Hành trình gian nan của tân giám đốc tình báo quốc gia mỹ
Nghị sĩ bang Texas John Ratcliffe hôm 26-5 đã nhậm chức Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI), sau khi quyết định bổ nhiệm được Thượng viện thông qua hồi tuần trước. Động thái này đưa chính trị gia đảng Cộng hòa vào trung tâm của cơn bão chính trị trong vụ Cục Điều tra liên bang (FBI) truy tố cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2006.
Tân Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe. Ảnh: NYT |
Hành trình gian nan đến "ghế nóng"
Việc ông Ratcliffe tuyên thệ nhậm chức đã khép lại hành trình đầy trắc trở sau gần 1 năm kể từ lần đầu tiên ông được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí này. Ông Trump đã hai lần đề cử chính trị gia đảng Cộng hòa này vào làm người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia.
Sau khi giám đốc DNI đương nhiệm khi đó là ông Dan Coats từ chức, nhiều nhân vật đã giữ chức vụ quyền Giám đốc DNI, nhưng không ai tại nhiệm lâu. Vị trí này từng được giao cho Phó Đô đốc Hải quân Joseph Maguire và cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, nhưng cuối cùng vẫn không ai “trụ” lại được. Vì thế, giới chính trị Mỹ nhận định rằng, Giám đốc Tình báo Quốc gia là chiếc ghế “nóng” nhất trong cộng đồng tình báo, thậm chí là “nóng” nhất trong chính quyền kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng hồi tháng 1-2017.
Ông Ratcliffe, 54 tuổi, được ông Trump đề cử lần đầu vào tháng 7-2019. Tuy nhiên, ông Ratcliffe đã chủ động rút lui sau khi một số nghị sĩ hoài nghi về kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực tình báo bởi ông xuất thân là luật sư, và phần lớn sự nghiệp của ông gắn liền với vị trí công tố viên chống khủng bố liên bang.
Tiếp sau đó, tháng 2-2020, ông Ratcliffe lại được đề cử vào vị trí này. Thông thường, phe Dân chủ trong Quốc hội thường tìm cách trì hoãn phê chuẩn các đề cử nhân sự của Tổng thống Donald Trump. Nhưng việc các Thượng nghị sĩ Dân chủ đồng ý tiến hành phiên bỏ phiếu chỉ chưa đầy một tháng sau Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ thông qua đề cử của ông Donald Trump - dù ứng cử viên là một “gương mặt cũ” - cho thấy John Ratcliffe thực sự có những tố chất khiến các nghị sĩ Dân chủ phải vượt qua những định kiến về đảng phái.
Các nhà phân tích cho rằng, lần đầu ông Trump chọn ông Ratcliffe do sự trung thành của ông với Tổng thống, thể hiện qua sự bảo vệ quyết liệt của ông dành cho Tổng thống trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Còn lần đề cử thứ hai của ông Trump được đưa ra sau khi ông Ratcliffe là người bảo vệ chính của Tổng thống trong quá trình luận tội tại Hạ viện.
Những khó khăn
Ông Ratcliffe cũng là thành viên Ủy ban Tư pháp và tình báo Hạ viện Mỹ. Ở cương vị mới, ông sẽ lãnh đạo và giám sát hoạt động của cộng đồng tình báo Mỹ gồm 17 cơ quan tình báo chính phủ, trong đó có Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), điều phối hoạt động thu thập tin tức tình báo liên quan đến Mỹ trên phạm vi toàn cầu, thường xuyên báo cáo và tham mưu cho tổng thống về những mối đe dọa đối với nước Mỹ. Vị trí này ra đời sau các vụ khủng bố tấn công nước Mỹ hồi tháng 9-2001.
Với cương vị mới, ông Ratcliffe sẽ chuyển từ một trong những người bảo vệ chính của Tổng thống sang vị trí lãnh đạo một cộng đồng tình báo luôn bị ông Trump “đốt cháy” với tuyên bố các quan chức tình báo đang cố làm suy yếu chức tổng thống của ông. Ông Ratcliffe sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc quyết định những tài liệu nào được công bố công khai trước cuộc bầu cử trong bối cảnh Quốc hội đang mở rộng các cuộc điều tra nhằm vào các quan chức của chính quyền Obama và đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Ông Ratcliffe cũng sẽ lãnh đạo cộng đồng tình báo thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ông Ratcliffe đã không thể hiện rõ việc liệu ông có tin rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hay không và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng ông đã không ủng hộ một trong những phát hiện quan trọng của cộng đồng tình báo Mỹ: Nga đã cố gắng giúp ông Trump vào năm 2016. Ông Ratcliffe giờ đây cũng sẽ là người ra quyết định quan trọng trong việc sắp xếp lại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia sau khi cựu Giám đốc lâm thời sắp ra đi Richard Grenell đã thực hiện một cuộc đại tu trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình.
AN BÌNH