Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4-1980 - 18-4-2019):

Hãy sống như những đóa hoa…

Thứ năm, 18/04/2019 11:50

Họ là những người khuyết tật về thể xác nhưng chưa bao giờ khuyết tật về tâm hồn. Bằng nghị lực sống phi thường, họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trở thành những thầy, cô giáo gieo nghị lực trên chính đôi tay gầy cho những học trò bất hạnh. Nhắc về cuộc đời, số phận họ bao giờ cũng bắt đầu bằng nụ cười bởi biết rằng, trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo nên hãy cứ sống như những đóa hoa…

Thầy Phương hướng dẫn các em làm hương.

Những thầy, cô giáo chúng tôi muốn nói đến là những nhân viên Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, cơ sở 1 Q. Thanh Khê (gọi tắt là Trung tâm). Hơn một thập kỷ gắn bó với Trung tâm là chừng ấy năm họ trở thành những tấm gương sáng để những học trò là những em mang trong mình di chứng chất độc màu da cam noi theo. Một ngày giữa tháng tư, nắng ngả vàng trên các con phố, chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm. Thấy chúng tôi từ ngoài cổng, nhiều đứa trẻ ngơ ngác đã vẫy tay chào. Với những đứa trẻ này, những tiếng gọi thiêng liêng "thầy Phương", "thầy Dũng" hay "cô Thanh" đã trở nên quá đỗi quen thuộc. "Nhiều em tuy tuổi đời đã lớn nhưng nhận thức còn rất kém bởi mang trong mình di chứng chất độc màu da cam. Chúng tôi cũng là những người kém may mắn nên dễ đồng cảm, đón nhận, nuôi dạy các em như chính những người thân trong gia đình mình. Dù số phận không mỉm cười nhưng chúng tôi vẫn muốn các em nở nụ cười thật tươi đón nhận cuộc đời", cô Phan Thị Thanh, tâm sự.

Cô Thanh là một trong ba thầy cô giáo đảm nhiệm lớp học đặc biệt tại Trung tâm. Vốn bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ sau một trận sốt nhưng không vì thế mà cô đầu hàng số phận. Năm 2006, khi Trung tâm được thành lập cô đã xin vào công tác. "Mỗi nhân viên Trung tâm đều được tạo điều kiện phát huy những sở trường riêng. Tôi vốn là người thiết kế màn rèm, có khả năng may mặc cũng như làm các sản phẩm thủ công nên được phân công đứng lớp dạy may, làm hoa cho các em. Có tiếp xúc, gắn bó lâu dài mới có tình cảm thật sự nên thầy trò luôn dành cho nhau sự chân thành, xem nhau như những người bạn cùng đồng hành qua những truân chuyên, trở ngại của cuộc đời", cô Thanh nói. Lớp học làm hoa đá hiện tại của cô Thanh có 6 học sinh theo học nhưng chưa bao giờ không khí trở nên vắng lặng mà luôn đầy ắp tiếng nói cười. Các em đều chậm phát triển về trí tuệ, thậm chí có những em rơi vào trạng thái lúc mơ, lúc tỉnh nên việc tiếp thu cũng gặp nhiều khó khăn. Song, chủ yếu ở lớp học đặc biệt này, các thầy cô có nhiệm vụ tạo môi trường để các em vui chơi, giải trí, bỏ nỗi đau bệnh tật lại phía sau lưng. Trong các giờ học, thỉnh thoảng cô Thanh lại chuẩn bị những món quà khích lệ tinh thần các em. Có khi trên tay cô là cái cột tóc, khi là chiếc vòng tay… Giọng cô Thanh nhẹ nhàng: "Hôm nay T. có ngoan không? Sao khi nãy H. lại đánh bạn? Vậy bây giờ ai xứng đáng nhận quà của cô đây?". Thế rồi, cô Thanh phân tích cho các em thấy như thế nào mới ngoan, như thế nào mới xứng đáng nhận quà.

Lớp học làm hoa đá của cô Thanh luôn tràn ngập niềm vui.

Ở căn phòng nhỏ bên cạnh, thầy Nguyễn Ngọc Phương cũng cầm tay chỉ việc cho nhiều em tập làm hương trầm. Thầy Phương chia sẻ, các thầy cô giáo ở đây chủ yếu dạy theo phương pháp mưa dầm thấm lâu. Bởi, với người bình thường học việc tầm 3 đến 4 tháng đã có thể tự tay làm nên một sản phẩm nhưng đối với các em tại Trung tâm có khi lên đến 3 hoặc 4 năm. Hỏi, nghị lực nào khiến thầy vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội, thầy Phương mỉm cười: "Chúng ta sinh ra không ai có quyền được lựa chọn số phận nhưng có quyền được lựa chọn tương lai. Vì thế, nếu số phận đã kém may mắn thì có một lựa chọn duy nhất là mạnh mẽ bước về phía trước để đón nhận tương lai tươi sáng hơn. Trong mỗi giờ học tôi vẫn luôn nhắn nhủ như vậy với các học trò nhằm giúp các em tự tin bước qua mặc cảm". Với dáng người nhỏ bé, cao chưa đầy một mét vì mang di chứng chất độc da cam nhưng thầy Phương tỏ ra nhanh nhẹn, luôn tận tình với các học trò. Thầy Phương cũng vào Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, được cử đi học kỹ thuật làm hương nên bây giờ thầy làm mọi công đoạn rất thông thạo. Tất cả những sản phẩm do thầy và các học trò làm ra đều được nhiều nơi đặt hàng mua dài hạn. "Dù sản phẩm các em làm không thật sự hoàn hảo nhưng vẫn được đặt mua là một sự ủng hộ tinh thần cho các em. Một số em mang di chứng chất độc da cam nhẹ có thể làm tốt tất cả các công đoạn. Ngoài ra, cũng có em khi rời Trung tâm có thể sống được bằng chính đôi tay của mình với những nghề đã được học. Điều đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến với những người "ươm mầm" như chúng tôi", thầy Phương trải lòng.

Bà Võ Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: "Hiện có tổng cộng 52 em bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng như khuyết tật đang được nuôi dưỡng, theo học tại Trung tâm. Trong đó, có 5 lớp chính gồm: lớp dạy kỹ năng sống cơ bản, lớp dạy văn hóa và 3 lớp dạy nghề may, làm hương, hoa đá. Các thầy cô giáo tại Trung tâm dù mức thu nhập không cao nhưng vẫn tình nguyện gắn bó là vì họ muốn được dìu dắt các em vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Nhiều em còn xem các thầy cô giáo như những người cha, người mẹ hiền tuyệt vời của mình. Điều đó là minh chứng cho những tấm lòng cao cả, đáng trân trọng của các thầy cô".

Hôm chúng tôi đến thăm, còn thầy giáo Trương Tấn Dũng, bị khuyết tật cả tay chân nhưng vẫn gắn bó dạy các em tại Trung tâm tập hát, tập vẽ mỗi ngày. Tuy nhiên, hôm nay thầy có việc riêng xin nghỉ một buổi. Hỏi mới biết, thầy đang đi chụp hình cưới, sắp tới đây thầy sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân, mở ra một trang mới của cuộc đời mình. Và, bỗng dưng chúng tôi nghĩ, một bông hoa nữa lại sắp nở giữa cuộc đời này…

THÀNH DANH