TP Đà Nẵng, 578 điểm trường/270.325 học sinh tại Huế và 1.600 học sinh tại Quảng Trị phải nghỉ học. Nhiều công trình giao thông cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nơi đã phát đi cảnh báo nguy cơ sạt lở ở hầu hết các huyện miền núi. Tại tỉnh Hà Tĩnh ngập 8 ngầm, 7 cầu; tại tỉnh Quảng Bình, 30 điểm các tuyến đường liên thôn, ngầm, tràn bị ngập và chia cắt 20 thôn, bản tại các huyện Minh Hóa và Quảng Ninh; tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngập một số tuyến giao thông tại TP Huế và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà từ 0,2 - 1,2 m; các quốc lộ: 1, 49, 49B ngập cục bộ từ 0,4 - 0,6 m. Sạt lở cũng đã xảy ra ở bờ đê nội đồng tại khu vực cống Mai Dương xã Quảng Phước (H. Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) dài 100m. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ, dân quân và người dân xử lý bằng rọ đá.

Lực lượng chức năng xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) sơ tán người già yếu, neo đơn ở vùng trũng thấp lên khu vực an toàn.

Đặc biệt, trong ngày 15-10 tại TP Tam Kỳ, mưa lớn liên tục nhiều ngày khiến mực nước sông Đầm lên rất nhanh, nước lũ tràn vào nhà người dân ở thôn Xuân Quý (xã Tam Thăng). Trong sáng 15-10, chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an, dân quân tự vệ đã tổ chức vận động hơn 10 hộ dân với khoảng 30 nhân khẩu, chủ yếu là hộ già yếu neo đơn đi sơ tán. Tại các vị trí xung yếu dọc ven sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, nước lũ đã ngập nhà dân. Chính quyền TP Tam Kỳ đã hỗ trợ di dời tài sản của người dân lên cao, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tùy vào điều kiện thực tế. Mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường tại trung tâm TP Tam Kỳ và khu dân cư bị ngập úng cục bộ, phương tiện đi lại khó khăn. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu, gây chia cắt. Cụ thể, trên QL 14H (đoạn qua xã Duy Sơn, Duy Xuyên) nước băng ngập đoạn lý trình Km25+200-Km25+500 với độ sâu từ 0,4m - 0,7m. Tại tuyến ĐT615 (Tam Kỳ - Phú Ninh - Tiên Phước), tắc đường xảy ra tại lý trình Km7+900, đoạn qua xã Tam Đàn (Phú Ninh) do ngập nước sâu từ 0,4m - 1m. Mưa lớn ở thượng nguồn cũng khiến tuyến QL40B tắc đường tại ngầm sông Trường (Km 62+378) do ngập nước sâu từ 0,5 - 1m, chảy xiết.

Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng đã cắm biển, giăng dây cảnh báo và cử người chốt trực, không cho xe cộ đi qua vùng ngập.

Nhiều tuyến phố nội thị Tam Kỳ bị ngập sâu.

Đáng chú ý, mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên các hồ thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước. Trong 17 hồ chứa do Công ty thủy lợi Quảng Nam quản lý đã có 4 hồ tích đầy gồm hồ Nước Rôn, Đá Vách, Phú Lộc, Hương Mao; 2 hồ tích đạt từ trên 70-90% gồm hồ Khe Tân, Thạch Bàn; các hồ còn lại tích dưới 50%. Đối với 56 hồ chứa do địa phương quản lý đã có 4 hồ tích đầy, còn lại các hồ đạt dưới tràn từ 0-1m. Đồng thời, mức nước các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 đều ở dưới cao trình mực nước đón lũ.

Dự báo, từ 15 đến 17-10, khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, riêng khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250-450mm, có nơi trên 700mm. Như vậy, đợt lũ tại các tỉnh miền Trung chưa chịu dừng lại, người dân cần theo dõi và ủng hộ, thực hiện các phương án phòng chống của cơ quan chức năng.

Nhóm PV Thời sự