Hát về biển đảo tổ quốc
(Cadn.com.vn) - Tối 18-8, trong buổi nói chuyện của PGS.TS Trương Minh Dục về chủ quyền quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do UBND Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng) và Công ty CP Green&Brown.SJC tổ chức, hàng ngàn học sinh, sinh viên, người dân và du khách đến với Tuần lễ Sách Sơn Trà chào mừng năm học mới 2016-2017 đã có một buổi tối lắng đọng với những câu chuyện kể về Trường Sa và qua 3 bài hát do chính nhạc sĩ Thế Hiển hát.
Nhac sĩ Thế Hiển vừa đệm đàn vừa hát ca khúc "Lính đảo Trường Sa". |
Mở đầu câu chuyện, nhạc sĩ "Hát về anh" và "Nhánh lan rừng" chia sẻ: "Trong 4 năm qua, tôi có 3 lần được ra với Trường Sa để hát phục vụ bộ đội, đồng bào ta và đã sáng tác 6 bài hát. Ra với Trường Sa thấy yêu vô cùng Tổ quốc ta và bản thân tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với cuộc sống và góp phần bảo vệ, giữ gìn biển đảo của Tổ quốc". Nhạc sĩ Thế Hiển kể, hai lần trước ra Trường Sa, anh chứng kiến cuộc sống của bộ đội và người dân trên đảo rất khó khăn, thiếu thốn. Tàu HQ-936 đi khắp các đảo để cung cấp nước ngọt, nhiều khi 1 tháng mới được cung cấp nước ngọt nên bộ đội phải dùng dè xẻn từng ca nhỏ. Dùng một ca phải giữ lại nước đó để tưới rau xanh. Chiến sĩ ta vốn đã xác định không về phép, nhưng khi gia đình có việc quan trọng cũng không thể nào về được vì không có phương tiện vào đất liền. Những lúc rảnh rỗi, chờ thủy triều xuống thấp, anh em bộ đội ra tìm vỏ ốc biển, san hô. Vỏ ốc biển được anh em cạo sạch lớp hà ký sinh, rồi dùng các vật dụng đánh cho bóng. Sau đó gói ghém cùng san hô, quả bàng vuông... rồi chờ tàu đến đảo thì gửi vào đất liền và quê hương tặng người yêu, gia đình, bạn bè...
"Không về phép, quà của lính đảo chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi, nhưng là tất cả tấm lòng của người chiến sĩ nơi đảo xa và cũng là lời nhắn gửi, động viên người thân và "lời thề" bảo vệ, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi hát tặng các chiến sĩ trên đảo Đá Tây của quần đảo Trường Sa, tôi được một chiến sĩ tặng cho một vỏ ốc biển. Cầm vỏ ốc lên áp vào tai và nghe được tiếng sóng biển rì rào như lời tâm sự, lời động viên của những người chiến sĩ đối với người thân ở đất liền. Ngay đêm đó, tôi cùng cây đàn guitar viết ca khúc "Vỏ ốc biển". Bài hát được kiểm tra, thẩm định luôn bằng chính giọng hát, tiếng đàn của mình", nhạc sĩ Thế Hiển cho biết.
"Anh gửi về em những vỏ ốc biển từ Trường Sa, đảo xa / Trường Sa, đảo xa, xa xôi lắm / Nhưng em yêu ơi, em vẫn thật gần/ Khi em nhận, em hãy áp tai vào lòng ốc biển / Em hãy lắng nghe, em hãy lắng nghe tiếng sóng vỗ dạt dào / Tiếng sóng vỗ dạt dào - hàng ngàn nỗi nhớ anh gửi về em / Trường Sa, đảo xa, nơi đây anh vẫn cùng đồng đội / Canh giữ biển trời giữa sóng gió trùng khơi / Những nỗi nhớ anh gửi vào lòng ốc biển / Em yêu ơi, đất biển ơi / Trường Sa, đảo xa nơi đây luôn ấm tình đồng đội / Sóng gió trập trùng vẫn vững chắc niềm tin / Cất tiếng hát ấm sâu vào lòng ốc biển / Ôi, Tổ quốc thiêng liêng / Ôi, biển đảo thiêng liêng / Nam quốc sơn hà, Nam đế cư!". Giọng hát của anh tràn đầy khí phách khi diễn đạt câu hát cuối cùng "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư!", khiến nhiều khán giả đứng dậy vỗ tay không ngớt. Cảm ơn người nhạc sĩ đã thể hiện mượt mà một câu thơ Thần của Thái úy Lý Thường Kiệt lần đầu tiên được phổ nhạc, để thấy rõ khí phách và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những lính biển đối với biển đảo quê hương.
Nhạc sĩ Thế Hiển từng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là "Nhạc sĩ viết ca khúc về Lực lượng vũ trang, Lực lượng thanh niên xung phong và hát phục vụ quần chúng nhiều nhất" vào năm 2012. Anh kể, năm 2015, khi ra với Trường Sa lần thứ 3, thấy cuộc sống của bộ đội và người dân đã đỡ hơn nhiều. Nhờ các chương trình vận động trợ giúp xây dựng mà ở Trường Sa đã có trường học, có các hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, có sóng điện thoại Viettel thoải mái sử dụng giúp nối gần đất liền với Trường Sa. Đặc biệt, trên các đảo đã xây dựng được các nhà sinh hoạt văn hóa, bàn đánh bóng bàn và có giàn âm thanh hiện đại để anh em sinh hoạt, ca hát. "Một đêm ở đảo An Bang, sau kíp trực gác, một tốp chiến sĩ được cho phép giao lưu với đoàn văn công mới ra thăm đảo. Có một chiến sĩ được anh em bộ đội đặt biệt danh là "Voi" xung phong đọc một bài thơ. Chiến sĩ "Voi" nói: "Em có sáng tác một bài thơ. Khi nhớ người yêu, em thường đọc bài thơ cho người yêu nghe. Nay em xin đọc bài thơ tặng đoàn: "Anh vẽ em trên cát / Anh ôm em trên cát / Nhớ em, hôn một phát / Miệng của anh đầy cát / Ôi, tình yêu mặn chát!"... khiến ai nấy cười nghiêng ngả. Sau đó, anh em bộ đội đề nghị: "Nhạc sĩ Thế Hiển ơi, sáng tác giúp chúng em một bài hát nào đó thật vui tươi để chúng em hát khi sinh hoạt!". Đêm đó, tôi liền sáng tác bài hát với chất liệu rock. Lấy cảm hứng từ bài thơ của chiến sĩ "Voi", tôi dùng vần "a" để ngắt câu và đặt tên bài hát là "Lính đảo Trường Sa" với giai điệu thật vui tươi", nhạc sĩ Thế Hiển nói.
"Lính đảo Trường Sa / Bộ đội Trường Sa / Bơi lặn nhanh hơn cá / Vượt qua những phong ba / Gió táp và mưa sa / Trọn niềm tin thiết tha / Nước non quê nhà / Biển đảo là của ta!
Lính đảo Trường Sa / Có người yêu phương xa / Nhớ người yên, nhớ quá / Điện thoại ngay về nhà / Sóng Viettel bao la / Thưa chuyện cùng má ba / Ra giêng hai bên nhà / Sẽ treo đèn kết hoa!". Giọng hát và tiếng đệm đàn guitar của nhạc sĩ Thế Hiển khiến nhiều người lắc lư, vỗ tay theo đầy thích thú. Nhạc sĩ đã có 6 bài hát về Trường Sa gồm: "Nỗi nhớ đảo xa" (phổ thơ Lê Xuân Bắc), "Vỏ ốc biển", "Khúc hát tự hào HQ - 561", "Tiếng hát trên đảo Sơn Ca" (phổ thơ Phan Hoàng), "Biên cương biển đảo biên phòng" và "Lính đảo Trường Sa".
Dường như có một sự trao truyền khá thú vị trong cuộc đời sáng tác của Thế Hiển, khi thân phụ ông chính là nhạc sỹ Thế Song, tác giả của một trong những ca khúc về biển nổi tiếng trong thời đại chúng ta - ca khúc "Nơi đảo xa", với những ca từ rạo rực tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo quê hương: "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà... Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng...".
Chắc chắn những ca khúc về Trường Sa mà nhạc sĩ Thế Hiển sáng tác sẽ không dừng lại ở con số 6. Và biết đâu, với niềm cảm hứng và tình cảm của người dân thành phố biển Đà Nẵng, nơi có huyện đảo Hoàng Sa đầy thiêng liêng, người nhạc sĩ "Nhánh lan rừng" và "Lính đảo Trường Sa" sẽ sáng tác một ca khúc về Hoàng Sa, để rồi, chính ông với cây đàn guitar sẽ lại cùng hòa nhịp hát với người dân thành phố bên sông Hàn một dịp nào đó.
Hạnh Nhân