Hậu Festival Di sản Quảng Nam 2013: Vùng tây xứ Quảng mời gọi

Thứ ba, 02/07/2013 09:14

(Cadn.com.vn) - Trong dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013, vùng tây xứ Quảng đã để lại những ấn tượng khó quên từ những trải nghiệm thú vị cùng văn hóa Cơ Tu và khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam năm 2013, làng du lịch cộng đồng Bhờ Hồồng, xã Sông Kôn (H. Đông Giang) đã được tổ chức khai thác với mô hình du lịch homestay tại mái Gươl cùng hệ thống 10 phòng nghỉ nằm trong 5 căn nhà moong với đầy đủ tiện nghi khép kín, sạch sẽ và sang trọng. Đến với làng văn hóa Cơ Tu xinh đẹp và thơ mộng này, du khách được trải nghiệm cùng các hoạt động thú vị như: lễ hội đâm trâu, điệu múa tung tung-dá dá, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi truyền thống cùng với chương trình ẩm thực với các món ăn đặc sản cũng được tái hiện đầy đủ, sinh động. Tại làng Đhờ Rôồng, các sản phẩm du lịch tương tự cũng được khai trương, mở ra tour du lịch mới lên miền núi phía tây xứ Quảng. Trong chuỗi các hoạt động festival tại vùng tây Quảng Nam, các làng du lịch cộng đồng và 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh tại xã Cà Dy (H. Nam Giang) được phục dựng đã chính thức khai trương đón khách. Lần đầu bước đi trên con đường giữa đại ngàn, tận mắt chiêm nghiệm vẻ đẹp của rừng, thăm một “bảo tàng” ngoài trời với nhiều hiện vật chiến tranh như hầm trú ẩn, lán trại, đoàn xe vận tải, bếp Hoàng Cầm và cả những... hố bom được tái hiện, du khách hết sức hào hứng.

 

 

 Làng Bhờ Hồồng, xã Sông Kôn (H. Đông Giang) mở hội đón chào du khách.

Không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, các sản phẩm du lịch được tổ chức trong festival lần này tại các điểm du lịch cộng đồng ở Đông Giang và Nam Giang đã và đang mở ra kỳ vọng phát triển du lịch, đánh thức tiềm năng của miền tây xứ Quảng. Đó cũng là mục tiêu của dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang được triển khai tại đây. Ông Briu Danh, người dân thôn Bhờ Hồồng phấn khởi: “Người dân trong thôn đã được Sở VH-TT&DL tỉnh cùng với tổ chức ILO tích cực đào tạo làm du lịch tại cộng đồng. Trong dịp festival, nhiều khách Tây rất thích ở trong những ngôi nhà tre nứa lợp lá do nhân dân trong thôn góp công xây dựng. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ mở ra cơ hội cho dân làng có thêm thu nhập”.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An, đơn vị khai thác và tổ chức tour du lịch vùng Tây Quảng Nam, cho biết: “Cùng với những lợi thế về địa thế, văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa..., kết hợp một số loại hình du lịch như homestay, du lịch mạo hiểm là nỗ lực để trung tâm đưa du lịch phát triển tại chính nơi này. Tại các làng văn hóa truyền thống Cơ Tu đã có đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa và kết nối thiên nhiên”. Ông Aviết Sơn, Phó Chủ tịch UBND H. Nam Giang khẳng định: “Qua Festival Di sản Quảng Nam lần này, cán bộ và nhân dân huyện  xác định là cơ hội để các ngành chức năng và địa phương khảo sát, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào. Việc phục dựng lại đường mòn Hồ Chí Minh vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử của địa phương, vừa trở thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách gần xa. Địa phương sẽ nỗ lực quảng bá, thu hút đầu tư để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới”. 

 

 

 Sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu thu hút du khách.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết: “Vùng tây Quảng Nam đang mời gọi các nhà đầu tư và du khách tham gia du lịch với những loại hình đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Đến đây, du khách có những trải nghiệm thú vị với cuộc sống và văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em. Thông qua đó, họ còn hiểu được vùng đất Quảng Nam không chỉ có hai Di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn, Hội An và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, mà còn biết được có bao nhiêu dân tộc, những tài nguyên về văn hóa, du lịch và nhân văn ở vùng núi Quảng Nam. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với tổ chức ILO đào tạo cách làm du lịch cho người dân bản địa miền núi để họ có điều kiện tham gia vào các hoạt động du lịch ngay chính cộng đồng làng của mình”.

Vùng tây Quảng Nam đang mời gọi. Nếu được quảng bá rộng rãi và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa thì tuyến du lịch vùng tây Quảng Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.

Bài, ảnh: Thạch Hà