Hàng xóm của chúng ta

Thứ bảy, 14/05/2022 19:23
Hàng xóm, đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Đó là những người gặp nhau hàng ngày, đôi khi mở cánh cổng quét sân vào buổi sáng gặp nhau, cùng nói chuyện.
Láng giềng…
Láng giềng…

Nếu bạn ở chung cư, gần như hàng xóm chỉ là thoáng gặp khi đi chung thang máy. Nếu nhà bạn là biệt thự, hàng xóm của bạn đã bị ngăn cách bởi những bức tường cao, che chắn, thậm chí mọi sinh hoạt đều không biết đến nhau. Nhưng hàng xóm ở các con phố mở, ở thôn quê lại khác, đó là một cộng đồng còn thân thiết hơn anh em ruột thịt mà ở xa. Tuy nhiên, hàng xóm là một sợi dây liên hệ vô cùng đặc biệt trong đời sống cộng đồng, dẫu mỗi gia đình có cách sống khác nhau. Sống càng lâu ở một con phố, sự gắn kết với hàng xóm vô cùng bền chặt, và việc lễ tết mời qua nhà nhau uống ly rượu, giúp đỡ nhau những khó khăn cũng là tính cách của hàng xóm người Việt.

Tôi ở khu phố này gần 30 năm, thời gian đủ cho những đứa nhỏ ngày tôi đến còn được bố mẹ bồng bế trên tay, nay đã trưởng thành, công ăn việc làm ổn định và lấy vợ hoặc lấy chồng. Chừng ấy năm để thấy cuộc sống phù vân, có nhiều người đã vắng mặt và cả những ngôi nhà đã đổi chủ. Nhà tôi ở một khu phố xa thành phố, con đường bao nhiêu năm vẫn là con đường đất, đất nhà ai cũng rộng nên thuộc tính tình hàng xóm, ai thích nuôi gì, trồng gì, ghét con vật gì...

Nhưng, chuyện hàng xóm cũng giống như một cuốn truyện dài, mà diễn biến nhân vật không thể nào nắm bắt được. Có những chuyện ở khu dân cư đó, là một phần của vui buồn, đôi khi nhường nhịn nhau mà sống, không hề ném rác qua nhà bên cạnh, cũng chẳng nói xấu nhau, mà là sự chia sẻ những gì trong lòng.

Tính ra thì tôi có chục hàng xóm thân thiện ở con đường mà hình như có nhà mỗi sáng giặt đồ xong là đổ nước ra đường, cho nên dẫu trời mưa, nhà của chị ấy luôn có vũng nước to. Để tránh khỏi nước trước nhà mình, hàng xóm bên cạnh đổ xà bần cho trước nhà mình cao hơn, và thế là con đường nhà tôi thành con đường mà nhà nào sửa chữa lại đem xà bần ra đổ. Hàng xóm nhà tôi có cái thú hát karraoke hoặc mở nhạc thì vặn âm thanh hết cỡ cho cả xóm cùng thưởng thức, như thế mãi rồi quen. Ngẫm lại trong cộng đồng khác biệt, hữu duyên ở chung với nhau, những cách ứng xử cũng thành quen, một thói quen dẫu không muốn cũng phải chấp nhận.

Hàng xóm là một phần trong cuộc sống, như có lần trong cơn mưa đêm, con chó nhà tôi bị mấy tay trộm chó rải bả, may mà phát hiện kịp. Thế là cả xóm người thì đi lấy đường đen, người lấy đậu xanh hạt, giã nhuyễn cho nó uống. Nhớ hàng xóm mà con chó được cứu sống. Một hôm cơn bão qua phố làm cho cây hoa giấy trước nhà tôi bị đổ sụp, một cây hoa giấy trồng lâu năm nên rất khó đốn bỏ. Tôi loay hoay đang chặt thì một anh, rồi hai anh hàng xóm đã đi qua mang theo cưa, dao chặt phụ, nhờ thế mà cây hoa giấy được chặt nhanh chóng.

Xóm tôi cũng có lệ là cuối năm, mời qua nhà dự tất niên. Đó là dịp cả xóm cùng tỉ tê chuyện trò. Ông tổ trưởng lại tổ chức tiệc của tổ, chọn một chỗ thoáng để đặt bàn ghế, bày thêm cái loa hát karraoke, cũng là một cách liên kết xóm giềng.

Những buồn vui trong xóm, thậm chí có những chuyện trong gia đình cũng ghé tâm sự. Có gia đình cha mẹ mất sớm, nhà chỉ còn hai anh em. Ngày con em lấy chồng, anh trai phải lo mọi chuyện, cả xóm cùng đến giúp, rồi chung vui. Nhà bên cạnh đi vắng, mấy con chó nhỏ giao cho hàng xóm, cứ tới buổi thì mang thức ăn cho mấy con chó ăn.

Người xưa có nói rằng, mua nhà chọn hàng xóm. Điều đó hoàn toàn chính xác. Tôi may mắn sống trong một khu phố có những người hàng xóm, dẫu đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… nhưng tất cả đều sống vui. Sáng sớm mở cửa nhà, gặp nhau chào nhau một tiếng, để rồi mỗi khi đi xa vài ngày không gặp thấy nhớ...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG